Phan Chu Trinh:

Nhà Yêu Nước Ðấu Tranh

Cho Dân Quyền

Lê Tùng Minh

 


     "Vẻ vang thay cái oai quyền dân chủ! Gớm ghê thay cái dục vọng của quân chủ!" (1) Ðây chính là quan niệm căn bản của Phan Chu Trinh, một nhà yêu nước đấu tranh cho Dân Quyền.

Ðể có cái nhìn sâu sắc như vậy trong việc so sánh giữa Dân Chủ và Quân Chủ, Phan Chu Trinh đã lận đận trên đường tìm chân lý cách mạng trong suốt hơn 20 năm (1905-1925). Cuộc đời yêu nước nhiệt thành của ông cùng với quá trình hoạt động vận động cho dân chủ của Phan Chu Trinh là một bài học lịch sử quý giá cho thế hệ ngày nay học tập.


 

I - Thân Thế Và Học Vấn

 

Phan Chu Trinh tên chữ là Tử Cam, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh vào ngày 9-9-1872 (tháng Tám năm Nhâm Thân) tại làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Cha của ông là cụ Phan Văn Bình, một võ quan của triều đình Huế. Mẹ của ông là bà Lê Thị Chung, xuất thân trong một gia đình vọng tộc, thông thạo chữ Hán và rành thi phú. Phan Chu Trinh có 3 anh chị em mà ông là con út trong gia đình. Chẳng may bà mẹ mất sớm nên sự rèn luyện, dậy dỗ trên đường học vấn của ông đã bị bỏ dở từ lúc bé. Còn cha của ông bận lo việc quan võ, ít khi ngó ngàng đến việc học của ông. Vì thế, mãi đến năm 10 tuổi (1882) ông mới cắp sách đến trường.

Từ năm 10 tuổi đến năm 17 tuổi (1882-1889), Phan Chu Trinh hoàn toàn không chuyên tâm học hành, không phải vì ông không thông minh, mà vì chán học lối từ chương trích cú. Trong thời gian này, Phan Chu Trinh lại thích học võ theo ý muốn của cha, phòng "ứng dụng vào việc đánh giặc cứu nước" (ông học võ từ lúc 13 tuổi) . Lúc này, cha của ông đang theo phò Hàm Nghi kêu gọi cần vương cứu nước, lãnh nhiệm vụ "chuyển vận sứ" ở đồn An Bá thuộc phủ Tam Kỳ. Nhưng đến năm Ðinh Hợi (1887), cha của ông đã bị giết (?). Phan Chu Trinh vô cùng đau xót vì nỗi bạc mệnh của cha.

Một năm sau (1887) lại thêm một tin sét đánh có quan hệ đến sự nghiệp cần vương cứu nước, đó là tin: Vua Hàm Nghi đã bị hai tên phản quốc là Trương Quang Ngọc và Nguyễn Ðịnh Tĩnh bắt nộp cho Pháp, và bị Pháp đưa đi đầy tận bên xứ Algérie. Phan Chu Trinh lúc này đã đến tuổi 16 - tuổi bắt đầu có nhận thức về những sự biến của đất nước, dân tộc.

Phan Chu Trinh thấm nỗi đau bạc mệnh của cha, lại càng thương xót khốn cảnh của vua Hàm Nghi, uất hận tên phản bội Trương Quang Ngọc qua câu nói của nhà vua đối với Trương Quang Ngọc rằng: "Mày hãy giết tao đi, còn hơn là đưa tao về nạp cho Tây." Do đó, Phan Chu Trinh quyết định trở lại con đường học vấn, vì ông nghĩ ra một chân lý: "Một dân tộc muốn tự cường, trước hết phải có dân trí. Muốn đạt được dân trí, phải cải cách nnền giáo dục cũ, dựng nền học thuật mới cho dân tộc!" Cho nên Phan Chu Trinh quyết tâm nhờ sự giúp đỡ của người anh cả rước thầy về nhà để học lại, nhằm đạt được mục đích cứu nước của tuổi trẻ! Ðó là vào năm 1889, Phan Chu Trinh đã lên 17 tuổi.

Trong 4 năm (1889-1892) Phan Chu Trinh đã theo học tại nhà do cụ đốc Trần Mã Sơn dậy dỗ, rèn luyện. Thấy Phan Chu Trinh thông minh, khẳng khái, hay tranh biện với lẽ phải, nên cụ Mã Sơn rất yêu mến và bổ Phan Chu Trinh vào ngạch Học Sinh của triều đình.

Từ năm 1893, Phan Chu Trinh đã ra học ở trường ngoài. Sau 7 năm dùi mài kinh sử (1893-1900) Phan Chu Trinh đã đỗ Cử Nhân vào kỳ thi năm Canh Tý (1900) . Và năm sau, năm Tân Sửu (1901) Phan Chu Trinh đã đỗ Phó Bảng. Thế là, đến năm 29 tuổi, Phan Chu Trinh đã làm rạng rỡ tông môn và đạt được sở nguyện trên đường học vấn.

 

II. Công Danh Và Sự Nghiệp Cứu Nước

 

Con đường công danh của Phan Chu Trinh chỉ là phù du trong một thời gian ngắn ngủi.

- Năm Nhâm Dần (1901) làm Hậu Bổ ở Huế không bao lâu, nghe tin người anh cả mất, Phan Chu Trinh trở về quê dậy học.

- Năm Quý Mão (1903) Phan Chu Trinh được bổ nhiệm chức Thừa Biện Bộ Lễ tại triều đình Huế.

Len lỏi trong chốn quan trường từ năm 1903 đến năm 1905, Phan Chu Trinh quá chán chường tệ quan liêu thối nát, và xót xa cái nỗi còn lắm nho sĩ quá hũ bại giữa lúc Tổ Quốc đang mất trong tay thực dân Pháp! Vì vậy, nhân lúc còn cái thế quan trường, ông đã tìm cơ hội để giao du với những trí thức tân học như các cụ Thân Trọng Huề, Ðào Nguyệt Phổ. Chính hai nhà tân học Việt Nam này đã cho Phan Chu Trinh mượn để nghiên cứu các sách được gọi là "Tân Thư" của các ông Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Ðàm Tự Ðồng (Trung Quốc); của Montesquieu, J.J. Rousseau... Nhờ thế mà Phan Chu Trinh đã sớm nhận ra "Dân Trị Chủ Nghĩa", và cương quyết từ quan để đi theo con đường đó!

Năm Ất Tỵ (1905), Phan Chu Trinh từ quan về quê để chuẩn bị cho cơ hội hoạt động cứu nước theo đường hướng riêng của mình.



 

Trước khi từ quan (1904), Phan Chu Trinh có tiếp xúc với Phan Bội Châu khi Phan Bội Châu mới từ Nghệ An vào Huế (2). Ngày từ lần tiếp xúc đầu tiên này, hai nhà yêu nước họ Phan đã có một vài bất đồng về quan điểm thực hành cách mạng giải phóng dân tộc! Quan điểm bất đồng sẽ bộc lộ rõ khi hai ông gặp nhau ở Nhật Bản (sẽ trình bầy ở phần sau) .

Ðúng vào năm Phan Chu Trinh từ quan (1905) cũng là lúc cuộc chiến tranh Nga-Nhật bùng nổ (Thời ấy gọi là Nga-Nhật Chiến Kỷ). Phan Chu Trinh tự thấy đã đến cơ hội thực hành chí hướng "Dân Trị Chủ Nghĩa" mà ông đã nuôi dưỡng trong mấy năm qua (1903-1904) bằng cách đi diễn thuyết khắp nơi để thức tỉnh đồng bào. Phan Chu Trinh đã kết giao đồng chí với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp, tổ chức một chuyến vào Nam Kỳ để vận động Duy Dân.

Cái chí lớn của Phan Chu Trinh lần đầu tiên đã công khai thể hiện trong bài thơ "Chí Thành Thông Thái". Thơ rằng:

"Gẫm thế sự càng ngao ngán nỗi,

Ðoái giang san tức tối anh hùng.

Ðoan` dân nô lệ đã xong,

Sĩ phu còn ở trong vòng say mê!

Thân nhục nhã ê chề muôn kiếp,

Biết ngày nào khỏi nghiệp oan gia!

Ai ơi, tưởng nước đến nhà,

Bài này mở mắt xem qua một lần." (3)

Nhưng ý nguyện vào Nam Kỳ để vận động Duy Dân không thành, bởi vì khi tới Phan Thiết thì Phan Chu Trinh lâm bệnh! Chuyến đi Nam Kỳ bị đình lại. Phan Chu Trinh ở lại Phan Thiết trị bịnh, mấy tháng sau mới trở về Huế. Trong thời gian ở Phan Thiết, Phan Chu Trinh đã được nhiều thân hào nhân sĩ địa phương tích cực hưởng ứng kêu gọi Duy Tân của ông. Phan Chu Trinh đã tranh thủ thời gian lưu lại ở Phan Thiết, mở lớp quảng bá về "Tư tưởng cách mạng của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu", được đông đảo các nho sĩ và đồng bào địa phương tham dự.

 

Sau khi về Huế, được tin Phan Bội Châu đã sang đến Nhật, Phan Chu Trinh liền ra Bắc, đến vùng Yên Thế (Bắc Giang) để yết kiến Hoàng Hoa Thám (Ðề Thám). Sống tại Yên Thế mấy tháng, tiếp kiến, luận đàm với Ðề Thám vài lần, ông thấy quan điểm đấu tranh võ trang của Ðề Thám không hợp với quan điểm ôn hoà bất bạo động của mình, nên Phan Chu Trinh đành rời khỏi Yên Thế. Sau khi rời khỏi Yên Thế, Phan Chu Trinh tìm cách xuất dương sang Nhật (2-1906) để tìm hiểu nước Nhật và gặp Phan Bội Châu, trao đổi kế sách cứu nước.

Cuối tháng 2-1906, Phan Chu Trinh đã đến Hương Cảng và đã gặp Phan Bội Châu tại nhà của Lưu Vĩnh Phúc ở Quảng Ðông. Trong 10 ngày ở Quảng Ðông, tình chiến hữu của hai nhà yêu nước họ Phan thật đậm đà, tuy nhiên họ vẫn hoàn toàn xa cách nhau về quan điểm!

Theo lời tự thuật của Phan Bội Châu thì Phan Chu Trinh "hết sức công kích tội ác của dân tặc độc phu, mà nói đến hiện triều quân chủ, họa quốc ương dân càng tỏ ra ý nghiến răng, rách mắt, hình như cụ nghĩ rằng cái tệ quân chủ chuyên chế không trừ thì tuy phục quốc cũng vẫn chưa phải là hạnh phúc". Và Phan Chu Trinh "mới tự làm một bức thư cảnh cáo, đem đi in, cuối thư tự ký tên 'Dân Tặc Hậu Cường Ðể'" (4).

Trong thờ gian ở Nhật, cũng theo lời tự thuật của Phan Bội Châu, rằng "Hồi tôi lên đông Kinh, cụ Tây Hồ cùng đi với tôi, tham quan khắp các học đường, và khảo sát khắp những công việc chính trị giáo dục của Nhật Bản, cụ bảo tôi rằng "Trình độ dân Nhật Bản như thế, mà trình độ dân ta như thế, không nô lệ làm sao được! Ðược bao nhiêu học sinh vào học trường học Nhật Bản là sự nghiệp rất lớn của ông. Từ nay nên lưu Ðông yên nghỉ, chăm việc làm sách, bất tất nói bài Pháp làm gì. Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân ta đã biết có quyền thì việc có thể tính lần được." Từ đó luôn mười ngày hơn, tôi với cụ bàn bạc, ý kiến rất trái nhau. Cụ thì muốn đánh đổ quân chủ, mà cốt vun trồng lấy nền tảng dân quyền, hãy dựa vào Pháp mà đánh đổ quân chủ. Còn ý của tôi thì trước muốn đánh đổ người Pháp, chờ lúc nước nhà độc lập rồi mới bàn đến việc khác. Ðương lúc đánh với Pháp phải lợi dụng quân chủ." (5)

Cuối năm Bính Ngọ (1906), Phan Chu Trinh trở về nước; khi chia tay với Phan Bội Châu ông có nói: "Quốc dân chỉ hy vọng nơi ông, Kỳ Ngoại Hầu không cần gì đâu." (6)

Từ khi về đến nước nhà, Phan Chu Trinh đã không còn liên hệ với Phan Bội Châu và tổ chức Duy Tân Hội do Cường Ðể làm minh chủ. Phan Chu Trinh quyết tâm thực hiện chính kiến qua bức thư gửi cho toàn quyền Beau (15-8-1906), và việc này đã trở thành câu chuyện: "Phan Chu Trinh đầu thư cho chánh phủ Pháp" (nguyên văn chữ Hán là: "Ðầu Pháp chính phủ thư" - Bản Việt ngữ do Ngô Ðức Kế dịch).

