Công
Chúa Đông Đô,
Hoàng Hậu Phú Xuân,
Nàng
Là Ai?
Trên dưới hai trăm năm nay, trong dân gian thường truyền tụng câu ca dao:
"Gái đâu có gái lạ đời,
"Con vua lại lấy hai đời chồng vua.
Con vua đây là con vua Hiển Tông triều Hậu Lê. Nhà Hậu Lê đóng đô ở Hà Nội ngày nay, thời bấy giờ gọi là Đông Đô. Nàng là Công Chúa Đông Đô. Hai đời chồng vua, thì một đời chồng là vua nhà Nguyễn Tây Sơn, còn đời chồng kia là vua sáng nghiệp nhà Cựu Nguyễn. Cả hai triều vua Nguyễn Tây Sơn và Cựu Nguyễn đều đóng đô ở thành phố Huế ngày nay, thời bấy giờ gọi là Phú Xuân. Nàng là Hoàng Hậu Phú Xuân. Vậy nàng là Công Chúa Đông Đô, Hoàng Hậu Phú Xuân. Nàng quả thật là một nhân vật phi thường. Nàng là ai vậy?
Trong lịch sử cận đại Việt Nam, hễ nói đến công chúa con vua mà lại lấy chồng vua, làm hoàng hậu, là người ta nghĩ ngay đến công chúa Lê Ngọc Hân con vua Lê Hiển Tông, gả làm vợ vua Quang Trung nhà Nguyễn Tây Sơn. Dựa vào câu hát dân gian trên đây, người ta lại cho rằng sau khi nhà Tây Sơn mất ngôi, Công Chúa Lê Ngọc Hân đưọc vua Gia Long lập làm Đệ Tam Cung, cho nên bà là công chúa con vua mà lại lấy chồng hai lần, cả hai đời chồng đều là chồng vua cả. Lại cũng có truyền thuyết cho rằng sau khi nhà Tây Sơn mất ngôi, chung cục của Công Chúa Lê Ngọc Hân vô cùng bi thảm. Bà đã cùng hai con trốn tránh được một thời gian rồi bị bắt và bị xử cực hình.
Sự thực như thế nào? Nàng Công Chúa Đông Đô, Hoàng Hậu Phú Xuân đích thực là ai vậy?
Công Chúa Lê Ngọc Hân sinh năm 1771, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32, là công chúa thứ 21 con vua Hiển Tông nhà Hậu Lê. Bà mẹ Công Chúa Lê Ngọc Hân tên là Nguyễn Thị Huyền, người làng Phù Ninh, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh. Công Chúa Lê Ngọc Hân là em Thái Tử Lê Duy Vỹ và là cô Hoàng Tự Tôn Lê Duy Kỳ tức là người sau này lên nối ngôi vua Lê lấy niên hiệu là Chiêu Thống. Khi Nguyễn Huệ làm Tiết Chế, thống lĩnh quân đội Tây Sơn ra đánh Bắc Hà với danh nghĩa "phù Lê diệt Trịnh" vào năm 1786 thì Công Chúa Lê Ngọc Hân mới 16 tuổi. Vì Nguyễn Huệ một phần nào cũng có bụng tôn phù nhà Lê, mặt khác do sự mối mai thu xếp của Nguyễn Hữu Chỉnh muốn bắt cầu thân gia giữa Vua Lê Hiển Tông và Tiết Chế Nguyễn Huệ, nên Vua Lê Hiển Tông đã đem Công Chúa Lê Ngọc Hân gả cho Nguyễn Huệ và phong Huệ làm Nguyên súy dực chính phù vận Uy Quốc Công.
"Từ cờ thắm trỏ vời đất Bắc,
"Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.
"Rút dây vâng mệnh phụ hoàng,
"Thuyền lan chèo quế thuận đường vu quy.
Hai vợ chồng Nguyễn Huệ lưu lại Đông Đô một thời gian ngắn. Sau khi vua Lê Hiển Tông băng hà, Công Chúa Lê Ngọc Hân theo chồng về Phú Xuân. Đến năm 1789, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, phong cho Công Chúa Lê Ngọc Hân làm Bắc Cung Hoàng Hậu. Thế là nàng Công Chúa Đông Đô đã trở thành Hoàng Hậu Phú Xuân.
Điều cần lưu ý là Vua Quang Trung có đến hai bà Hoàng Hậu được tấn phong cùng một lúc. Ngoài Bắc Cung Hoàng Hậu họ Lê, Vua Quang Trung còn có Chính Cung Hoàng Hậu họ Phạm. Theo Tây Sơn Tiềm Long Lục, bà Hoàng Hậu họ Phạm này tên là Phạm Thị Liên, người Bình Định, là anh em ruột với Hộ Giá Phạm Văn Ngạn, Giả Vương Phạm Văn Trị, Thái Úy Phạm Văn Tham và Thái úy Phạm Văn Hưng. Bà Phạm Thị Liên lại còn là anh em cùng mẹ khác cha với Thái Sư Bùi Đắc Tuyên và Hình Bộ Thượng Thư Bùi Văn Nhật. Chính Cung Hoàng Hậu họ Phạm sinh hạ được 5 người con, 3 trai 2 gái. Người con trai lớn là Quang Toản, còn có tên là Quang Bình, về sau nối ngôi nhà Tây Sơn, tức là Vua Cảnh Thịnh. Hai người con trai kia thì một người tên là Quang Bàn, được phong Tuyên Công lãnh Đốc Trấn Thanh Hoa, một người tên là Quang Thiệu được cử làm Thái Tể. Hai người con gái thì một người lấy Phò mã Nguyễn Văn Trị, còn một người thì gả cho Nguyễn Phước Tư là Tôn Thất hệ nhất nhà Cựu Nguyễn. Vua Quang Trung rất mực quý trọng bà Chính Cung Hoàng Hậu họ Phạm này. Theo các tài liệu của Phái bộ Truyền giáo Nam Hà, nhất là lá thư của Giáo sĩ Girard đề ngày 25-11-1792 gửi Giáo sĩ Boiret ở Macao, thì khi Hoàng Hậu lâm bệnh, Vua Quang Trung đã cho mời thầy thuốc người Âu đến chửa bệnh và đến khi Hoàng Hậu mất thì nhà vua đau đớn vật vã đến phát điên phát cuồng. Bà mất ngày 29 tháng 3 năm 1791 mà mãi đến ngày 25 tháng 6 năm đó mới đưa đi chôn cất. Bà được truy tặng là Nhân Cung Đoan Tĩnh Trinh Thục Nhu Thuần Vũ Hoàng Chính Hậu.