Bức thư dài đến 20 trang in (khổ 12x20 cm) với nội dung chủ yếu là phê phán "chính phủ bảo hộ ngược đãi người Việt nam, không hề lấy nhân đạo mà đãi người Việt Nam bao giờ"; và vạch trần bản chất bảo hộ của chính phủ Pháp là "để cho một giống nòi bóc lột lẫn nhau, tàn hại lẫn nhau, rồi người Pháp thi hành cái kế thực dân cho dễ". Ðồng thời, Phan Chu Trinh cũng lên án chính phủ bảo hộ "đã dung dưỡng cho bọn quan lại An Nam để gây nên tệ lậu", và "khi thị sĩ dân Việt Nam thái quá, khiến cho đôi bên phải xa cách nhau", do đó bọn "quan lại nhân cái sự ly gián mà hành hà dân" (8).

Cuối thư Phan Chu Trinh kiến nghị rằng:

"Nếu ngày nay chính phủ biết hối ngộ lại thì mau mau đổi lại chính sách, kén dùng hiền tài, giao cho quyền binh, lấy lễ đãi người, lấy lòng thành xử với người, rồi cùng nhau trù hoạch cái kế sách hưng lợi trừ hại, mở cái quyền nghị luận... mở nhà báo để thấy rõ dân tình; minh thưởng phạt để thanh trừ lại tệ; những việc cần thiết như đổi pháp luật, bỏ khoa cử, mở nhà học, dựng phòng sách, chấn hưng công thương kỹ nghệ, các việc đều lần lượt cải lương. Như thế thì dân An Nam ai cũng vui, lại chỉ sợ nước Pháp bỏ nước Nam đi mà thôi, còn có gì mà kình địch nữa."

Ðể kết luận, Phan Chu Trinh đưa ra hai điều kiện với chính phủ bảo hộ: Một là, "nhận lời nói" của ông "thì thật là hạnh phúc cho dân An Nam lắm." Hai là, đem ông "mà trị vào các tội hủy báng cho thật nặng, để làm gương cho các thân sĩ trong nước khóa cổ ngậm miệng mà lách cho xa, chứ cho bắt trước như tôi đường đột dám nói mà mắc tội." (9)

Tuy toàn bộ của bức thư là tố cáo chính sách thưc. dân của chính phủ Pháp và lên án gắt gao đối với bọn quan lại Nam triều, nhưng Phan Chu Trinh cố dùng ngôn từ ôn hòa, nhã nhặn và có lúc còn hạ mình như đoạn mở đầu lá thư, rằng: "Phan Chu Trinh đệ bức thư này lên quan toàn quyền đại thần, tôi xin bầy tỏ cái tình hình nguy cấp của nước Việt Nam tôi ngày nay để quan lớn biết". Hay ở đoạn cuối thư, Phan Chu Trinh đã viết: "nếu quan lớn bảo hộ mà quả có tấm lòng thành thật khoản đãi dân Nam, thì nên lượng tấm lòng của tôi."

Dù vậy Phan Chu Trinh vẫn không có thể làm cảm động những tên thực dân đã rắp tâm biến nước ta thành thuộc địa của chúng. Nhà yêu nước Phan Chu Trinh có thể nhận thức được sự phũ phàng này, nhưng có lẽ ông muốn thử thực hiện chí hướng cải lương, xem thử kết quả ra sao? Vì từ trước đến nay, hầu như chưa có một chí sĩ nào thực hiện phương cách cải lương như ông đã làm! Và kết quả chỉ là tiếng vang như một hồi chuông khuấy động dư luận một thời! Câu chuyện "Phan Chu Trinh đầu thư cho chính phủ Pháp" lan nhanh trong giới nhân sĩ, trí thức và trên quan trường của chính phủ bảo hộ, lẫn chính phủ Nam Triều. Từ nay, Phan Chu Trinh đã trở thành "cái gai phải nhổ" của cả thực dân Pháp và triều đình Huế.

Hưởng ứng chủ trương "quốc dân phải liên hiệp với nhau mà mở rộng đường giáo dục và phát triển kinh tế" của Phan Chu Trinh, ngoài Bắc, Lương Văn Can và các đồng chí của ông mở trường "Ðông Kinh Nghĩa Thục". Ở Trung Kỳ, Huỳnh Tùng Bá và Nguyễn Quyền lập "Quảng Nam Hiệp Thương Công Ty", trong Nam, các ông Trần Chánh Chiếu (Gillbert Chiếu) và Nguyễn Thành Út đã lập "Minh Tân Công Ty"...

Phong trào Duy Tân ở trong nước trong những năm 1906-1908 là do Phan Chu Trinh cùng Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng phát động. Ðó là một phong trào yêu nước và cách mạng theo đường lối ôn hòa, bất bạo động. Ðường lối này đã được nhiều sĩ phu hưởng ứng (như Phan Thúc Duyên ở Quảng Nam; Nguyễn Bá Loan, Lê Tựu Khiết, Nguyễn Mai, Lê Ðình Cẩn ở Quảng Ngãi; Ngô Ðức Kế, Ðặng Nguyên Cẩn ở Nghệ Tĩnh v.v...)

Ðường lối Duy Tân của Phan Chu Trinh đang thực hiện trong nước đã làm Phan Bội Châu lo ngại, nên ông vội vàng viết một bức thư gửi cho Phan Chu Trinh (4-1908). trong thư có câu: "Dân chí bất tồn, chủ ư hà hữu", nghĩa là nếu dân đã không còn, thì chủ có ở đây? Không chỉ có Phan Bội Châu, mà ở trong nước nhóm sĩ phu chủ trương đấu tranh vũ trang để giải phóng dân tộc đều bất đồng ý kiến với Phan Chu Trinh!

Tháng 12-1907, trong khi Phan Chu Trinh đang diễn thuyết ở trường Ðông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội), thì chính quyền thực dân Pháp đã ra lệnh đóng cửa trường Ðông Kinh Nghĩa Thục với lý do là dẹp "cái lo phiếm loạn" ở Bắc Kỳ? Vì thế, Phan Chu Trinh dự định trở vào Nam để tiếp tục quảng bá đường lối duy tân của ông. Những diễn biến của "phong trào chống đi phu, chống sưu thuế" mở ra ở Quảng Nam và lan ra các tỉnh Miền Trung (2-1908) đã tạo nên một bước ngoặt mới trên con đường yêu nước của Phan Chu Trinh.



 

Trường Ðông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa! Ngày 15-10-1908, Dương Bá Trạc bị tuyên án 15 năm khổ sai và bị đầy đi Côn Ðảo. Còn Lương Văn Can bị 15 năm phát vãng (banissement) và bị 10 năm biệt xứ, bị an trí tại Nam Vang. Nguyễn Quyền bị đi đầy 2 năm ở Côn Ðảo, rồi bị đưa về an trí ở Bến Tre...

Phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ cũng bị khủng bố dữ dội: Trần Quý Cáp, Nguyễn Bá Loan, Lê Tựu Khiết bị kết án tử hình. Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Văn Ngôn, Ngô Ðức Kế, Nguyễn Ðình Kiên, Lê Văn Huân, Trần Cao Vân, Phan Thúc Duyên, Nguyễn Ðình Quảng, Trần Kỳ Phong đều bị bắt và bị đày đi Côn Ðảo. Phan Chu Trinh cũng đồng chung số phận với các đồng chí của mình!

Ngày 29-2-1908, Khâm Sứ Trung Kỳ Levecque đã điện cho Khâm Sứ Bắc Kỳ Morel cho hay rằng: "Cơ Mật Viện khẳng định kẻ chủ mưu phiến loạn là Phan Chu Trinh đang sống tại Hà Nội". Ngày 31-3-1908, Thống Ðốc Bonhoure, quyền chức Toàn Quyền Ðông Dương thay cho Paul Beau, ra lệnh cho Khâm Sứ Morel bắt Phan Chu Trinh ngay tại nơi ông đang ở (phố Hàng Gai, Hà Nội). Và ngày 2-4-1908, Thanh Tra Ganthier đã áp giải Phan Chu Trinh xuống Hải Phòng và đưa ông vào Huế bằng đường thủy (4-11-1908).

Khi mới giải Phan Chu Trinh về Huế, chúng giam ông tại tòa Khâm Sứ. Phan Chu Trinh đã tuyệt thực 7 ngày để phản đối. Ðể tránh trách nhiệm, tên Khâm Sứ Levecque mới chuyển giao ông cho Cơ Mật Viện, để giam ông này tại nhà lao Hộ Thành trong Hà Nội. Tại đây, ông bị đối xử như một tử tù, chân bị xiềng, tay bị trói và cổ bị mang gông.

Ngày 10-4-1908, Khâm Sứ Levecque giao cho Cơ Mật Viện họp luận tội Phan Chu Trinh, nhưng hắn không tham dự để tránh dư luận phản đối! Rõ ràng, Cơ Mật Viện của triều Huế chỉ là một tổ chức tay sai của Pháp! Cơ Mật Viện đã chiếu điều 224 Luật Gia Long, buộc tội và kết án Phan Chu Trinh như sau: "Thủ phạm âm mưu phản nghịch nhưng chưa thực hiện: xử giảo (thắt cổ) án treo, sẽ đày đi Lao Bảo, cấm cố chung thân, không được ân xá."

Nhưng tên Khâm Sứ Levecque không chịu duyệt y bản án của Cơ Mật Viện. Hắn triệu tập một phiên họp để xét lại bản án (11-4-1908). Hắn yêu cầu phải áp dụng điều 223 của Luật Gia Long về tội "phản loạn". Hắn tuyên bố: "Phan Chu Trinh đã phạm hai tội: Phản quốc vì kêu gọi Nhật Bản giúp (?). Và làm loạn vì khích động dân chúng chống lại quyền lực của nhà vua và nhà nước bảo hộ". Cho nên Cơ Mật Viện đành phải làm lại bản án, kết tội Phan Chu Trinh như sau: "Kết án Phan Chu Trinh là một trong những chủ phạm vào tội tử hình, nên bị tuyên án trảm quyết!"

Ðược tin "tuyên án trảm quyết" Phan Chu Trinh, một người bạn Pháp của ông là Ernest Babut - chủ bút tờ "Ðăng Cổ Thời Báo" ở Hà Nội, và là hội viên của Hội Nhân Quyền (Ligne des Droit de l'Homme) đã ra mặt can thiệp, yêu cầu toàn quyền Ðông Dương buộc Khâm Sứ Huế xét lại bản án. Kết quả, do sự tranh đấu tích cực của Ernest Babut và Hội Nhân Quyền, cuối cùng bản án được sửa lại là: "Côn Lôn ngộ xá bất nguyên", nghĩa là đưa đi đày ở Côn Ðảo, dù có đại xá Phan Chu Trinh vẫn không được tha!

Ngày 17-4-1908, Phan Chu Trinh bị giải về Sàigòn để đưa ra Côn Ðảo vào ngày 24-4-1908. Khi bọn lính Pháp dẫn ông rời nhà lao trong Thành Nội (Huế), đi ngang qua cửa thành Thượng Tứ, Phan Chu Trinh đã cảm khái làm bài thơ "Xuất Ðô Môn" như sau:

"Mang xiềng nhẹ bước khỏi đô môn,

Hăng hái hò reo lưỡi vẫn còn,

Ðất nước hãm chìm, dân tộc héo,

Làm trai đâu xá thứ Côn Lôn." (10)

Phan Chu Trinh bị lưu đầy tại Côn Ðảo, tuy là án chung thân không được ân xá, nhưng ông không chán nản vẫn nuôi dưỡng chí đấu tranh cho công cuộc giải phóng dân tộc. Tinh thần quả cảm ấy đã được thể hiện trong bài thơ "Ði Ðập Ðá" của ông. Thơ rằng:

"Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,

Lừng lãy làm cho lở núi non.

Xách búa đánh tan năm bẩy đống,

Ra tay đập bể mấy trăm hòn.

Tháng ngày bao quản thân sành sõi,

Mưa nắng chi sờn dạ sắt son.

Những kẻ vá trời khi lỡ bước,

Gian nan nào sá sự con con."

 

Trong thời gian Phan Chu Trinh bị lưu đầy ở Côn Ðảo (1908-1910), ở bên ngoài người bạn Pháp Ernest Babut tiếp tục vận động Hội Nhân Quyền Pháp đấu tranh đòi thả Phan Chu Trinh, cho nên vụ án Phan Chu Trinh đã được đua ra quốc hội Pháp. Ông Pressené - Chủ Tịch Hội Nhân Quyền - đã chất vấn ông Trouillet - Bộ Trưởng Thuộc Ðịa, về việc bắt giữ và lưu đày Phan Chu Trinh đi Côn Ðảo. Trouillet đổ cho triều đình Huế vì "căm thù Phan Chu Trinh" nên mới hành động như vậy! Về phía chính phủ bảo hộ - Trouillet chỉ thừa nhận - là "thiếu sáng suốt không kịp thời can thiệp"... Nhờ vậy, Thủ Tướng Pháp Raymond Poincaré mới ra lệnh tái thẩm bản án của Phan Chu Trinh (1910). Toàn Quyền Ðông Dương Klobulowsky thi hành lệnh của Poincaré lập Hội Ðồng Tái Thẩm bản án Phan Chu Trinh, do Chánh Tham Biện tỉnh Mỹ Tho là Cousineau làm chánh thẩm. Và trước khi quyết định thả Phan Chu Trinh, Klobulowsky đã cử một viên Thống Ðốc (?) ra tận Côn Ðảo để thẩm vấn Phan Chu Trinh lần chót.

Theo lời kể của Huỳnh Thúc Kháng, cùng ở tù với Phan Chu Trinh thì việc thẩm vấn diễn tiến như sau:

"Thống đốc hỏi:

- Ông có tư tưởng phản đối nước Pháp hay không?

Phan Chu Trinh trả lời:

- Bản lai tôi không có tư tưởng đó. Tôi phản đối là phản đối cái chính sách ngược đãi người Việt Nam chúng tôi, chứ không phản đối nước Pháp.

- Có biết Phan Bội Châu không?

- Chính anh em bạn tôi.

- Vậy thì ông cũng là đảng bài Pháp chứ gì?

- Phan Bội Châu hiệu là Sào Nam, là một tay hào kiệt ái quốc của nước Nam, trong nước không ai không biết tiếng. Nhưng tôi với Sào Quân ý kiến không đồng mà lại trái nhau hẳn.

- Trái nhau thế nào?

- Phan Quân nhận hẳn rằng người Pháp không thật lòng khai hóa cho người Nam, nên trước phải tìm cách đánh đổ chính phủ Pháp, mà muốn đánh đổ chính phủ Pháp, không nhờ cậy một thế lực nước ngoài thì không làm gì được... Tôi bác thuyết trên của Sào Quân, lấy lẽ rằng vì nước Việt Nam chui núp dưới chính thể chuyên chế trên nghìn năm, chưa có tư cách quốc dân độc lập, dù có nhờ cậy sức nước ngoài thì chỉ diễn cái trò "dịch chủ tái nô"... Còn theo chính kiến tôi, cậy sức nước ngoài thì có quanh co khúc chiết, mình không tự lập, ai cũng là kẻ cừu của mình. Triều Tiên, Ðài Loan cái gương rõ ràng. Người Nhật chắc gì hơn người Pháp?

- Vậy ông sang Nhật làm gì?

- ... Tôi sang Nhật để thuật rõ tình hình trong nước cho Sào Quân nghe. Khuyên Sào Quân chăm lo đào tạo thiếu niên du học, gác tư tưởng hành vi bạo động lại, đợi thời hội khác. Tôi ở Nhật cũng cùng Sào Quân biện cãi nhiều lần, rốt cuộc Sào Quân không nghe, tôi bèn từ về.

- Về nước ông làm những gì?

- Về nước tôi cùng anh em đồng chí tổ chức lập những hội công khai như học hội, thương hội v.v... Tôi làm một bức thư điều trần gửi lên quan Toàn Quyền, quan Khâm Sứ và đăng các báo Tây, thuật rõ tình trạng trong nước cùng hiểm tượng Ðông Dương, bản ý là cốt tỏ bày mối tâm sự, mở đường khai hóa sau này, không dè vì thế mà mang tội. Tôi xem xứ Âu Tây, có khi anh em một nhà mà chính kiến cũng khác nhau, huống chi là anh em bạn.

Viên Thống đốc gật đầu và nói:

- Ông nói phải. Chính kiến không đồng nhau, cái đó vẫn thường. Ông còn muốn nói gì nữa không?

- ... Tôi ra ngoài hòn đảo này đã gần hai năm, cách xa trong đất, tin tức không thông, nhưng có bạn tù mới ra thuật chuyện nơi biên giới Bắc Việt và Trung Việt thỉnh thoảng có những hành vi kịch liệt, nhà nước xử bằng nghiêm hình trọng phạt, e nhân đó là gây ra mối biên loạn to, cái đó rất thất sách, không phải cách xử trí thích hợp" (11).

Qua những câu trả lời của Phan Chu Trinh, chúng ta thấy ông rất thông minh và khôn khéo, lấy được cảm tình của viên thống đốc. Vì vậy, trước khi ra về, hắn hứa rằng: "Tôi sẽ đạt ý ông lên quan toàn quyền, có lẽ chúng ta sẽ gặp nhau ở Sàigòn nay mai". (12)

Tháng 1 năm 1911, Phan Chu Trinh được trả tự do, nhưng bị đưa về quản chế ở Mỹ Tho! Phan Chu Trinh cực lực phản đối, và tuyên bố rằng: "Nếu không cho tôi hoàn toàn tự do thì hãy trả về Côn Lôn". Chánh phủ thực dân Pháp đành phải nhượng bộ, bãi bỏ lệnh quản chế cho Phan Chu Trinh.

Ở vài tháng tại Mỹ tho, quan sát tình thế, Phan Chu Trinh thấy ở trong nước không có đất cho ông tiếp tục chí hướng của mình, nên ông đệ đơn cho viên toàn quyền xin sang cư trú trên đất Pháp - mảnh đất tự do có thể để ông tiếp tục chí hướng đấu tranh cho dân quyền của dân tộc Việt Nam. Chính phủ Pháp chấp thuận ngay vì đã nhổ được cái gai cho chính phủ bảo hộ và Nam Triều!

Thế là, tháng 4-1911, Phan Chu Trinh và người con trai 14 tuổi - Phan Châu Dật (13), theo viên Toàn Quyền Klobukowsky lên đường sang Pháp.

Trước khi xa tổ quốc, Phan Chu Trinh có làm một bài thơ gửi quốc dân, đồng bào, bày tỏ ý lòng của ông. Thơ rằng:

"Làm trai trót gánh gánh gian nan,

Dám lại xa xôi bỏ giữa đàng.

Coi ra chỉ có ba tấc lưỡi,

Trải qua đã nát mấy buồng gan.

Tếch Dương Ấn Ðộ như thiên hạ,

Lên tháp Ba Lê nhất thế gian.

Mượn bút Tương Như đề mấy chữ,

Thân này đành phó với giang san."



 

Khi mới đến Pháp, Phan Chu Trinh ở tại Paris và được chính phủ Pháp trợ cấp 450 Francs mỗi tháng để sinh sống - một số tiền quá ít so với mức sinh hoạt ở Paris cho hai cha con. Do đó, Phan Chu Trinh phải làm thêm nghề rửa ảnh để có thêm tiền cho người con đi học (14).

Dù phải vật lộn với cuộc sống khó khăn ở thủ đô ánh sáng của Pháp, nhưng Phan Chu Trinh vẫn một lòng vì sự nghiệp đấu tranh cho dân quyền của dân tộc Việt Nam bằng con đường ngôn luận. Trong mấy tháng cuối năm 1911, Phan Chu Trinh đã hoàn thành hai công trình: "Trung Kỳ Dân Biến Thĩ Mạt Ký" và "Ðông Dương Chính Trị Luận."

Cuốn sách "Trung Kỳ Dân Biến Thĩ Mạt Ký" viết bằng chữ Hán, Phan Chu Trinh tự dịch ra chữ Nôm, với nội dung miêu tả nỗi khổ đau cùng cực của nhân dân Trung Kỳ dưới sự đè nặng của thuế má do chính phủ bảo hộ đặt ra, nghẹt thở đến phải nổi dậy đòi giảm thuế để sinh tồn; nhưng họ đã bị chính quyền bảo hộ đàn áp tàn bạo... Cuốn sách này đã được Thiếu Tá Rules Roux dịch ra Pháp ngữ đưa cho Albert Sarraut xem, khi ông ta sắp nhận chức Toàn Quyền Ðông Dương.

Còn tác phẩm "Ðông Dương Chính Trị Luận" thì Phan Chu Trinh trình bầy tình trạng chính trị áp bức khắc nghiệt tại Ðông Dương và lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp, điển hình như "Sự tàn bạo của các nhà kinh doanh Pháp ở Ðông Dương", rằng: "Bất kỳ người Pháp nào có quan chức ở Ðông Dương hễ gặp bất cứ việc nào họ cũng sách nhiễu dân chúng, việc tệ hại nào không làm... Còn có một số người Pháp ở Ðông Dương chuyên kinh doanh các nghề nông, công, thương nghiệp cũng ỷ thế hoành hành với dân quê."

Ðầu năm 1912, Phan Chu Trinh và con được Luật Sư Phan Văn Trường mời về ở chung tại ngôi nhà do ông thuê, số 6 Villa des Gobelins ở quận 13, Paris.

Trước năm 1912, Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường chưa hề quen nhau. Phan Văn Trường đã nghe danh của Phan Chu Trinh từ năm 1908, trước ngày ông sang Pháp. Nhưng Phan Chu Trinh thì mới nghe danh Phan Văn Trường khi ông đến sống ở Paris (1911). Tuy vậy, hai nhà yêu nước họ Phan khi mới gặp nhau nơi xứ người, họ đã cảm thấy thân nhau ngay. Do đó, khi Phan Văn Trường ngỏ lời mời về sống chung thì Phan Chu Trinh nhận lời ngay, và cũng là cơ hội bắt đầu sự hợp tác của hai nhà chí sĩ họ Phan trong việc chung lo đại nghiệp của dân tộc (15). Hai ông đã đồng tâm nhất trí khai sinh một tổ chức yêu nước của người Việt ở Pháp, công khai mang tên là Hội Ðồng Bào Thân Ái (HÐBTA). Và "căn nhà ở phố Gobelins đã trở thành nơi gặp gỡ Việt kiều" ở Pháp bao gồm mọi thành phần xã hội. Luật Sư Phan Văn Trường "là người có học thức nhất trong bọn" nên được cử làm "Hội Trưởng Hội Ðồng Bào Thân Ái". Ðây là một tổ chức có "xu hướng dân tộc chủ nghĩa rõ rệt" (16). Phải nói rằng: Từ năm 1912, số phận chính trị của Phan Chu Trinh đã gắn chặt với HÐBTA, với Luật Sư Phan Văn Trường, và sau này là nhóm Ngũ Long (5 con rồng Việt Nam tại Pháp) (17).

Phan Chu Trinh đã tích cực hoạt động cho HÐBTA, ông đã trực tiếp tuyên truyền vận động thành phần học sinh, sinh viên Việt Nam tại Paris gia nhập Hội và hoạt động cho Hội.

Năm 1913, sau vụ nổ bom ở Hà Nội của các chiến sĩ Việt Nam Quang Phục Hội (26-4-1913), mật thám Pháp tại Paris đặc biệt quan tâm đến hoạt động của HÐBTA, vì chúng nghi rằng HÐBTA có liên hệ chặt chẽ với phong trào yêu nước ở Việt Nam. Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường là hai đối tượng chính trị nguy hiểm của bọn mật thám Pháp ở Paris. Do đó, khi Phan Chu Trinh nhận được thư của Cường Ðể, do Trương Duy Toản (18) mang từ Luân Ðôn sang, thì Phan Chu Trinh ngờ là cái bẫy của mật thám Pháp, nên ông "núm lấy Trương Duy Toản đưa đến thuộc địa của Pháp, có ý báo cho người Pháp: quỷ kế của các người, lão biết rồi đó" (19).