Về phần Bắc Cung Hoàng Hậu họ Lê, bà là lá ngọc cành vàng, quê ngoại lại là xứ Kinh Bắc tài hoa văn vật, nên bà là một phụ nữ thông minh, đức hạnh và nhan sắc, thật là vẹn toàn mọi vẻ. Ngày mới thành hôn với Nguyễn Huệ, trên đường đi bái yết các Tiên Đế ở Thái miếu trở về, Nguyễn Huệ hỏi bà :"Các hoàng tử và công chúa, mấy ai được vinh hạnh như nàng, được thành thân với Ta, nàng cảm thấy như thế nào?" Tuy mới 16 tuổi đầu, Công Chúa Lê Ngọc Hân đã tỏ rõ là người giỏi ứng đối :"Nhà vua quen sống đạm bạc, bổng lộc ít ỏi, các hoàng tử và công chúa đều thanh bạch, nay thiếp được nâng khăn sửa túi cho Chúa Công, cũng tỷ như giọt nước trên không trung rơi vào nơi lầu son gác tía, thân phận thiếp quả là may mắn hơn cả". Nguyễn Huệ rất đẹp lòng. Bà có nhiều ảnh hưởng trong các quyết định quan trọng của Nguyễn Huệ. Khi Vua Lê Hiển Tông băng hà, Nguyễn Huệ đã nghe lời Công Chúa Lê Ngọc Hân, có ý muốn lập Sùng Nhượng Công Duy Cận lên ngôi thiên tử. Đến khi Hoàng tộc nhà Lê vì việc đó mà đòi tước bỏ sổ bộ của Công Chúa, Nguyễn Huệ lại theo lời bà mà chịu lập Hoàng Tự Tôn Duy Kỳ lên ngôi vua. Vừa thông minh, vừa khôn khéo, trong thời gian làm Hoàng Hậu ở Phú Xuân, Công Chúa Lê Ngọc Hân chẳng những chỉ làm đẹp lòng Đức chí tôn mà còn khuynh loát cả Triều đình như chúng ta sẽ thấy về sau này ảnh hưởng của bà lớn lao như thế nào trong việc tuyển chọn Hoàng Hậu cho Vua Cảnh Thịnh. Thật vậy, bà đã quyết định đem em gái là Công Chúa Lê Ngọc Bình, cũng là công chúa con Vua Lê Hiển Tông như bà, vào làm chính cung cho Hoàng Đế nối nghiệp nhà Tây Sơn là Vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản.
Công Chúa Lê Ngọc Hân lấy Nguyễn Huệ năm 1786, thụ phong Bắc Cung Hoàng Hậu năm 1789. Bà sinh hạ một trai là Nguyễn Văn Đức và một gái là Nguyễn Thị Ngọc. Công Chúa Lê Ngọc Hân mất năm 1799, đương triều Vua Cảnh Thịnh nhà Nguyễn Tây Sơn. Năm đó, bà mới 29 tuổi. Bà được truy tặng là Nhu Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu. Bà là người vừa giỏi văn quốc âm, vừa thông sách Hán tự. Lúc Vua Quang Trung còn sống, bà thường giảng giải kinh điển cho nhà vua nghe. Lúc Vua Quang Trung cử hành lễ Tứ Tuần Vạn Thọ Khánh Tiết, bà dâng bài biểu mừng như sau:
"Tư ngộ thiên thọ khánh tiết, thanh thiên ứng
luật, hôn chử tại thì. Ngọc thụ phiêu
hương, bích đào hiến trường sinh chi quả;
ngân thiềm thổ diễm, băng hồ khai phục
đán chi hoa. Tử ái nùng nhi khuê các
đằng
phương, thụy khí sảng nhi vu huy tăng sắc. Cẩn
phụng biểu xưng hạ giả. Phục dĩ thụy
khí trình tường, thông uất phụng lân chi
thái; quang
thiên xiển lãng, chiếu hồi Dực Chẩn chi hư.
Quế điện truyền hương; tiêu đình dật
khánh. Khâm duy Hoàng đế Bệ hạ, tài cao
thiên cổ,
đức phối lưỡng nghi. Cung thiên phi chấn vũ
công,Tây thổ bí hưng vương chi sự nghiệp; thì
hạ tứ trần ý đức, đông giao hoàn định
quốc chi qui mô. Xích nhật minh nhi ngung nhược hữu
phu; thọ tinh diệu nhi chiêm y cọng ngưỡng. Thần
Xu điện nhiễu quang phù Vạn thọ chi bôi;
xương hạp vân khai dinh triệt thiên thu chi kính. Tứ
tự thường điều ngọc chúc, ức niên vĩnh
điện kim âu. Thần đức thiểm Quan thư,
nhân tàm Cưu mộc. Trung khổn cận bồi chẩn tọa,
bái chiêm bát thiên xuân sơ kỷ chi
tiên trù; nội đình mật
nhĩ thiều âm, cẩn chúc thiên vạn tuế vô
cương chi đỉnh tộ."
(Nay
gặp khánh tiết mừng tuổi thọ của Hoàng
đế, khúc nhạc Thanh thương ứng luật hợp
tiết, cồn hoa đang độ. Cây ngọc đưa
hương, cây bích đào dâng quả trường sinh;
trăng bạc nhả ánh trong, hồ băng lại nở
hoa buổi sáng. Mây mù sắc tía nồng đượm
mà
khuê phòng hương nức; khí lành sáng
tỏ mà áo xiêm thêm
màu. Kính cẩn dâng bài biểu chúc
mừng. Cúi nghĩ lấy
khí lành trình điềm tốt, tưng bừng màu sắc
con phụng con lân; đầy khắp thiên hạ chiếu về
cõi hư không sao Dực saoChẩn. Điện quế truyền
hương; sân tiêu tràn điều mừng. Kính nghĩ
Hoàng
đế Bệ hạ, tài cao thiên cổ, đức hợp
với Trời và Đất. Cung kính thi hành sự trừng
phạt của Trời lớn lao chấn động vũ
công, đất Tây Sơn đẹp đẽ hưng sự
nghiệp đế vương; trần bày đức
đẹp vào bản nhạc ca vĩ đại, ở cõi
giao dã phía đông đã định xong qui mô
của nước
nhà. Mặt trời đỏ rạng mà nghiêm đáng tin
[quẻ
quan]; sao thọ tinh chiếu sáng mà thiên hạ đều
cùng ngưỡng lên trông mong nương tựa [thiên
Tiểu
biền, phần Tiểu nhã trong Kinh Thi]. Sao Xu của Bắc
đẩu điện vây, ánh sáng nổi lên chen mừng Vạn
thọ; cửa Trời mây mở, sắc trong thấu triệt
mặt kính ngàn thu. Bốn mùa thường điều hòa
khiến cái đức của Vua đẹp như ngọc
và sáng như đuốc; trong ức năm mãi vững chiếc
lọ vàng. Hạ thần đức thẹn với thơ
Quan thư, nhân ngượng với thơ Cưu mộc.