Ngày 3-8-1914, chiến tranh Pháp-Ðức bùng nổ, thì ngày 28-8-1914, Bộ Trưởng Bộ Thuộc Ðịa liền trình công văn lên Bộ Trưởng Chiến Tranh (Pháp) đề nghị có biện pháp ngăn ngừa bạo loạn của Phan Văn Trường và Phan Chu Trinh, vì hai nhân vật này đã "có những hành vi đáng ngờ (agissements suspects) rằng họ đã khích động sinh viên Việt Nam hận thù chính phủ Pháp, đã tập họp những người này lại trong một hội đoàn để gây mầm phản loạn" (20). Và theo lời kể của Phan Văn Trường: "Tháng 9-1914, chính phủ (Pháp) lợi dụng tình trạng chiến tranh để buộc tội ông (Phan Chu Trinh) cùng với tôi có âm mưu chính trị chống lại nước Pháp và giam chúng tôi vào ngục tối trong 11 tháng" (21).

Phan Chu Trinh bị bắt vào ngày 14-9-1914 (sau Phan Văn Trường hai ngày) và bị giam tại nhà lao dân sự La Santé. Trong thời gian ở tù, Phan Chu Trinh vẫn không nhụt chí đấu tranh và vẫn ung dung sống như lời thơ do ông sáng tác sau đây:

"Từ ấy giam luôn mấy tháng tròn

Nhờ trời ngủ kỹ lại ăn ngon

Ngày ba lần xực coi còn đói

Ðêm chín giờ ngơi ngáy vẫn dòn

Mỗi bữa nửa giờ ra hóng mát

Một tuần hai bận xuống thăm con

Vui buồn mình biết lòng mình vậy

Miễn trả cho rồi nợ nước non" (22)

Phan Chu Trinh cũng đã phản đối quyết liệt đối với viên chánh án kết tội ông. Một lần, tại văn phòng viên chánh án, Phan Chu Trinh đã nói thẳng với hắn rằng: "Quan án là một tên gian dối, thay mặt cho quân thù nghịch của tôi, lấy ý riêng mà bắt tôi, giam tôi. Từ nay, tôi cứ đem lời lẽ công bằng mà chống cự lại với những việc làm gian dối, không công bằng của quan lớn." Phan Chu Trinh cũng đã hiên ngang tuyên bố trước mặt tên chánh án rằng: "Tôi thề chết giữa bàn giấy quan lớn. Tôi thề lấy máu tôi mà bôi đầy đầu, đầy mặt, đầy cổ, đầy mình quan lớn, tôi bôi cho đỏ cả buồng giấy gian dối. Tôi chẳng chịu chết mòn, chết rục, chết vằm, chết thảm ở cái buồng giam 26 này đâu." (23).

Trong những ngày tháng bị tù giam ở La Santé (Paris) điều lo lắng nhất của Phan Chu Trinh là bệnh tình của người con trai Phan Chu Dật! Năm Phan Chu Trinh bị bắt giam, cũng là năm Phan Chu Dật đậu bằng Tú Tài Vật Lý học. Nhưng vì quá lo cho cha nên Dật đã phát nệnh. Nghe tin con bệnh nặng, Phan Chu Trinh quyết định nhờ ông M. Moutet lo liệu đưa con về trong nước để dưỡng bệnh và điều trị. Khi chia tay con trai, Phan Chu Trinh đã nói lên một lời tâm huyết mà ông không ngờ đó là lời vĩnh biệt cuối cùng của ông đối với Phan Chu Dật (24). Ông nói: "Này con, cha xa nhà bỏ nước ra đi để tìm một miếng đất tự do, bình đẳng, bác ái, đặng sống. Sống không phải là ký sinh trùng của thế gian, sống để mưu đồ một công cuộc hữu ích gì cho đồng bào, tổ quốc. Thế nhưng hôm nay cha cảm thấy nước Pháp văn minh chưa phải gồm toàn những người có tâm hồn cao thượng ấy hết. Cha đã bị bao cảnh khốn khổ trong lao tù. Việc ấy cha nào kể, việc cha lo là lo cho đồng bào kia. Bây giờ con phải về nước. Chẳng khéo lại hệ lụy đến con nữa. Với sức học của con, cha tin tưởng ở con sẽ sáng suốt phụng sự đồng bào." (25).

Giữa năm 1915, tại tòa án binh Paris, Marlus Moutet (đảng viên Xã Hội Pháp, hội viên Hội Nhân Quyền, nghị sĩ quốc hội vùng Rhône) (26) cùng với cựu Thiếu Tá Jules Roux, đã bênh vực cho Phan Chu Trinh, bác bỏ lời kết tội của viên chánh án. Nhờ đó, mà tháng 7-1915 (Ất Mão) chính phủ Poincaré phải ký lệnh trả tự do cho Phan Chu Trinh. Nhưng bọn thực dân Pháp lại thực hiện chính sách triệt nguồn sống của ông "bằng cách hủy bỏ trợ cấp hàng tháng 450 frs, có lẽ với hy vọng rằng ông không biết tiếng Pháp, lại không rành một nghề nào có thể kiếm sống ở Pháp, ông sẽ buộc phải xin về nước để khỏi chết đói trên nước Pháp..." (27).

Bọn thực dân Pháp đã lầm! Với thủ đoạn đê hèn ấy, chúng không thể nào làm nhụt chí của một chí sĩ như Phan Tây Hồ. Ông vẫn ở lại đất Pháp và vừa lao động sinh sống vừa tiếp tục hoạt động đấu tranh cho dân quyền của dân tộc Việt Nam.

 

o0o

 

Sau khi ra khỏi nhà tù La Santé, Phan Chu Trinh vẫn kiên tâm ở lại nước Pháp để tiếp tục con đường cách mạng dân quyền mà theo chủ kiến của ông là đúng (?). Ðã bị thực dân Pháp cắt đứt nguồn sống bằng tiền trợ cấp xã hội, ông quyết tâm học nghề sửa ảnh và phóng đại ảnh để sinh sống (28). Theo báo cáo của viên mật thám Jean (8-1-1920) thì "Ông Trinh làm nghề sửa ảnh, mỗi ngày kiếm được độ 30 Francs". Tuy không có thời giờ nhà rỗi để hoạt động yêu nước như trước khi ở tù, nhưng đời sống Phan Chu Trinh đã khá hơn lúc ăn tiền trợ cấp rất nhiều, và ông còn trợ giúp một phần chi phí cho Luật Sư Phan Văn Trường (19).

Từ tháng 8-1915 đến khi chiến tranh Thế Giới Lần Thứ Nhất chấm dứt (cuối năm 1918), Phan Chu Trinh vẫn sống tại căn nhà do Phan Văn Trường mướn (số 6, Villa des Goblins, quận 13, Paris) với vai trò chủ chính; còn Phan Văn Trường thì thỉnh thoảng mới về thăm, cùng Phan Chu Trinh bàn bạc việc phát động phong trào yêu nước của Việt kiều ở Pháp ủng hộ công cuộc đấu tranh chống chính quyền thực dân Pháp ở trong nước. Trong một báo cáo tổng hợp của Paul Arnous - Giám Ðốc Sở Tình Báo Chính Trị Ðặc Biệt - đã cho biết: "Phan Văn Trường và Phan Chu Trinh đã bị tố cáo về vụ âm mưu chống an ninh quốc gia." Sở dĩ bọn mật thám Pháp tại Paris đã tố cáo như vậy, là vì hai chí sĩ họ Phan đã chỉ đạo thành lập một tổ chức mới: Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước (30) (thay cho Hội Ðồng Bào Thân Ái đã tan rã từ 1916).

Thời gian từ 1919 đến 1922, Phan Chu Trinh được xem là nhân vật lãnh đạo trụ cột của Hội Những Người Việt Nam Yêu Nước; bởi vì Phan Văn Trường đã sang làm việc tại nước Ðức vào cuối năm 1919, với tư cách là "Trạng Sư trước Hội Ðồng Quân Sự Mayence", thỉnh thoảng ông mới về Paris. Nhưng vì Phan Chu Trinh (và Phan Văn Trường) đang bị bọn mật thám Pháp theo dõi quá chặt chẽ nên ông không tiện công khai đứng ra lãnh đạo Hội. Do đó, hai ông đã thống nhất giao cho Nguyễn Tất Thành (lấy tên Nguyễn Ái Quốc) đảm trách công việc điều hành công khai.

Việc làm có ảnh hưởng vang dội đầu tiên của Hội là đưa bản "Yêu sách của nhân dân Việt Nam" tới Nghị Viện Pháp và đại biểu của các nước dự hội nghị Versailles vào ngày 18-6-1919. Chính Phan Chu Trinh là người đề xuất việc đưa bản yêu sách đến hội nghị Versailles và được ông được cả nhóm Ngũ Long giao cho soạn thảo bản yêu sách bằng chữ Hán với tựa đề là: "Việt Nam Nhân Dân Thỉnh Nguyện Thư". Căn cứ vào bản văn chữ Hán, Phan Văn Trường viết lại (có sửa chữa) bằng chữ Pháp với tựa đề là: "Renvendications du Peuple Ananamite" để gửi đi và phổ biến rộng rãi trên báo chí (31).

Năm 1922, nhân dịp vua Khải Ðịnh sang Pháp để dự cuộc đấu xảo quốc tế, từ Marseille, Phan Chu Trinh đã viết bức thư gửi cho Khải Ðịnh. Bức thư với đầu đề "Thất Ðiều Thư" và đề ngày 15-7-1922.

Nội dung căn bản của bức thư, như Phan Chu Trinh đã viết cảnh cáo vua Khải Ðịnh rằng: "Nói ra không xiết, song bây giờ hãy đem 7 tội mà Bệ Hạ đã phạm với quốc dân, kể cho rõ ràng, khi Bệ Hạ nhận bức thư này, hãy nên tỉnh ngộ lại mà tự xử lấy mình" (32). Cuối cùng Phan Chu Trinh  nêu yêu sách rằng: "Bệ Hạ còn một chút thiên lương mà biết hối ngộ ra, tin rằng quân quyền không có thể cậy được, dân quyền không có thể đoạt được, đem chính quyền trao trả cho quốc dân, để quốc dân được trực tiếp ngay với chính phủ Pháp mà làm công việc, để mưu sự ích lợi sau này, vậy thì may ra quốc dân còn thương cái lòng mà tha cái tội ấy đi, ấy là cái kế sách của Bệ Hạ ngày nay, không còn gì hơn nữa." (33). Phan Chu Trinh cũng tuyên bố rằng: Nếu Khải Ðịnh không chấp nhận yêu sách đó "thì Trinh này sẽ bố cáo với quốc dân và thương thuyết với chánh phủ Pháp, lĩnh mạng hai mươi lăm triệu đồng bào Việt Nam cùng với Bệ Hạ tuyên chiến một trận kịch liệt." (34).

Ðã sống trên đất Pháp, tại thủ đô "ánh sáng dân chủ" (Paris) hơn 10 năm (1911-1922) và đã một lần bị tù oan (1914-1915) mà Phan Chu Trinh vẫn chưa nhận thấy hết bản chất của chủ nghĩa thực dân Pháp trong việc chiếm lấy Việt Nam làm thuộc địa, nên ông vẫn còn nuôi mộng "thương thuyết với chính phủ Pháp"?

Luật Sư Phan Văn Trường cũng không đồng ý thái độ "đề huề" với chủ nghĩa thực dân Pháp của Phan Chu Trinh, nhất là từ khi Phan Chu Trinh ra tù (1919). Trong chương "Nhà Nho Phan Chu Trinh và nỗi thống khổ của ông" (35), Phan Văn Trường đã phản ảnh như sau:

"Ông Phan Chu Trinh là một người bền chí! Tuy phải sống trong cảnh khốn khổ và tủi nhục, ông vẫn nuôi hy vọng một ngày kia sẽ tranh thủ được ân huệ của chính phủ thực dân. Ông tiếp tục lui tới Bộ Thuộc Ðịa, tìm cách tiếp cận các viên chức cao cấp phụ trách Ðông Dương để bầy tỏ lòng thành của mình."