Trong nội thất theo hầu kề cùng ngồi mặc
đồ lộng lẫy, vái mong tính theo tuổi thiên
niên kỷ
khởi đầu của Bệ hạ một mùa xuân tám
ngàn năm; chốn nội đình kề sát nghe nhạc thiều,
ân cần chúc phước của quốc gia được
ngàn muôn năm vô hạn.)
[Nam Phong Tạp Chí, số 103, năm 1926, phần Hán văn. Bản dịch của Tạ Quang Phát].
Lúc Hoàng Đế Quang Trung băng hà vào ngày 15 tháng 9 năm 1792, Công Chúa Lê Ngọc Hân mới có 22 tuổi. Bà chỉ mới chung sống với nhà vua vỏn vẹn có 6 năm trời, có được hai mặt con. Làm sao có thể tưởng tượng hết tâm trạng thống khổ của bà lúc bấy giờ. Rất may cho hậu thế là bà có soạn một bài văn tế bằng quốc âm để tế nhà vua. Trong nỗi bất hạnh lớn lao của Công Chúa Lê Ngọc Hân là cái may mắn tột cùng của nền văn học nước nhà. Bà đã để lại cho đời sau bài Ai Tư Vãn mà tất cả chúng ta đều đã biết. Tuy không thể so sánh ngang hàng với Truyện Kim Vân Kiều hay Khúc ngâm Chinh Phụ, nhưng bài Ai Tư Vãn cũng là một áng văn rất đáng trân trọng, cũng là một vật báu trong kho tàng văn học nước nhà. Trong bài điếu văn có nhiều câu nhiều chữ đọc lên như oán như than, khiến người thưởng lãm cũng thấy não lòng. Phải là người trong cuộc, và tâm hồn hết sức tinh tế, tình cảm hết sức bén nhạy, mới có thể giải bày tâm trạng bi thương thành những lời thơ não nùng diễm tuyệt nhường ấy! Nổi buồn nào lê thê bằng nổi buồn của người góa phụ còn quá trẻ đau đớn than van về cái chết đột ngột của người chồng vương giả:
"Khi trận gió hoa bay thấp thoáng,
"Ngỡ hương trời bảng lảng còn
đâu.
"Vội vàng sửa áo lên chầu,
"Thương ôi, quạnh quẽ trước lầu nhện
chăng!
và niềm xót xa nào bi thiết hơn niềm xót xa của người mẹ trẻ vì thương con còn trứng nước mà chưa thể liều thân cho vẹn chữ tòng :
"Quyết liều mong vẹn chữ tòng,
"Trên rường nào ngại, giữa giòng nào e.
"Còn trứng nước thương vì đôi chút,
"Chữ thâm tình chưa thoát được đi.
Công Chúa Lê Ngọc Hân là người tài sắc vẹn toàn. Bà sinh trưởng nơi chốn điện ngọc đền vàng, đã là công chúa con vua lại lấy chồng làm vua. Sau khi Hoàng Đế Quang Trung băng hà, Hoàng Thái Tử Quang Toản lên kế vị, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. Tuy Vua Cảnh Thịnh là con của bà Vũ Hoàng Chính Hậu họ Phạm, nhưng lúc bấy giờ bà này đã mất, nên Công Chúa Lê Ngọc Hân được tôn lên ngôi vị Hoàng Thái Hậu. Hơn nữa, bà lại còn là chị ruột của Công Chúa Lê Ngọc Bình lúc bấy giờ là Hoàng Hậu vợ Vua Cảnh Thịnh. Trong chốn nội đình, địa vị của bà như vậy có thể nói là tột cùng tôn quí. Tuy nhiên, trong thời gian Vua Cảnh Thịnh mới lên ngôi, quyền lực trong triều bị thu tóm vào tay Thái Sư Bùi Đắc Tuyên và gia đình họ Bùi, gây nên tình trạng bè phái chia rẽ, và Công Chúa Lê Ngọc Hân đã rất đổi đau lòng. Thật vậy, nhóm quyền thần gốc Bình Định của Thái Sư Bùi Đắc Tuyên và Thái Phó Trần Quang Diệu đã chèn ép các bề tôi cũ của Vua Quang Trung gốc Thuận Hóa và Bắc Hà, gây nên việc Trần Văn Kỷ bị đi đày, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích bị thất sủng, khiến Ngô Văn Sở bỏ chạy theo Nguyễn Vương, tất cả những điều đó đã làm cho cuộc sống của Công Chúa Lê Ngọc Hân phải trải qua một giai đoạn giao động. Nhưng sau cuộc chỉnh lý của Tư Đồ Võ Văn Dũng, cha con Bùi Đắc Tuyên, Bùi Đắc Trụ bị trầm hà, phe phái lộng thần bị dẹp tan, triều đình trở lại ổn định, bên trong Tư Đồ với Thái Phó giảng hoà, bên ngoài dân chúng liên tiếp mấy năm được mùa, thì nỗi lòng Công Chúa Lê Ngọc Hân cũng vơi bớt chút ưu tư về thế cuộc, chỉ còn chĩu nặng niềm thương nhớ người chồng tài cao mà mệnh đoản :
"Theo buổi trước ngự đèo Bồng đảo,
"Theo buổi sau ngự nẻo sông Ngân
"Theo xa thôi lại theo gần,
"Theo phen điện quế, theo lần nguồn hoa.
và nỗi xót xa hai đứa con còn trứng nước sớm lâm cảnh côi cút mà thôi :
"Gót lân chỉ mấy hàng lẩm chẩm,
"Đầu mũ mao mình tấm áo gai.
"U ơ ra trước hương đài,
"Tưởng quang cảnh ấy chua cay dường nào.
Năm kỷ mùi (1799), niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7, Công Chúa Lê Ngọc Hân mất, hưởng dương 29 tuổi. Lễ Bộ Thượng Thư Đoàn Nham Hầu Phan Huy Ích phụng chỉ soạn bài văn tế cho Hoàng Đế Cảnh Thịnh đích thân đọc trước linh sàng Hoàng Thái Hậu họ Lê. Bà được truy tặng là Nhu Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu. Bài văn tế này đã được Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm tìm thấy và công bố trên Tạp Chí Tri Tân vào năm 1943 tại Hà Nội.
Vậy rõ ràng Công Chúa Lê Ngọc Hân đã mất tại Phú Xuân, đương triều Vua Cảnh Thịnh. Tuy vậy, chung cục của Công Chúa Lê Ngọc Hân vẫn là một đề tài cho nhiều câu chuyện thành văn hoặc truyền khẩu khác nhau, nhiều khi trái ngược nhau là đằng khác. Nguyên do là sau khi nhà Tây Sơn mất ngôi, con cháu nhà Tây Sơn bị tuyệt diệt, các tài liệu về nhà Tây Sơn bị cấm tàng trữ, nên chẳng còn ai có cơ hội và phương tiện nghiên cứu thân thế và sự nghiệp các nhân vật thời Tây sơn một cách chính xác và rõ ràng. Các tài liệu về nhà Tây Sơn được lưu hành chỉ thuần một loại là các sử liệu của Quốc Sử Quán triều Nguyễn mà thôi. Hơn nữa, những người đặt chuyện dã sử lại có thói quen dệt gấm thì thường thêm hoa, để cho câu chuyện đượm phần ly kỳ hấp dẫn. Bởi những lẽ đó mà chung cục của Công Chúa Lê Ngọc Hân được kể lại trong các câu chuyện thành văn hay truyền khẩu đã không đúng với sự thật. Không có câu chuyện nào kể rằng Công Chúa Lê Ngọc Hân đã chết khi nhà Tây Sơn đang còn trị vì ở Phú Xuân. Ngay cả việc ông Hoa Bằng đã công bố bài văn tế Vũ Hoàng Hậu do Phan Huy Ích soạn cũng chẳng thay đổi được tình trạng ngộ nhận nói trên. Từ 1943 đến nay, các huyền thoại về Công Chúa Lê Ngọc Hân truyền tụng trong dân gian cũng như các chuyện dã sử viết về chung cục Công Chúa Lê Ngọc Hân xuất hiện trên sách báo vẫn cứ một chiều đi theo con đường cũ sai lạc bấy lâu nay. Những truyền thuyết và chuyện dã sử về Công Chúa Lê Ngọc Hân từ trước đến nay có thể xếp vào hai loại. Loại thứ nhất nói rằng sau khi nhà Tây Sơn mất ngôi, Công Chúa Lê Ngọc Hân đã đưa hai con đi trốn, sống trà trộn trong dân chúng được một thời gian rồi rốt cục cũng bị phát hiện và bị giải về Huế xử cực hình. Loại thứ hai nói rằng sau khi diệt nhà Tây Sơn, Vua Gia Long đã sách lập Công Chúa Lê Ngọc Hân làm Đệ Tam Cung, và bà đã có hai con với nhà vua là các Hoàng Tử Quảng Oai Công và Thường Tín Quận Vương mà từ đường đến nay vẫn còn ở ngoại ô thành phố Huế.
Những truyền thuyết và chuyện dã sử về chung cục của Công Chúa Lê Ngọc Hân thuộc loại thứ nhất thì đại thể về nội dung đều giống nhau, có khác biệt là chỉ khác biệt về địa điểm đi lánh nạn mà thôi. Sau khi nhà Tây Sơn mất, Công Chúa Lê Ngọc Hân đem hai con chạy trốn vào Quảng Nam, sống trà trộn trong dân chúng được một thời gian, cuối cùng bị phát hiện, bị bắt đưa về Phú Xuân và bị xử án tam ban triều điển. Nhiều truyền thuyết khác thì nói rằng Công Chúa Lê Ngọc Hân đem các con chạy trốn vào quê chồng ở Bình Định, rồi cũng bị bắt và cũng bị xử cực hình như đã nói trên. Trong những thập niên 60, 70, lại có những câu chuyện ly kỳ hơn về chung cục của Công Chúa Lê Ngọc Hân, cả thành văn lẫn truyền khẩu, theo đó thì Công Chúa Lê Ngọc Hân đã mang các con chạy trốn vào tận Đồng Nai Gia Định, nhờ đó mà tránh được tai mắt và nanh vuốt kẻ thù. Nhiều câu chuyện truyền miệng lại còn đi xa hơn, kể rằng sau khi nuôi dạy các con khôn lớn nên người, Công Chúa đã thí phát, tu hành đắc đạo và trở thành Giáo Chủ của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Nhiều người trong Nam mang họ Hồ lại tự nhận là hậu duệ của hoàng tử Nguyễn Văn Đức con Đại Đế Quang Trung và Vũ Hoàng Hậu Lê Ngọc Hân. Gần đây, ở hải ngoại lại có một vài tác giả viềt dã sử về chung cục của Công Chúa Lê Ngọc Hân, viết rằng sau khi Đông đô thất thủ, nhà Tây Sơn mất ngôi, Công Chúa đã đem hai con chạy trốn về một vùng quê hẻo lánh ở Hải Dương, sống lén lút trà trộn trong dân chúng được một thời gian rồi rút cục cũng bị phát hiện, bị bắt và bị giải về Phú Xuân lãnh án tử hình.
Tất cả những câu chuyện về chung cục bi thương huyền hoặc của Công Chúa Lê Ngọc Hân là hoàn toàn không phù hợp với sự thật lịch sử bởi một lẽ giản đơn và rõ ràng là Công Chúa Lê Ngọc Hân đã chết khi nhà Tây Sơn chưa mất ngôi. Công Chúa Lê Ngọc Hân mất vào năm 1799, dưới triều Vua Cảnh Thịnh, nghĩa là trước khi kinh thành Phú Xuân thất thủ. Công Chúa Lê Ngọc Hân đã được truy tặng là Nhu Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu. Công Chúa Lê Ngọc Hân đã được ma chay tống táng tại kinh thành theo đúng nghi thức vương giả dành cho một bực mẩu nghi thiên hạ. Bằng chứng hùng hồn là bài văn tế Vũ Hoàng Hậu tìm thấy trong Dụ Am Văn Tập của Phan Huy Ích mà Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm đã công bố trên Tạp Chí Tri Tân vào năm 1943 tại Hà Nội. Công Chúa Lê Ngọc Hân đã chết đương thời Vua Cảnh Thịnh trị vì thì làm gì còn có câu chuyện Công Chúa Lê Ngọc Hân phải lâm cảnh bôn ba lưu lạc sau khi nhà Tây Sơn mất ngôi. Về phần hai người con của Công Chúa Lê Ngọc Hân thì một nhà truyền giáo Tây phương thời bấy giờ tên là L. Barizy đã cho biết là cả hai đều bị Nguyễn Vương bắt lúc thành Phú Xuân thất thủ năm 1801, không kịp chạy theo Vua Cảnh Thịnh ra Bắc Hà. Giáo sĩ L. Barizy đã nhận diện và không tiếc lời ca ngợi khuôn mặt tuấn tú và thái độ cứng cỏi của hai đứa trẻ khi bị xử tử hình vào năm sau, 1802, cùng một lần với Vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản. Như vậy, hai người con của Công Chúa Lê Ngọc Hân đều đã bị yểu vong thì làm gì có câu chuyện hậu duệ của Công Chúa còn nối dõi tới bây giờ.