"Người ta nghĩ rằng sau những bài học đau đớn ấy (bị chính phủ Pháp bắt bỏ tù oan, bị bọn thực dân Pháp cắt trợ cấp xã hội...?) ông Phan Chu Trinh sẽ chữa được bệnh lạc quan, rằng lần này sẽ dứt khoát từ bỏ hy vọng lại được chính phủ thực dân thi ân bố đức. Thế nhưng không phải vậy! Ông ứng xử như chẳng có việc gì xẩy ra: Ông nối lại quan hệ với Bộ Thuộc Ðịa, lại tìm cách tiếp cận với những kẻ đã ngược đãi ông, nhiều lần xin yết kiến ông Albert Sarraut." (36).

Trong sự nghiệp chính trị của Phan Chu Trinh với quan điểm "Pháp-Việt đề huề" và kiên trì quan điểm này đến cùng, là sự thất bại lớn nhất của ông!

Thất bại trước hết là làm mất dần bạn bè và đồng chí trên đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Tuy nhiên họ vẫn kính trọng nhiệt huyết cứu nước, cứu dân của ông; nhưng họ không thể tán thành đường lối kiên trì "Pháp-Việt đề huề" của ông. Phan Văn Trường đã phán xét như sau: "Phan Chu Trinh đã để 20 năm trời đề đạt lên chính quyền thuộc địa về thuyết thỏa hiệp này. Ông đã là người vận động không hề biết mệt mỏi cho chính sách Pháp-Việt đề huề. Nhưng ông đã gặt hái được gì đã gieo rắc giữa người Pháp và người Nam?" (37). Sau này, giáo sư Hoàng Xuân Hãn cũng nhận xét rằng: "Sự thất bại của ông đã làm cho người ngày nay, khi đọc lại thư (gửi Toàn Quyền Beau) chỉ có cảm tưởng ông ngây thơ về chính trị và cảm thấy tức tối khi ông mạt sát quá đáng đồng bào mình và tâng bốc vượt mức đối với thực dân Pháp... (38).

Thất bại thứ hai của Phan Chu Trinh là ông vô tình đã tạo kẽ hở cho thực dân Pháp lợi dụng để đánh phá phong trào cách mạng triệt để của các lực lượng yêu nước Việt Nam! trong báo cáo đề ngày 22-12-1921 gửi Bộ trưởng Thuộc Ðịa của P. Guesde, có đoạn viết về Phan Chu Trinh như sau: "Tối qua, tôi có cuộc nói chuyện với Phan Chu Trinh... tôi thấy ông ta không phải là loại làm cho chánh quyền của ta lo ngại. Phan Chu Trinh là một người dân tộc chủ nghĩa. Ông ta nuôi hy vọng trông thấy đất nước của ông ta một ngày kia được độc lập, nhưng cũng tin ở sự cần thiết phải duy trì nền bảo hộ của chúng ta ở Annam.""Tin chắc rằng chính sách tốt nhất lúc này là thỏa mãn yêu cầu của Phan Chu Trinh, tôi hân hạnh đề nghị Ngài cho phép ông ta trở về nước và chỉ thị cho ngân sách Ðông Dương phải đãi thọ việc hồi hương này..." (39).

Vì vậy, có một số người đã nghi vấn việc Phan Chu Trinh trở về nước (28-5-1925) là có quan hệ đến chính sách lợi dụng đường lối "Pháp-Việt đề huề" của Phan Chu Trinh? Ðây có thể xem là một nghi án lịch sử đối với nhà yêu nước Phan Chu Trinh!


nh

 

 

III . Những Năm Cuối Ðời

Theo lời yêu cầu ráo riết của Phan Chu Trinh, với sự đề nghị tận tình của P. Guesde (một viên chức cao cấp của Bộ Thuộc Ðịa), nên Phan Chu Trinh đã được Bộ Thuộc Ðịa cho phép hồi hương.

Có một nghi vấn của nhiều đồng chí của Phan Chu Trinh là: Trước khi về nước do sự thúc đẩy của ai mà Phan Chu Trinh đã hợp tác với Trần Văn Khá để thành lập "Hội liên Hiệp Pháp-Ðông Dương" (Union Franco-Indochinoise) do Phan Chu Trinh làm Hội trưởng và Trần văn Kha làm Tổng thư ký (40)

Nhưng có một điều là bạn bè và các đồng chí của ông không đồng ý với quan điểm "Pháp-Việt đề huề" của ông điều khẳng định là Phan Chu Trinh đã không thể rút chân ra khỏi cái vũng lầy "Liên Hiệp Pháp-Ðông Dương"! Bởi vì, chính Phan Chu Trinh đã tự nhận rằng: ông là "một người đã day dứt suy tưởng làm thế nào để tạo mối liên hệ hoàn toàn giữa Pháp và Ðông Dương trong thời gian sắp tới" (41). Phan Chu Trinh còn nuôi ảo vọng rằng: "Ðể sống và mở mang một vùng ở Châu Á, chúng tôi cần sự trợ lực của nước Pháp, về vật chất, mà chỉ có nước Pháp là có thể làm được" (42). Hơn thế nữa, Phan Chu Trinh còn tự tin đến mức chủ quan rằng: "Nếu nước Pháp ở bên cạnh chúng tôi thì đó là điềm có lợi, vì làm tăng uy tín của Pháp ở vùng Cận Ðông, như vậy cần sự hợp tác của tôi" (43).

Chính lòng tự tin, chủ quan nầy, đã khiến một số chí sĩ yêu nước đầy nhiệt huyết đã dấn thân vào con đường cải lương chủ nghĩa cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng.

Phan Chu Trinh rời nước Pháp vào hạ tuần tháng 6-1925. Ông đã cùng đi về nước chung một chuyến tàu với Nguyễn An Ninh (44). Tuy không cùng quan điểm đấu tranh chống thực dân Pháp, nhưng Nguyễn An Ninh (cũng như Phan Văn Trường) rất coi trọng tình đồng chí (của nhóm Ngũ Long) đối với Phan Chu Trinh. Do đó, việc Nguyễn An Ninh cùng về nước với Phan Chu Trinh không phải là ngẫu nhiên, mà là do sự thảo luận trước giữa Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh, nhằm mục đích giúp đỡ Phan Chu Trinh có nơi ăn chốn ở và tạo điều kiện trị bệnh cho ông. Bài học Thân Tình nầy - "Không bao giờ quay lưng với bạn bè trong lúc khó khăn" cho dù quan điểm chính trị khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau giữa Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh đối với Phan Chu Trinh là một bài học lịch sử có giá trị về đạo đức và tình người, là một truyền thống đoàn kết của dân tộc ta!

Ngày 26-6-1925, Phan Chu Trinh và Nguyễn An Ninh đã về tới Sài Gòn. Nguyễn An Ninh đưa Phan Chu Trinh về thẳng khách sạn Chiêu Nam Lầu (45). Nghỉ tại Chiêu Nam Lầu cho đến ngày 29-6-1925, thì Phan Chu trinh đã được Nguyễn An Ninh đưa về nhà cha của ông, là cụ Nguyễn An Khương, ở Mỹ Hoà để tiện việc tiếp đón bạn bè đến thăm hỏi và trao đổi công việc; đồng thời cũng để tiện cho cụ Nguyễn An Cư (Chú ruột của Nguyễn An Ninh, một lương y nổi tiếng ở Nam Kỳ) chăm sóc sức khoẻ cho Phan Chu Trinh (đang thời kỳ suy yếu nhất).

Thời gian ở Chiêu Nam Lầu và tại nhà cụ Nguyễn An Khương, Phan Chu Trinh đã tiếp xúc với các nhân vật như: Trần Quang Nghiêm, Nguyễn Kim Ðính, Khánh Ký, Lâm Hiệp Châu, De Jean de la Bâtre, Paul Monin, Malraux... Trong các cuộc tiếp xúc nầy, ông Phan Chu Trinh đã bày tỏ tâm tình như sau: "Một khi đã trở lại sống trên quê hương xứ sở, tôi nguyện đem hết nghị lực bình sinh mà thức tỉnh dân khí ba miền đồng tâm, hiệp lực đạp đổ cường quyền áp chế".

Chính vì tâm quyết phụng sự cho dân quyền, nên dù sức khỏe còn yếu, Phan Chu Trinh cũng đã cùng Nguyễn An Ninh (với vợ chồng người con gái của ông là ông bà Lê Ấm) đi xuống các tỉnh Trà Vinh, Mỹ Tho... để vận động tài chánh cho việc tái bản tờ "La Cloche Fêlée". Nhờ vậy, mà ngày 26-11-1925, báo "La Cloche Fêlée" số 20 được tái bản đợt II.

Phan Chu Trinh đã trao đổi với Nguyễn An Ninh việc mở một trường trung học lớn (Lycée) ở Sài Gòn để đào tạo nhân tài (theo chương trình cải cách). Dự án nầy đã được các nhà tư sản, nhân sĩ yêu nước hết lòng ủng hộ ... Tiếc thay! Dự án nầy không thể thực hiện được vì nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân là Phan Chu Trinh - người chủ xướng - ngày càng lâm bịnh nặng và qua đời sau khi về nước không được bao lâu (6-1925 - 3-1926).

Tuy được sự điều trị và chăm sóc chu đáo của cụ Lương Y Nguyễn An Cư, nhưng căn bịnh của Phan Chu Trinh vẫn không giảm bớt. Dù thế, Phan Chu Trinh cũng gắng sức tàn của ông để vận động thực hiện chủ trương "Pháp-Việt đề huề". Trong thư đề ngày 12-11-1925, gửi cho cựu thiếu tá Jules Roles ở Paris, có đoạn ông đã biểu lộ tâm tình như sau: "Tôi là người khổ sở, đã từ bỏ quê hương, từ bỏ vợ conđến 9 năm trời rồi. Tôi đã chịu trăm điều xấu hổ, trăm điều cực khổ, hy vọng của tôi là cốt sao cho hai dân tộc Pháp-Việt liên hiệp một cách thật tình. Nếu như tôi chết mà có lợi cho nước tôi và có lợi cho nước anh, thì tôi dẫu chết cũng cười".

Vì vậy, dù sức khỏe đã kiệt, nhưng Phan Chu Trinh vẫn cố gắng truyền bá quan điểm cải lương của ông. Cuối năm 1925 ông đã hai lần đăng đàn diễn thuyết tại "Hội Quán Thanh Niên" ở Sài Gòn.

Lần thứ nhất Phan Chu Trinh diễn thuyết về đề tài "Ðạo Ðức Và Luân Lý Ðông Tây".

Ðề tài diễn thuyết lần thứ hai là "Quân Trị Chủ Nghĩa Và Dân Trị Chủ Nghĩa".

Hai lần diễn thuyết nầy của Phan Chu Trinh đã có đến hàng trăm nhân sĩ, trí thức và học sinh tham dự; và cả hai đề tài của ông trình bài nói chung là được hoan nghênh. Thính giả hoan nghênh là hoan nghênh bầu nhiệt huyết canh tân của ông, hoan nghênh cách nói duyên dáng, và nhiệt tình của ông. Nhưng, một số người có kiến thức và theo đường lối chống thực dân Pháp kịch liệt thì âm thầm không tán thành, tuy họ không phản đối ra mặt vì lẽ tôn trọng sự hy sinh cả cuộc đời của ông cho sự nghiệp dân quyền của dân tộc!

Với bài "Ðạo Ðức Và Luân Lý Ðông Tây", Phan Chu Trinh mong muốn cho người nghe có được nhận thức mới về phạm trù Ðạo Ðức và Luân Lý: "Ðạo đức là đạo đức , luân lý là luân lý. Ðạo đức bao gồm cả luân lý mà luân lý chỉ là một phần trong đạo đức mà thôi"."Luân lý như cái áo tùy người lớn nhỏ mà thay đổi, nhưng không mất hình cái áo đi, chí như đạo đức là như cơm, như nước, như bổ dưỡng cần cho mọi người dầu muốn thay đổi cũng không thay đổi được, nếu thay đổi được là đạo đức giả" (47). Theo Phan Chu Trinh, mục đích của ông khi giải thích hai khái niệm Ðạo Ðức và Luân Lý như trên là "Cốt ý bàn về sự thay đổi Luân Lý của nước ta" (48)

Vậy Phan Chu Trinh đề nghị sửa đổi Luân Lý của nước ta như thế nào? Tại sao?