Các truyền thuyết và truyện dã sử về chung cục của Công Chúa Lê Ngọc Hân thuộc loại thứ hai so với những câu chuyện trên đây thì ly kỳ hơn và chứa đựng nhiều tình tiết hư cấu xoay quanh các sự kiện lịch sử có thật. Thí dụ có chuyện kể rằng đầu năm Tân Dậu 1801, Nguyễn Vương theo kế sách "tượng kỳ khí xa" của Nguyễn Văn Thành, đã bỏ rơi Võ Tánh bị vây trong thành Bình Định để đem toàn lực ra đánh úp Phú Xuân. Ngày mồng 1 tháng 5 năm Tân Dậu, Nguyễn Vương vào cửa Tư Dung, đến tối vượt phá Hà Trung tiến chiếm bến đò Trừng Hà, ngày hôm sau đánh tan quân của Vua Cảnh Thịnh ở cửa Eo và sáng ngày mồng 3 tháng 5 đem đại binh vào thành Phú Xuân, dụng quân thần tốc đến độ Vua Cảnh Thịnh thua chạy không kịp mang theo gia quyến. Tối hôm mồng 3 tháng 5 năm Tân Dậu, Nguyễn Vương đi tuần tra trong thành và đã gặp gỡ người thiếu phụ vương giả để rồi nên duyên vợ chồng. Lại có chuyện kể rằng khi Vua Gia Long quyết định sách lập Công Chúa Lê Ngọc Hân làm Đệ Tam Cung, triều thần có người can gián, cho rằng Công Chúa chỉ là vật dư thừa của Tây Sơn, và nhà vua đã trả lời rằng chúng ta tiêu diệt Ngụy Tây thì giang san này, thành quách này, nhất nhất há chẳng phải lấy lại từ tay Ngụy Tây hay sao, như thế cũng là vật dư thừa của Tây Sơn vậy. Lại có chuyện kể rằng sau khi Vua Gia Long băng hà, Quảng Oai Công yểu tử, Thường Tín Quận Vương đã lập phủ đệ riêng, thì Đệ Tam Cung Lê Ngọc Hân lui về dưỡng già tại quê mẹ ở Bắc Ninh cho đến lúc lâm chung. Tình cảnh Công Chúa, "vinh diệu một đời có thể nói là cùng tột, thế mà trong những ngày xế bóng lưu lạc nơi quê ngoại, tưởng tới chuyện xưa cảnh cũ, há chẳng nao lòng mà than thở cho Tạo vật đã khéo trêu ngươi, không có việc gì lại không xảy ra được, khiến phát sinh nỗi cảm khái vô cùng cho cuộc sống phù du!"
(Hậu hứa Bắc quy tùng mẫu thị hương quán trú ư Bắc Ninh nhi chung yên. Khảo Chúa thiểu tắc vi hoàng nữ, trưởng tắc vi hoàng hậu, kế vị hoàng thái hậu. Kỳ nhất sinh chi vinh diệu khả vị cực hỉ. Cập kỳ vãn niên bất miễn ư lưu lạc, tưởng Chúa ư thử thì phủ kim tư tích, xúc cảnh hưng hoài, ninh bất trướng nhiên thán Tạo vật chi lộng nhân, mỹ sở bất chí, nhi sinh vô cùng chi cảm khái tai!)
[Ngọc Hân Công Chúa dật sự. Nam Phong Tạp chí, số 103, 1926].
Nhưng độc đáo hơn hết phải kể đến bản gia phả của họ Nguyễn hoàng tộc. Đó là cuốn Hoàng Triều Ngọc Phả, bản quốc ngữ, do Tôn Nhân Phủ biên soạn và ấn hành dưới triều Vua Thành Thái. Trong cuốn sách này, ở các chương nói về Quảng Oai Công và Thường Tín Quận Vương con Vua Gia Long, rõ ràng mẹ đẻ của các ngài được ghi là Công Chúa Lê Ngọc Hân, con Vua Hiển Tông nhà Hậu Lê. Thật là rõ ràng và chính xác như một cộng một là hai, như hai cộng hai là bốn, không còn bàn cãi gì nữa cả. Người viết đã chính mắt được đọc những giòng chữ đó vào năm 1988 tại nhà nhạc phụ, sách do ông Tôn Thất Yên đưa cho mượn. Ông Tôn Thất Yên lúc bấy giờ là người được Hội Đồng Nguyễn Phước Tộc ủy thác điều hành công việc thường ngày của Hội Đồng Nguyễn Phước Tộc ở Sài Gòn, và được Hội Trung Việt Ái Hữu ủy thác trông nom quản lý nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức. Quảng Oai Công và Thường Tín Quận Vương là những nhân vật có thực, tuy rằng Quảng Oai Công yểu tử và Thường Tín Quận Vương ngày nay không có con cháu nối dòng, nhưng từ đường các ngài hiện nay ở vùng ven đô Huế vẫn còn hương khói, các bài phiên hệ thi về phần các ngài vẫn còn được truyền tụng, vì vậy việc gia phả hoàng tộc do Tôn Nhân Phủ ấn hành ghi rằng mẹ đẻ các ngài đích thị là Công Chúa Lê Ngọc Hân là một sự kiện không thể không lấy làm trọng yếu hàng đầu trong việc nghiên cứu chung cục của Công Chúa Lê Ngọc Hân.
Vậy thì vấn đề được đặt ra là Công Chúa Lê Ngọc Hân có lấy Vua Gia Long hay không. Nếu Công Chúa Lê Ngọc Hân không lấy Vua Gia Long thì không còn có vấn đề Công Chúa Lê Ngọc Hân được sách lập làm Đệ Tam Cung, cũng như không thể có sự kiện Công Chúa Lê Ngọc Hân là mẹ đẻ các hoàng tử Quảng Oai Công và Thường Tín Quận Vương . Mà chúng ta đã biết đích xác là Công Chúa Lê Ngọc Hân chết vào năm 1799, dưới triều Vua Cảnh Thịnh, khi nhà Tây Sơn chưa mất ngôi, vậy thì khi Vua Gia Long tiến quân vào thành Phú Xuân tháng 5 năm Tân Dậu, dương lịch 1801, Công Chúa Lê Ngọc Hân đã mất trước đó 2 năm, hình hài đã nằm sâu dưới lòng đất lạnh, thì làm sao sống lại để kết duyên vợ chồng với vì vua chiến thắng. Bởi lẽ đó, những câu chuyện thêu dệt chung quanh việc Công Chúa Lê Ngọc Hân lại một lần nữa lấy chồng vua là hoàn toàn không có căn cứ, là hoàn toàn sai sự thực.