Phan Chu Trinh khẳng định rằng: "Bàn đến quốc gia luân lý thì tôi xin thưa rằng nước ta tuyệt nhiên không có". Bởi vì "quốc gia luân lý của ta từ xưa đến nay chỉ có trong vòng chật hẹp của vua và tôi. Không nói đến "Dân và Nước" vì dân không được bàn đến việc nước". (49)

Trong lúc ấy, ở Châu Âu thì sao? Phan Chu Trinh đã cho biết: "Quốc gia luân lý Châu Âu phát đạt từ thời Trung Cổ", thì đến bây giờ "cái thời đại quốc gia đã qua, không thể duy trì được nữa đành phải bỏ mà tiến lên thời đại xã hội vậy". "Ấy là bước tiến lên, bỏ quốc gia luân lý mà bước lên xã hội luân lý" (50)

Cho nên Phan Chu Trinh đề nghị rằng: "cứu chữa lấy cái luân lý cũ của ta, rồi đem chấp nối với cái luân lý của Châu Âu" theo phương sách "đem cái chân văn minh ở Âu Tây hoà hợp với chân Nho giáo ở Á Ðông" (51).

Nếu Phan Chu Trinh đã đem đến cho người nghe một nhận thức mới về khái niệm về đạo đức và luân lý (dù chưa thực hoàn chỉnh?); và ông cũng mang đến một nhiệt huyết cách mạng (bỏ luân lý cũ, xây dựng nền luân lý mới?) để "trong đôi ba mươi năm chúng ta phải bước qua cái nền quốc gia luân lý, rồi mới mong tiến lên xã hội luân lý được" (52); thì Phan Chu Trinh cũng đã gây nên một sự bất mãn ngầm trong lòng những người trí thức yêu nước lúc bây giờ (!?)

Bởi lẽ, Phan Chu Trinh đã đề cao quá mức đối với sự bảo hộ của thực dân Pháp, như ông đã nói: "Hơn sáu mươi năm nay ở dưới quyền một nước bảo hộ rất văn minh, rất tự do (?) mà cái mầm tự do không nẩy ra được là bởi từ đâu?" (53). Phan Chu Trinh còn bênh vực cho việc đàn áp của chính quyền thực dân đối với dân tộc ta là: "Cái lỗi ấy bởi ông cha ta để lại... Người ta nhận lấy đó (cái xiềng chuyên chế) mà cột mình, chớ nào phải người ta đặt ra hay là mang ở bên Pháp qua mà cột mình đâu" (54).

Trong khi đề cao cái gọi là "văn minh" của chủ nghĩa thực dân Pháp, Phan Chu Trinh đã không tiếc lời mạt sát dân tộc Việt, rằng: "người mình quanh năm trọn tháng chỉ lo cho cái xác thịt, cái tuổi già, mà vẫn không xong thì cũng đã xấu hổ rồi, huống là nói đến xã hội nhân quần" (55). Phan Chu Trinh còn nói: "Theo ý tôi tưởng, chẳng qua dân Việt Nam mình hèn hạ nên người ta mới đè nén" (56). Không chỉ thế, Phan Chu Trinh còn lên án những nhà yêu nước đã đứng lên vũ trang đánh Pháp, rằng: "Có một vài người anh hùng không chịu đi xem xét, mê tín lịch sử thời xưa, trọng chủ nghĩa trung quân, chủ nghĩa phục thù, tìm mưu kiếm kế phỉnh phờ cho dân dấy lên, nhưng than ôi! Một con dao, một đoạn tre thì có làm gì. Cái nỗi thảm hại, đưa đầu ra cho người ta bắn, đem thịt ra cho người ta bằm nào có ích gì! Chẳng qua làm cho dân đức của ta trụy lạc..." (57)

Phan Chu Trinh đã kết luận rằng: "Thương nước cho phải đường mới là thương nước, nếu thương không phải đường thì đã không giúp được gì mà còn làm hại sinh linh nữa" (58). Và ông kêu gọi: "Từ nay dân Việt Nam ta phải biết thương nước... không thù nghịch gì với người Pháp" (59).

Phan Chu Trinh đã chết cách nay hơn 70 năm, nhưng những lời nói thiếu thận trọng này vẫn còn lưu truyền trong lịch sử, phần nào làm giảm giai trò của ông trong trên bảng vàng lưu danh những bật tiền bối cách mạng của dân tộc!

- Với bài "Quân Trị Chủ Nghĩa Và Dân Trị Chủ Nghĩa", Phan Chu Trinh đã cố gắng dẫn chứng lịch sử của các nước Á Ðông để giảng giải cái chính thể quân trị chủ nghĩa, và theo ông "Quân Trị Chủ Nghĩa" tức là "Nhân Trị Chủ Nghĩa" (?) Ðồng thời, ông cũng chứng minh bằng tiến hoá lịch sử của Âu Tây, để giảng giải "Dân Trị Chủ Nghĩa" tức là "Pháp Trị Chủ Nghĩa" (?).

Phan Chu Trinh đã kịch liệt phê phán "Quân Trị Chủ Nghĩa" của các nước Á Ðông, chủ yếu là nước Tàu. Ông đã kết luận như sau: "Từ Tần Thủy Hoàng về sau, các nước nói theo Ðạo Nho đó kỳ thật trong nước không có thi hành một chút Ðạo Nho nào, chỉ còn xót lại một hai điều ở trong gia đình mà thôi. Kỳ dư là những điều mà mấy ông vua chuyên chế dựa vào Ðạo Nho để đè nén dân" (60).

Còn ở nước ta, theo Phan Chu Trinh thì "trong hai nghìn năm các nhà vua chẳng ngó chi đến lợi hại dân tộc, chỉ lo tính toán để đè nén cái trí dân, để mà giữ chặt cái chìa khóa tủ sắt ngôi Thiên Tử cho con cháu mình" (61). Vì thế, "tôi nghĩ trong hai mươi triệu ai cũng biết có nhà mà không biết có nước" (?). "Còn đến việc "mất nước" thì chẳng ai mơ màng vào đâu. Một dân tộc mà đối với nước lơ láo lạt lẽo như thế nó cũng khốn nạn thật". (62).

Không hiểu vì sao mà Phan Chu Trinh đã hằn học và mạt sát dân tộc mình như vậy (?).  Qua cách nhìn chủ quan của một nhà Nho cấp tiến, bất mãn tột cùng với triều đình Huế, Phan Chu Trinh đã quơ đũa cả nắm, xóa bỏ tất cả những thành tựu của dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước (!)

Ngược lại, Phan Chu Trinh đã đề cao quá mức nền "Dân Trị Chủ Nghĩa" của các nước ở Châu Âu, đặc biệt là nước Pháp. Sau khi trình bày "về cái chính thể bên Pháp", Phan Chu Trinh kết luận một cách khẳng định rằng: "Trong nước đã có hiến pháp, ai cũng phải tôn trọng hiến pháp. Cái chính quyền cũng bởi hiến pháp qui định cho, lười biếng không được, mà dẫu muốn áp chế cũng không có chỗ nào thò ra được. Vả lại khi có điều gì phạm đến pháp luật, thì người nào cũng như người nào, từ ông Tổng Thống cho đến một người nhà quê cũng đều chịu theo một pháp luật như sau" (63). Rõ ràng, Phan Chu Trinh đã "lý tưởng hóa thực tế" mà quên đi nỗi oan của ông khi bị chính phủ Pháp vô cớ bắt ông đem giam ở nhà tù La Santé (!?)

Phan Chu Trinh còn cho rằng các dân tộc theo "Dân Trị Chủ Nghĩa là khôn ngoan biết tự cường tự lập, mưu lấy sự lợi ích chung của mình thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ"; còn các dân tộc theo "Quân Trị Chủ Nghĩa" là "ngu dại cứ ngồi yên mà nhờ trời mà mong đợi trông cậy ở vua, ở quan, giao phó tất cả những quyền lợi của mình vào trong một người, hay là một chánh phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường" (63).

Thật ra, không nên áp đặt cho dân tộc này "khôn ngoan", dân tộc kia "ngu dại", mà phải xét hoàn cảnh lịch sử cụ thể của từng dân tộc: Nguyên nhân nào đưa các dân tộc Âu-Mỹ tiến nhanh? Nguyên nhân nào làm cho các dân tộc Á-Ðông chậm tiến, lạc hậu?

Sức khoẻ quá yếu, lại lao tâm nhiều, nên Phan Chu Trinh đã lâm trọng bệnh từ sau ngày Tết Bính Dần (1926). Mọi phương thuốc so cụ lương y Nguyễn An Cư lo điều trị cho ông cũng không hiệu quả. Phan Chu Trinh đang thoi thóp trên giường bệnh lại hay tin Nguyễn An Ninh đã bị bọn mật thám Pháp bắt tại nhà, vào lúc 11 giờ 30 trưa ngày 24-3-1926. Không hiểu có phải vì quá xúc cảm vì chuyện Nguyễn An Ninh bị bắt hay không (?) mà Phan Chu Trinh đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 9 giờ 30 tối hôm đó (24-3-1926)!

Phan Chu Trinh qua đời tại khách sạn Chiêu Nam Lầu và được đem quàn tại nhà số 54 đường Pellerin (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai - tức đường Pasteur trước 30-4-1975). Một "Ủy Ban tổ chức lễ quốc táng nhà yêu nước Phan Chu Trinh" đã được hình thành ngay trong đêm 24-3-1926. Những thành viên của ủy ban tổ chức lễ quốc tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh gồm nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước đang sống, làm việc và tranh đấu tại Nam Kỳ. Những thành viên đó là:

1.  Kỹ sư Bùi Quang Chiêu (65), Chủ tịch Ðảng Lập hiến, Thanh Tra Canh Nông ở Nam Kỳ;

2.  Phan Văn Trường, Tiến Sĩ Luật Khoa, Chủ Nhiệm báo "La Cloche Fêlée";

3. Tiến Sĩ Y Khoa Nguyễn Văn Thinh;

4. Tiến Sĩ Y Khoa Trần Văn Ðôn;

5. Lê Quang Liêm, Ðốc Phủ Sứ, Rạch Giá;

6. Nguyễn Phan Long, Hội Ðồng Ðịa Hạt Sài Gòn;

7. Trương Văn Bền, Hội Ðồng Ðịa Hạt Chợ Lớn;

8.  Nguyễn Tấn Văn, Hội Ðồng Thành Phố Sài Gòn;

9. Nguyễn Tấn Ðạt, Hội Ðồng Ðịa Hạt Sa Ðéc;

10.     Nguyễn Kim Ðính, Chủ Nhiệm báo Ðông Pháp, Sài Gòn;

11.     Võ Công T?n, Hội Ðồng Ðịa Hạt Chợ Lớn;

12.     Nguyễn Huỳnh Ðiểu, Hội Ðồng Canh Nông Trà Vinh;

13.Trần Huy Liệu, tự Nam Kiều, Chủ Bút báo Ðông Pháp, Sài Gòn;

14.     Nguyễn Dư Khánh, tự Khánh Lý, Sài Gòn;

15.     Trương Văn Công, Hội Ðồng Thành Phố Chợ Lớn;

16.     Huỳnh Ðình Ðiểu, nhân sĩ, Sài Gòn.

Ủy ban tổ chức lễ quốc táng Phan Chu Trinh đã thống nhất giao cho nhà văn Phan Khôi viết lời "Hiệu triệu quốc dân" nhân việc tạ thế của nhà yêu nước vốn được toàn dân kính trọng! Họa sĩ Ðặng Văn Ký lãnh nhiệm vụ tìm đất, chọn làm nơi an nghỉ của chí sĩ Phan Tây Hồ. Và ủy ban tổ chức cũng đã quyết định ngày làm lễ quốc tang cho cụ - ngày 04 tháng Tư năm 1926 (Bính Dần). Vậy là, thi hài của cụ Phan được quàn trong một tuần để cho mọi giới đồng bào khắp ba kỳ có thời gian đến kính điếu.

Theo sự quan sát và thông tin của báo chí ở Sài Gòn lúc bấy giờ thì hàng ngày có cả ngàn người đến dâng hương, kính điếu, đặt vòng hoa thương tiếc và tưởng nhớ đến nhà yêu nước Phan Chu Trinh (66). Người ta nhận thấy có mặt đầy đủ các đại diện của các đảng phái, tôn giáo, đoàn thể và các công chức, học sinh... đều đến thành kính nghiêng mình trước thi hài của nhà ái quốc suốt đời hy sinh cho dân tộc!