Nhưng còn cuốn ngọc phả bản quốc ngữ của Tôn Nhân Phủ đã khẳng định Công Chúa Lê Ngọc Hân là mẹ đẻ của Quảng Oai Công và Thường Tín Quận Vương? Xin thưa ngay rằng cuốn gia phả này là bản quốc ngữ, không phải bản Hán văn, lại không phải do Quốc Sử Quán biên soạn mà là tác phẩm phiên dịch của Tôn Nhân Phủ từ bản Hán văn cũng của Tôn Nhân Phủ mà ra. Mà bản Hán văn này thì trong các chương nói về Quảng Oai Công và Thường Tín Quận Vương đã viết rằng mẹ các ngài là Công Chúa Lê Ngọc con Vua Hiển Tông nhà Hậu Lê. Cái lối hành văn cổ điển bằng Hán tự thì có khi nào nêu rõ tục danh đâu. Mà tác giả bản Hán văn khi viết rằng mẹ các ngài là Công Chúa Lê Ngọc con Vua Hiển Tông nhà Hậu Lê đã chắc đâu muốn khẳng định rằng đó là Công Chúa Lê Ngọc Hân. Biết đâu tác giả bản Hán văn muốn nói đến một nàng Công Chúa Lê Ngọc khác, cũng con Vua Hiển Tông nhà Hậu Lê? Mà điều này thì những người phiên dịch ra quốc ngữ đã không hề hay biết, lại thêm nặng tinh thần tân học, viết lách trình bày chuyện gì cũng muốn tách bạch rõ ràng nên đã phiên dịch cụm từ "Công Chúa Lê Ngọc con Vua Hiển Tông" thành "Công Chúa Lê Ngọc Hân con Vua Hiển Tông" theo sở kiến chủ quan của mình.
Như vậy rõ ràng hai hoàng tử Quảng Oai Công
và Thường
Tín Quận Vương con Vua Gia Long đích thực là
cháu
ngoại Vua Hiển Tông nhà Hậu Lê. Chỉ vì bản
quốc
ngữ do sở kiến chủ quan của người
phiên dịch đã khẳng định mẹ đẻ hai
ngài là Công Chúa Lê Ngọc Hân
thay vì cứ để là Công Chúa
Lê Ngọc như nguyên bản Hán tự nên mới nảy
sinh ra điểm phi lý là người đã chết mấy
năm trước đó bây giờ còn đâu mà lại
lần
nữa đi lấy chồng để rồi sinh đặng
2 con trai. Lại nữa, cuốn Hoàng Triều Ngọc Phả
của Tôn Nhân Phủ là gia phả thành văn của
Nguyễn
Phước Tộc, là tài liệu chính thức về phả
hệ hoàng phái, không thể nào được trước
tác tùy tiện và thiếu chính xác
được. Bởi vậy,
Quảng Oai Công và Thường Tín Quận Vương
đích thực là cháu ngoại Vua Hiển Tông
nhà Hậu Lê,
mẹ là Công Chúa Lê Ngọc, nên trong ngọc
phả bản
Hán văn mới ghi chép rõ ràng như vậy. Cũng
không thể
có trường hợp thấy sang bắt quàng làm họ, thấy
công chúa con vua lá ngọc cành vàng
bèn nhận càng là bên ngoại
cho thêm phần vẻ vang, bởi một lẽ giản
đơn họ Nguyễn cũng là đại quí tộc,
đã ở ngôi chúa Nam Hà ba trăm năm nay rồi
và hiện
tại đang giữ ngôi vua thống nhất thiên hạ.
Cho nên một khi mà Hoàng Triều Ngọc Phả của
Tôn
Nhân Phủ đã ghi chép như vậy thì Quảng Oai
Công và
Thường Tín Quận Vương con Vua Gia Long đích thực
là cháu ngoại Vua Hiển Tông nhà Hậu Lê.
Nhưng nếu đã khẳng định rằng mẹ đẻ của Quảng Oai Công và Thường Tín Quận Vương không phải là Công Chúa Lê Ngọc Hân thì đương nhiên phải nêu lên vấn đề mẹ đẻ của các ngài là ai vậy? Xin thưa rằng mẹ đẻ của các ngài cũng là công chúa con vua, cũng đã có một đời chồng trước là chồng vua, bây giờ lấy đời chồng thứ hai là Vua Gia Long sinh hạ được hai hoàng tử. Mẹ đẻ của các ngài quả là một nhân vật dị thường đúng như lời truyền tụng của nhân gian trong gần hai trăm năm nay :
"Gái đâu có gái lạ đời,
"Con vua lại lấy hai đời chồng vua.
Bà là Công Chúa Lê Ngọc Bình, công chúa con Vua Hiển Tông nhà Hậu Lê, em ruột Công Chúa Lê Ngọc Hân, Chính Cung Hoàng Hậu Vua Cảnh Thịnh nhà Nguyễn Tây Sơn, Đệ Tam Cung Vua Gia Long nhà Cựu Nguyễn, mẹ đẻ các Hoàng tử Quảng Oai Công (sinh năm 1809) và Thường Tín Quận Vương (sinh năm 1810).
Thân thế và sự nghiệp hai bà Lê Ngọc
Hân và Lê Ngọc
Bình có nhiều điểm tương đồng mà những
điểm tương đồng đó lại là những
điểm rất căn bản. Hai bà đều là công
chúa con Vua Hiển Tông nhà Hậu Lê, hai
bà đều sinh
trưởng ở ngoài Bắc, nghĩa là cả hai bà đều
là Công Chúa Đông Đô. Lớn lên hai
bà đều lấy
chồng trong Trung, chồng của hai bà đều là Hoàng
Đế nhà Nguyễn Tây Sơn, nghĩa là cả hai bà
đều là Hoàng Hậu Phú Xuân. Do những điểm
tương đồng căn bản đó mà những câu
chuyện truyền tụng về cuộc đời của
hai bà đan kết vào nhau, theo với không gian
và thời
gian mà dần dà thay đổi, để rồi lẫn lộn
với nhau, cuối cùng thì chuyện có thật về
người này trở thành chuyện huyền thoại của
người kia. Nói rõ hơn, Công Chúa Lê
Ngọc Hân chỉ lấy
chồng một lần, còn Công Chúa Lê Ngọc
Bình, sau khi nhà
Tây Sơn mất ngôi, mới là người được
Vua Gia Long sách lập làm Đệ Tam Cung, mới là
người
phụ nữ lạ thường, "con vua lại lấy
hai đời chồng vua".
Điều đáng lưu ý là chính sử nhà Cựu Nguyễn không nói gì về Công Chúa Lê Ngọc Bình, còn các sử liệu liên quan đến nhà Nguyễn Tây Sơn thì tất nhiên dưới triều nhà Cựu Nguyễn đã không được lưu hành, tàng trử. Lại nữa, sự nghiệp của hai Hoàng Đế Quang Trung và Cảnh Thịnh khác biệt nhau một vực một trời, cho nên sử Tàu, sử ta, trong Nam, ngoài Bắc, đâu đâu cũng nói nhiều về vua cha mà ít khi đề cập đến vua con, do đó mà có hệ luận tất yếu là những gì liên quan đến vua cha thì người đời biết đến nhiều hơn những gì liên quan đến vua con. Bản thân Công Chúa Lê Ngọc Hân cũng có nhiều điểm sắc sảo lanh lợi hơn Công Chúa Lê Ngọc Bình. Bởi các lẽ đó mà từ trước tới nay chúng ta chỉ nghe nói đến Công Chúa Lê Ngọc Hân mà không nghe ai đề cập đến Công Chúa Lê Ngọc Bình. Chỉ từ sau năm 1975, Ty Thông Tin Văn Hóa Nghĩa Bình ấn hành và phổ biến một số tài liệu liên quan đến thân thế và sự nghiệp các nhân vật đời Tây Sơn, chúng ta mới bắt đầu chú ý đến nhân vật Lê Ngọc Bình, là Công Chúa con Vua Hiển Tông nhà Hậu Lê và là Chính Cung Hoàng Hậu Vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản. Theo các sử liệu do Ty Thông Tin Văn Hóa Nghĩa Bình công bố, Vua Cảnh Thịnh và Công Chúa Lê Ngọc Bình đồng trang lứa với nhau. Vua Cảnh Thịnh sinh năm 1783, đúng như Đại Nam Chính biên Liệt truyện và các phúc trình của các giáo sĩ Longer và Le Labousse gửi cho Phái bộ Truyền giáo Nam Hà đã ghi chép. Như vậy, ngày Công Chúa Lê Ngọc Hân vầy duyên cá nước với Tiết Chế Nguyễn Huệ (1786) thì Công Chúa Lê Ngọc Bình mới có 4 tuổi. Đến năm bính ngọ (1792), Vua Quang Trung mất, Vua Cảnh Thịnh lên nối ngôi, cả nhà vua lẫn Công Chúa Lê Ngọc Bình mới được 10 tuổi. Thời gian này, cả hai đang ở tuổi trúc mã thanh mai. Những năm tiếp theo là những năm Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, nên chắc chắn là Công Chúa Lê Ngọc Hân cho dù đã có ý định vẫn chưa thể thực hiện việc kết hợp sắt cầm cho em gái với con chồng. Phải đợi đến sau chính biến năm ất mão (1795), phe cánh Thái sư Bùi Đắc Tuyên bị dẹp tan, Công Chúa Lê Ngọc Hân mới có điều kiện thu xếp đưa em gái lên ngôi chính cung hoàng hậu. Lúc này, các bề tôi thân tín lục tục trở về triều, Công Chúa Lê Ngọc Hân củng cố lại thế lực trong chốn nội đình và có ảnh hưởng quyết định đến công việc triều đình, thì cũng là lúc Công Chúa Lê Ngọc Bình vừa được 13 tuổi. Như vậy, Công Chúa Lê Ngọc Hân đối với Công Chúa Lê Ngọc Bình thì vừa là chị ruột, vừa là mẹ chồng. Đến năm kỷ mùi (1799), niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7, Công Chúa Lê Ngọc Hân mất, Công Chúa Lê Ngọc Bình vừa được 17 tuổi. Đến năm tân dậu (1801), niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 9, kinh thành Phú Xuân thất thủ, Vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc Hà, không kịp mang theo gia quyến, thì Công Chúa Lê Ngọc Bình chỉ mới có 19 tuổi, nếu tính tuổi theo lối ngày nay thì Công Chúa Lê Ngọc Bình chỉ mới được 18 tuổi mà thôi. Chính vào thời điểm này Đại Nguyên Súy Tổng Quốc Chính Nguyễn Phúc Ánh gặp Công Chúa Lê Ngọc Bình và năm sau, tức là năm nhâm tuất (1802), Nguyễn Vương lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Gia Long, và sách phong Công Chúa Lê Ngọc Bình làm Đệ Tam Cung. Năm ấy, Công Chúa Lê Ngọc Bình vừa tròn 20 tuổi.
Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề cần nêu lên là một sự kiện trọng yếu, rõ ràng và chính xác nhường ấy mà tại sao chính sử nhà Nguyễn lại không đề cập đến? Xin thưa ngay rằng các sử thần nhà Nguyễn trước nay vẫn lược qua không ghi chép những sự kiện lịch sử không phù hợp với quan điểm chính thống của ý thức hệ phong kiến phương Đông. Thí dụ rõ ràng nhất là trường hợp Công Nữ Ngọc Vạn con Chúa Hy Tông, gả làm Hoàng Hậu cho vua Chân Lạp Chey Chetta II vào năm 1620, mở đầu việc chính quyền Chúa Nguyễn kinh dinh đất Prey Kôr, tức là Sài Gòn Chợ Lớn sau này. Sự nghiệp của Công Nữ Ngọc Vạn ở Cao Mên cũng như công trạng của Công Nữ Ngọc Vạn đối với dân tộc Việt Nam đem so sánh với sự nghiệp và công trạng của Công Chúa Huyền Trân đời Trần thì to lớn hơn nhiều lần, thế mà chính sử nhà Nguyễn, vì tinh thần tự tôn dân tộc nghĩ rằng việc gả con cho người nước ngoài là việc không đẹp, nên về thân thế thì ghi là "khuyết truyện", còn về sự nghiệp thì đã không chép được một câu. Trong những trường hợp khác thì sử thần nhà Nguyễn dấu nhẹm những sự kiện lịch sử mà luân lý phong kiến phương đông cho là đi ngược đạo lý. Thí dụ như trường hợp Chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần là con Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát với một bà Công Nữ em con chú con bác với Chúa Võ Vương (công nữ Ngọc Cầu, con gái Dận quận công Nguyễn Phúc Điền). Việc hợp hôn như vậy theo quan điểm đạo lý Á Đông là loạn luân, bởi thế chính sử nhà Nguyễn không đả động đến chuyện đó, mặc dù sự kiện này vô cùng trọng đại đối với tương lai vương nghiệp nhà Cựu Nguyễn, vì đã mở đầu cho việc Chúa Võ Vương bỏ trưởng lập thứ, đưa đến việc Trương Phúc Loan chuyên quyền và anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa, khiến cơ nghiệp họ Nguyễn chút nữa thì tiêu vong, dòng dõi họ Nguyễn chút nữa thì tuyệt diệt.