Trong lịch sử cận đại Việt Nam chưa thấy có một quốc tang nào, được đồng bào mọi giới khắp ba kỳ (đông nhất là ở Nam Kỳ tham gia với con số lên tới hàng chục vạn người tiễn đưa linh cửu đến nơi an nghĩ cuối cùng, như lễ quốc tang cụ Phan Chu Trinh. Ðúng là:

- "Vì nước quên nhà, hai mươi năm bôn ba, trời đất trông ra còn hẹp,"

- "Ðem thân cứu thế, Một bầu tâm huyết, quỉ thần xem thấy phải kinh" (69).

Ðúng 6 giờ sáng ngày 04 tháng Tư năm 1926 (tức ngày 22 tháng Hai năm Bính Dần) đám tang cụ Phan Chu Trinh đã được tiến hành theo nghi thức quốc tang, mô phỏng theo quốc tang của lãnh tụ cách mạnh Trung Hoa Dân Quốc Tôn Dật Tiên. Thực tế đó đã chứng tỏ một cách hùng hồn rằng: Cụ Phan Chu Trinh đã được tôn vinh như một lãnh tụ cách mạng đấu tranh cho dân quyền!

Linh cữu của cụ Phan Chu Trinh được đặt trên một chiếc xe tang do ngựa kéo, và một số Ðảng Thanh Niên Cao Vọng (còn gọi là Việt Nam Thanh Niên) của Nguyễn An Ninh, được cữ ra để phò linh cữu của cụ. Ði đầu linh cữu là toán học sinh trường Nguyễn Phan Long với Một tấm bảng lớn, chữ trắng trên nền nỉ đen như sau:

Deuil National

A Notre Compatriote Regretté

Phan Chu Trinh

Ði tiếp sau linh cữu, các toán xếp hàng theo thứ tự trước sau như:

- Học sinh trường bản quốc Sài Gòn

- Học sinh trường trung học Mỹ Tho

- Học sinh trường Nguyễn Xích H?ng

- Nữ Học sinh các trường

- Công nhân sở Ba Son

- Ðoàn Phự nữ Việt Nam

- Ðoàn Ðảng Thanh Niên Cao Vọng

Và hàng trăm ngàn đồng bào của mọi tầng lớp xã hội ở Sài Gòn nối tiếp theo sau (68). Xe tang và đoàn người khổng lồ đã diễn qua trung tâm thành phố, tiến về nghĩa trang Hội Tương Tế Gò Công (gần phi trường Tân Sơn Nhất hiện nay). Trong khi tang hành, dàn nhạc của trường Taberd trổi lên liên tục các bản nhạc thương tiếc và các bài thánh ca, thật làm xúc động lòng người như hai câu để đời của "Ðảng Tháp thời báo" đã viết:

- "Thiên hạ theo về, tổ chức dân đoàn tài đại lão"

- "Tiên sinh đi mất, đánh tan đế chế biết là ai?" (69)

Hoặc như hai câu thơ:

"Chí kia chưa đặc công chưa lập

Non nước nghìn thu luống thở dài".

Vào thời trước quốc tang của cụ Phan Chu Trinh, chưa bao giờ có đám tang nào nhận được nhiều điếu văn như quốc tang của nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Có đến 40 tỉnh và địa phương từ khắp ba miền của đất nước đã tới tấp gởi điện văn chia buồn, thương tiếc nhà ái quốc và hứa hẹn noi gương nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, tiếp tục sự nghiệp đấu tranh vì dân chủ tự do cho dân tộc Việt Nam ! Phan Bội Châu từ Huế cung gửi điện văn vào tỏ lòng thương nhớ và cảm xúc trước sự ra đi của người bạn chung chí hướng cứu nước, cứu dân, nhưng không cùng đường lối cách mạng (70).

Trước giờ hạ linh cữu của cụ Phan Tây Hồ xuống huyệt mộ, rất nhiều bài điếu văn mang tính lịch sử của cuộc đời nhà yêu nước đã gắn bó với vận mệnh của dân tộc, đã được đọc lên trước hàng vạn người tham gia ngày quốc táng của cụ, gieo vào lòng quần chúng nhân dân Việt Nam, không chỉ gieo vào lòng người một nỗi tiếc thương, mà còn thúc đẩy sự giác ngộ và thức tỉnh lòng yêu nước của đồng bào Việt Nam lúc ấy, và cũng đã để lại cho thế hệ ngày nay và mai sau những lời lẽ bất hủ. Có những bài điếu văn của đoàn thể như: Ðiếu văn của Hội Gò Công Tương Tế, của tập thể công nhân viên Ba Son ... và của Những cá nhân như điếu văn của ông Bùi Quang Chiêu và điếu văn của cụ Huỳnh Thúc Kháng v.v...

Mỗi điếu văn có thể xem là một áng văn lịch sử, có những nét độc đáo riêng về sự diễn tả tấm lòng kính trọng, tiếc thương và nêu cao gương chí sĩ của cụ Phan Chu Trinh, làm cho người nghe vừa xúc động, vừa tự hào về một con người "đã chết về thể xác mà tinh thần vẫn sáng mãi trong lòng dân tộc"!

Ðiển hình như bài điếu văn của Hội Gò Công Tương Tế, có đoạn viết rằng: "Cụ là một nhà Ðại Chí Sĩ Việt Nam, bình sinh cụ thương nước yêu dân hơn gia đình thê tử. Người Việt Nam xa gần ai cung đều kính mến cụ". "Hôm nay chẳng may cụ tạ thế ở trong Nam, hài cốt quý báo của cụ giở trong một khoảng đất tuy hẹp hòi thấp thỏi, không xứng với tâm tính cao thâm của cụ mặc dầu, nhưng cũng là một khoảng đất Việt Nam, nên có lẽ cụ cũng vui lòng nơi chín suối". Và "Nghĩa địa Gò Công chúng tôi nguyện sẽ chăm sóc, gìn giữ, bồi bổ phần mộ cụ đời đời!"

Càng xúc động hơn khi đọc những đoạn sau đây, trong điếu văn của công nhân Ba Son, rằng:

"Ngài ôi! Trải mấy năm lao khổ, chưa phỉ ước nguyện, sao Ngài vội tách theo miền di lộ; Một gánh non sông quằn quại. Ngài đã đành trao lại cho hậu sinh. Gương trung nghia ấy chúng tôi xin noi dấu..." "Anh em tâm huyết ta ơi! Ðường hãy còn nhiều nỗi chông gai, vậy thì đồng bào ta vịn lấy nhau nơi dấu tiền hiền, cho người quá vãng ngậm cười nơi cõi thọ."

Còn ông Bùi Quang Chiêu (Chủ Tịnh Ðảng Lập Hiến) lại gửi gấm quan điểm của mình trong bài điếu văn khóc cụ Phan Chu Trinh như sau: "Ôi! Tây Hồ anh ơi! Anh đã vì nước, vì đồng bào mà lăn lóc trong đám chông gai, chẳng quảng thân, chẳng nhà mà chịu hao mòn tâm huyết, để yêu cầu điều công lý, sự tự do, nên anh đã đề xướng cái chủ nghĩa Ý-Pháp cầu tiến bộ, cái chủ nghia cao thượng ấy ngày nay các phái Pháp-Việt quốc dân học thức đều hoan nghênh sùng bái... ". "Vậy là tôi và anh chị em đây xin thề cùng anh rằng nắm chặt mối dây đoàn thể Trung Nam Bắc, để giữ gìn nhau mà bảo thủ cho cái chủ nghĩa Pháp-Việt đề huề".

Người bạn tù với cụ Phan Chu Trinh ở Côn Ðảo (1908-1910), ông Huỳnh Thúc Kháng - thay mặt cho anh em Trung-Việt đã đọc một bài điếu văn mang ý nghĩa lịch sử rõ nét nhất về quan điểm chính trị của nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Ðoạn văn xúc tích nhất trong điếu văn của ông Huỳnh Thúc Kháng là: "Một đoạn lịch sử của tiên sinh hơn hai mươi năm trời, nào bị tù đày, ở nước này sang nước khác, trải bao nhiêu phen nguy hiểm, trong giây phút này không thể lược thuật lại cho được; chúng tôi xin tóm tắt lại mà nói sơ: Chủ nghĩa tiên sinh đệ nhất là đánh đổ chuyên chế, làm cho dân quyền tự do, còn cái phương pháp tiến hành thì tiên sinh thường nói rằng: "Tình hình trong nước ta bây giờ đang vào nguy ngập, nếu muốn cải cách thì cần liên lạc đoàn thể mới được". Tiếc cho người nước mình còn đang mê mộng, đồng chí với tiên sinh chẳng được mấy người. Vì vậy mà tấm lòng bị phân hóa ra uất ức, uất ức hóa nên đại bịnh; huống gì những điều mắt thấy tai nghe dể làm cho tiên sinh cảm xúc mà đau được, chết được, thương ôi!"

Nếu đoạn văn rõ nét về ý nghia lịch sử về quan điểm chính trị, thì đoạn kết của bài điếu văn, ông Huỳnh Thúc Kháng đã viết bằng trái tim rướm máu của một nhà nho yêu nước, thương tiếc đồng chí của mình rằng:

"Thôi, đất vàng một nắm, giấc mộng ngàn thu, sự nghiệp anh hùng, ngày nay hết cuộc. Chúng tôi chỉ mong mai sau này những người kế chí tiên sinh, làm cho vẻ vang dân tộc Việt Nam ta. Thì linh hồn tiên sinh sẽ được yên ổn mà ngậm cười nơi chín suối vậy."

Phan Bội Châu trong những năm Ðông Du còn phản đối thuyết dân chủ của Phan Chu Trinh, nhưng lúc Phan Tây Hồ đã qua đời, trong bài Văn Tế khóc người bạn cố tri, Phan Bội Châu hình như đã thừa nhận quan điểm dân chủ của Phan Chu Trinh rằng:

"Thương ôi !

Bể bạc còn trơ

Trời xanh khó hỏi.

Nghìn vàng khôn chọn lấy anh hào,

Tấc dạ dám thề cùng sông núi.

Trước đã giỏi thời sau nên giỏi nữa, dấu "Cộng Hòa" xin ráng sức theo đòi,

Thác còn thiêng thời sống phải thiêng hơn, "độc lập" quyết điều tay xin với,

Lời này ông có xét chăng?

Lòng ấy trời đã soi dọi!"

Ðặc biệt còn có một số nhân vật trong hàng ngũ lãnh đạo của Trung Hoa Quốc Dân Ðảng cũng đã gởi điếu văn đến để tưởng nhớ nhà ái quốc Việt Nam Phan Chu Trinh. Bài điếu văn có tính chất quốc tế này được lược dịch như sau:

"Chúng tôi là Phan Kiến Minh, Lương Chí Vĩ thuộc Ðảng Quốc Dân nước Tàu,
 xin kính dâng một nén hương thơm, ba ly rượu lạt, đọc bài văn tế ở trước linh hồn Phan Quân rằng:

Phan Quân chết rồi, tinh thần không chết,

Sự nghiệp cách mạng, gắng không đoái mình.

Lập công chưa rồi, chợt vậy đã chết,

Hỡi trời xanh kia, sao nỡ làm rầu người triết nhân ấy?

Hết thảy người Nam Việt đều để tang, ngọn gió đau thương thổi vào hiu hắt.

Ta đây là bạn đồng chí, giọt nước mắt thắm áo.

Chỉ mong những người sau, noi theo cái tinh thần ấy.

Cùng nhau ráng sức, đời chờ tới chủ nghĩa tam dân.

Rồi hai giống, người Tàu, người Nam, dắt tay nhau cùng thân, cùng yêu.

Giải trừ chuyên chế, thức tỉnh người đồng bọn.

Hy sinh đưa chết, chết thành được nhân

Thương ơi!

Xin hưởng" (71)

Ngoài những bài điếu văn, còn có vô số câu đối kính dâng hương hồn cụ Phan Chu Trinh, trong đó nổi bật là những câu đối của các ông: Phan Bội Châu, Nguyễn An Ninh, Sở Cuồng Lê Dư, Ngô Ðức Kế, Dương Bá Trạc và Mai Ðăng Ðệ ...