Vậy thì đã lại tái diễn việc chính sử nhà Nguyễn lược qua không đả động đến dữ kiện Hoàng Đế Gia Long sách lập Công Chúa Lê Ngọc Bình con Vua Hiển Tông nhà Hậu Lê, nguyên Chính Cung Hoàng Hậu Vua Cảnh Thịnh nhà Nguyễn Tây Sơn, làm Đệ Tam Cung. Lý do cũng vẫn là ý thức hệ phong kiến nho giáo ràng buộc người phụ nữ vào khuôn phép tứ đức tam tòng, chồng chết thì chết theo chồng hoặc ở vậy chứ không được lấy chồng khác. Lý do cũng vẫn là ý thức hệ phong kiến nho giáo ràng buộc người nam nhi khi xuất khi xử luôn luôn phải tuân thủ đạo nghĩa tam cương ngũ thường, phân biệt minh bạch chính thống và tà ngụy. Bởi vậy, sử thần nhà Nguyễn đã cho rằng chuyện Công Chúa Lê Ngọc Bình vốn là người cũ của Ngụy Tây mà được sách lập làm Đệ Tam Cung là chuyện không đẹp, nên lược qua không đề cập đến. Thái độ này phản ánh dư luận đa số trong giới phong kiến nho sĩ đương thời mà rõ nét nhất là những câu chuyện truyền tụng về những lời lẽ của triều thần can gián nhà vua. Tuy nhiên, những lý lẽ phản bác rất chính đáng của vua Gia Long cũng lại đã cho thấy ý chí không thể lay chuyển của nhà vua trong quyết định sách lập Công Chúa Lê Ngọc Bình làm Đệ Tam Cung. Hành động của Vua Gia Long không phải là hành động của con người bình thường tiếc ngọc thương hoa, cho dù Công Chúa Lê Ngọc Bình có là công chúa con vua trẻ đẹp, tuổi tác chưa được hai mươi. Hành động của Vua Gia Long là hành động đã suy tính kỹ lưỡng, không vì tình nhi nữ nhỏ mọn ở chốn phòng khuê mà vì quyền lợi tối thượng của phe nhóm, của dòng họ, của triều đình, của chính nghĩa, của quốc gia đại sự. Thật thế, Vua Gia Long tuy đã thống nhất đất nước, thu Nam Bắc về một mối, nhưng lòng người Bắc Hà vẫn còn tưởng nhớ nhà Lê. Song song với việc thiết lập cơ chế Bắc Thành Tổng Trấn, cho địa phương được tự trị rộng rãi, cũng như song song với việc lục dụng con cháu nhà Lê vào các cơ quan nhà nước, tùy tài khiển dụng không phân biệt nam bắc, mới cũ, việc sách lập một công chúa Bắc Hà con Vua Hiển Tông nhà Hậu Lê vào một địa vị tôn quí ở chốn nội đình là một hành động tâm lý chiến sâu sắc của một chính trị gia bậc thầy, một hành động có tính toán kỹ lưỡng và khôn ngoan tuyệt cùng.
Tóm lại, việc Vua Gia Long sách lập Công Chúa Lê Ngọc Bình làm Đệ Tam Cung là một sự kiện lịch sử có thật, rõ ràng và chính xác, mặc dù chính sử nhà Nguyễn đã không đề cập tới. Công Chúa Lê Ngọc Bình là em ruột Công Chúa Lê Ngọc Hân. Cả hai đều là Công Chúa Đông Đô, đều được sắc phong Hoàng Hậu Phú Xuân. Nhiều câu chuyện truyền tụng trong dân gian được thêu dệt chung quanh cuộc đời hai bà, đan kết vào nhau, lẫn lộn với nhau, thay đổi dần dà với thời gian và không gian, và đặc biệt là vì không mấy ai biết đến Công Chúa Lê Ngọc Bình mà chỉ biết có Công Chúa Lê Ngọc Hân mà thôi, nên cuối cùng, có nhiều chuyện là đời thực của bà này lại trở thành huyền thoại về bà kia.
Vậy từ nay, chúng ta hãy dứt khoát khẳng định sự kiện Công Chúa Lê Ngọc Hân chỉ có một đời chồng, và chung cục của bà vẫn là giàu sang tôn quí. Bà là Bắc Cung Hoàng Hậu của Vua Quang Trung, và bà đã chết dưới triều Vua Cảnh Thịnh, khi nhà Tây Sơn chưa mất ngôi. Còn người phụ nữ lạ thường, đã là Công Chúa con vua lại lấy hai đời chồng vua là Công Chúa Lê Ngọc Bình, em ruột Công Chúa Lê Ngọc Hân. Công Chúa Lê Ngọc Bình là con Vua Hiển Tông nhà Hậu Lê, có đời chồng thứ nhất là Vua Cảnh Thịnh nhà Nguyễn Tây Sơn, và đời chồng thứ hai là Vua Gia Long nhà Cựu Nguyễn, đúng như câu ca dao trong dân gian vẫn còn tuyền tụng đến ngày nay :
"Gái đâu có gái lạ đời,
"Con vua lại lấy hai đời chồng
vua.
Minh vũ Hồ Văn Châm
TÀI
LIÊU THAM KHẢO
1. Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Sơ Tập, Quyển 30, Ngụy Tây Liệt Truyện. Quốc Sử Quán, Huế. Bản dịch chép tay của Tạ Quang Phát.
2. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Công Chúa Liệt Truyện. Quốc Sử Quán, Huế.
3. Hoàng Triều Ngọc Phả, Bản Hán Văn và Bản Quốc Ngữ. Tôn Nhân Phủ, Huế.
4.Việt Sử : Xứ Đàng Trong. Phan Khoang, Xuân Thu, Houston, TX.
5. Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Ngô Gia Văn Phái, Bản dịch Ngô Tất Tố, Cơ sở Xuất bản và Báo chí Tự Do, Sài Gòn, 1958.
6. Quốc Văn Thời Tây Sơn. Hoàng Thúc Trâm, Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1950.
7. Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, Tập II, Văn Học Lịch Triều : Việt Văn. Phạm Thế Ngũ, Quốc Học Tùng Thư, Dai Nam Co, Glendale, CA, 1982.
8. Một Vài Sử Liệu Về Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Một Nhóm Học Giả, Dai Nam Co, Glendale, CA, 1992.
9. Documents historiques sur La Mission de Cochinchine. A. Launay, Archives des Missions Etrangères de Paris.
10. Tonkin, Volume 692, Volume 693. Archives des Missions Etrangères de Paris. Các bản trích dịch của Đặng Phương Nghi, Tập San Sử Địa, Sài Gòn.
11. Nam Phong Tạp Chí, số 103, phần Hán văn. Hà Nội, 1926.
12. Tạp Chí Tri Tân. Hà Nội, 1943.
13. Một Số Sử Liệu Về Các Nhân Vật Thời Tây Sơn. Ty Thông Tin Văn Hóa Nghĩa Bình, Qui Nhơn, 1980.
14. Ca dao và Triều Nguyễn. Tôn Thất Hứa, Tuyển Tập Nhớ Huế, số 8, Westminster, CA,1996.
Đã đăng:
Tạp
Chí Đi Tới, Montréal, QC, Canada.
Tạp
Chí Cách Mạng, Houston, TX, USA.
Đặc
San Tưng Niệm 200 Năm Công
nghiệp Thống Nhất Quốc Gia Của Vua Gia Long,
Westminster, CA, USA.