Nói chung, các câu đối, tuy khác nhau về nội dung đều tỏ thương tiếc nhà yêu nước đã ra đi quá sớm, trong khi "Biển thẩm lấp chưa bằng, tinh vệ còn đội đá" (Phan Bội Châu), mà chưa làm được nguyện ước "dắt dìu nhau vì hai mươi triệu đồng bào gánh một cái gánh nặng" (Nguyễn An Ninh), nên đã hận cao xanh rằng: "Trời không để sót lại một ông già cho ta" (Sở Cuồng Lê Dư). Còn cụ Nghè Ngô Ðức Kế thì lo lắng: "thương nỗi đoàn sau ngơ ngáo, giang san gánh vác biết cùng ai?" Nhưng ông cu Dương Bá Trạc thì đề cao tinh thần: "vì nước vì nòi, gan sắt dễ đâu vùi nơi chín suối!" Rõ ràng, Phan Chu Trinh chết vào năm 1926 là một tổn thất lớn cho phong trào duy tân của nước Việt Nam; nhưng cái chết của cụ Tây Hồ cung để lại cho lịch sử đấu tranh cho dân quyền của dân tộc Việt Nam những bài học quý giá mà ngày nay các thế hệ nối tiếp cần rút kinh nghiệm.

Không có ai có thể nghi ngờ lòng yêu nước nhiệt thành của Phan Chu Trinh! Không người nào không kính trọng tinh thần hy sinh của Phan Chu Trinh suốt đời với sự nghiệp Ðộc Lập, Tự Do của đất nước và dân tộc Việt Nam. Thực tế đã chứng minh một cách hùng hồn qua ngày lễ quốc táng của cụ!

Nhưng không phải vì thế mà các sử gia không suy xét về chủ trương "Pháp-Việt Ðề Huề" của ông.

Vì sao chủ trương "Pháp-Việt Ðề Huề" của Phan Chu Trinh đã bị nhiều bạn bè, đồng chí của ông không tán thành? Phan Văn Trường đã giải bày câu hỏi này như sau:

"Trước khi viết bản thỉnh nguyên (tức bản "Ðầu Pháp Chính Phủ Thư") (72) ông hỏi ý kiến nhiều bạn bè nhà Nho của ông. Họ khuyên ông đừng viết, bảo rằng: "Chính sách thuộc địa chỉ dựa trên sự dung hợp quyền lợi. Thế nhưng trong vấn đề giáo dục, người Pháp nhận thấy quyền lợi của họ đối lập với quyền lợi của chúng ta đến mức họ cho là không thể dung hợp được. Vậy thì dù có trăm ngàn người hay cả đến toàn thể nhân dân Việt nam có ký vào bản nguyện thư của ông thì chính phủ Pháp cung sẽ không chấp thuận cho ông một điều gì... Thế nhưng bạn bè không thuyết phục được ông" (73)

Tại sao Phan Chu Trinh lại không nghe lời khuyên của bạn bè, đồng chí, mà ông vẫn cứ viết bản thỉnh nguyện và đã gởi cho chính phủ Pháp ở Ðông Dương?

Ðiểm xuất phát cơ bản để Phan Chu Trinh kiên trì chủ trương "Pháp-Việt Ðề Huề", đã được trình bày tỏ khá rõ ràng trong bức thư gởi chính phủ Pháp hồi 1906, là vì ông muốn "chính phủ (bảo hộ) biết hối ngộ lại mà mau đời lại chính sách, kén dùng hiền tài, giao cho quyền bính, lấy lễ đãi người, lấy lòng thành xử với người, rồi cùng nhau trù hoạch cái kế sách chung hưng lợi trừ hại, mở con đường nuôi sống cho dân nghèo, cho nhân sĩ cái quyền nghị luận, mở nhà báo để thấu rõ dân tình, minh thưởng phạt để thanh trừng lại tệ, những việc cần thiết như đổi pháp luật, khoa cử, mở nhà học, dựng phòng sách, chấn hưng công thương kỹ nghệ, các việc đều lần lượt cải lương, như thế thì dân Nam ai cũng yên vui, lại chỉ sợ nước Pháp bỏ nước Nam đi mà thôi, còn cái gì mà kình địch nữa."

Sở dĩ Phan Chu Trinh chủ trương kêu gọi thực dân Pháp thực hiện cải cách vì ông thấy dân ta chưa đủ lực để mà tiến hành lật đổ ách thuộc địa của thực dân Pháp bằng bạo lực! Ðúng vậy! Thực tiễn lịch sử trong mấy thập niên đầu thế kỷ 20 của nước ta, đã chứng thực rằng dân tộc ta chưa đủ lực để quật ngã sự thống trị của thực dân Pháp bằng đấu tranh vũ trang để khởi nghĩa cướp chính quyền, thực hiện độc lập, tự do cho dân tộc. Từ giữa năm 1924, Nguyễn An Ninh đã tổng kết thực tế lịch sử này như sau: "Phan Chu Trinh đã sống ở Paris, tuổi già đã hạn chế không cho phép ông hoạt động tích cực. Ðề Thám không tìm ra được một người nối chí. Phan Bội Châu không còn nữa. Thành Thái và vua Duy Tân chỉ còn cách tiêu khiển thời gian trên sân quần vợt. Nhóm Gilbert Chiêu còn lại chỉ có hai, ba người sống sót... Những người khác sống lưu vong nơi đất lạ, chịu bao nỗi đau lòng tủi nhục, họ chỉ còn lại những giất mơ về một cố quốc được thoát khỏi bàn tay kẻ ngoại bang để dịu vợi bớt cuộc sống quá nhọc nhằn..." Tuy "thỉnh thoảng vẫn có vài phong trào quần chúng rời rạc, nông nổi mà chỉ cần một trăm họng súng, một hai khẩu liên thanh là có thể dập tắt được, và chỉ một tháng sau thì sự im lặng lại xóa nhà trong ký ức mọi người cơn giận dữ của một dân tộc bất lực" (La Cloche Fêlée, 15-6-1924).

Chính vì thực tế lịch sử quá phũ phàng đó mà Phan Chu Trinh nuôi ảo tưởng vào sự cải cách của chính phủ thực dân Pháp, nên ông đã đề nghị tha thiết rằng: "Nếu quan lớn bảo hộ mà có tấm lòng thành thật khoản đãi dân Nam, thì nên lượng tấm lòng của tôi, nhận lời nói của tôi, cứ gọi tôi đến tôi sẽ nói cho mà nghe..." (Thư đã dẫn). Sự thất bại của Phan Chu Trinh trong chủ trương "Pháp Việt đề huề" là bắt đầu từ sự nhận thức sai lầm về bản chất của chủ nghĩa thực dân Pháp (!)

Gián tiếp phê phán Phan Chu Trinh về phương diện này, Nguyễn An Ninh đã viết rằng: "Làm sao mà người ta có thể nghĩ đến sự hợp tác thật sự và chân thành, trong khi quan niệm thực dân vẫn là đào tạo những người An Nam làm tay sai nhằm thực hiện mệnh lệnh của ông chủ Pháp.""Chừng nào có người chiến thắng và kẻ chiến bại, có kẻ đi đàn áp và người bị đàn áp, có chủ và nô lệ, thì không thể có sự hòa hợp giữa người và người" (Bài báo đã dẫn).

Thật tội nghiệp cho lòng yêu nước của một nhà Nho ôn hòa, chỉ vì sợ dân Việt phải chịu hy sinh quá nhiều trước họng súng, làn đạn bạo tàn của thực dân Pháp, mà ông cố kiên trì chống chủ trương đấu tranh vũ trang (hay bạo lực cách mạng) của Phan Bội Châu, dẫn đến sự bất hợp tác giữa hai người đồng chí hướng, như Phan Bội Châu đã kể lại khi Phan Chu Trinh gặp ông ở Nhật: "Từ đó luôn mười ngày hơn, tôi với cụ (Tây Hồ) bàn bạc, ý kiến rất trái nhau. Cụ thì muốn đánh đổ quân chủ, mà cốt lấy nền tảng dân quyền, hãy dựa vào Pháp mà đánh đổ quân chủ..." (Tự Phán)

Thái độ kiên trì đề huề với Pháp của Phan Chu Trinh làm cho nhiều bạn bè yêu nước và cách mạng cùng thời của ông đều khó hiểu, ngay cả luật sư Phan Văn Trường cũng phải tỏ ra không hiểu nổi người bạn của mình, rằng: "Ông Phan Chu Trinh là một người bền chí. Tuy phải sống trong cảnh buồn khổ và tủi nhục, ông vẫn nuôi hy vọng một ngày kia sẽ tranh thủ được ân huệ của chính phủ thực dân." "Người ta nghĩ rằng sau những bài học đau đớn (bị Pháp bỏ tù) ấy, ông Phan Chu Trinh sẽ chữa được bệnh lạc quan, rằng lần này ông sẽ dứt khoát từ bỏ hy vọng lại được chính phủ thực dân thi ân bố đức. Thế nhưng không phải vậy! Ông ứng xử như chẳng có việc gì xảy ra. Ông nối lại quan hệ với Bộ Thuộc Ðịa, lại tìm cách tiếp cận với những kẻ ngược đãi ông, nhiều lần xin yết kiến ông Albert Sarraut" (trong "La Vérité sur L'Indochine, chương X).

Chính vì thái độ nhẫn nhục để hợp tác với Pháp của Phan Chu Trinh như thế, nên có người đã nghi ngờ lòng yêu nước, yêu dân tộc của ông. Thật là đau lòng! Một con người có lòng yêu nước, đấu tranh cho quyền sống của dân tộc thật sự như Phan Chu Trinh mà còn bị nghi ngờ! Ðó là một sự hẹp hòi, chủ quan, không nhìn thấu bản chất của Phan Chu Trinh (cho dù đó chỉ là yêu nước theo con đường cải lương chủ nghĩa!) Không nên nghi vấn lòng yêu nước cũng như thái độ mong muốn (một cách ảo tưởng) trong việc hợp tác với thực dân Pháp của Phan Chu Trinh, mà chỉ xem xét nguyên nhân bảo thủ ý kiến "Pháp Việt Ðề Huề" của ông là bắt nguồn từ đâu (?)

Ngoài cách nhìn không thấu triệt thực tế lịch sử chuyển biến đấu tranh giải phóng dân tộc ở đầu thế kỷ XX, tương quan chặt chẽ với phong trào cách mạng dân chủ trên toàn thế giới, Phan Chu Trinh còn bị sự ràng buột quá nặng nề vào tư tưởng cải lương của Khang Hữu Vị và Lương Khải Siêu (hai nhà cải lương chủ nghĩa của Trung Quốc) mà Phan Chu Trinh đã hâm mộ, như Nguyễn An Ninh đã nói: "Phan Chu Trinh trong mấy mươi năm ở Pháp cứ ôm bộ " Băng" của Lương Khải Siêu, cho đến ngày về cũng đem theo tàu để lót đầu nằm" (Báo Trung Lập, ngày 27-4-1933, bài "Vài Lời Nhắc Nhở"). Tệ hại thay cái tính bảo thủ, nhất là bảo thủ quan điểm chính trị đã lỗi thời, hay không thích hợp với thực tế lịch sử! Có lẽ, Phan Chu Trinh cứ nghĩ là việc kiên trì "Pháp-Việt Ðề Huề" của mình là đúng, nên không chịu nghe lời khuyên của Phan Văn Tường và Nguyễn An Ninh.

Thật chí lý thay! Khi Nguyễn An Ninh tuyên bố trước công luận rằng: "Chống đối lại một trật tự, phải dùng một trật tự khác, giáng trả lại một sức mạnh, bằng một sức mạnh". Vì vậy "cho dù "có" hay "không" tiến hành cuộc cách mạng (ở Việt Nam), thì một công việc chắc chắn trước mắt có thể làm được là đấu tranh chống những hành vi bạo ngược đã hằn sâu trong tập quán thực dân, làm cho bầu không khí trở nên nghẹt thở, gieo rắc nung nấu một hận thù kẻ thắng trận trong lòng người chiến bại" ("Có thể tiến hành một cuộc cách mạng hay không?" La Cloche Fêlée, 15-6-1924).

Tóm lại, chủ trương "Pháp-Việt Ðề Huề" của Phan Chu Trinh thật sự không phải là bài học để đời sau noi theo, mà nó chỉ là một kinh nghiệm thất bại để cho các thế hệ cách mạng nối tiếp nhận thấy rõ để tránh đi trên con đường ảo tưởng trong sự hợp tác với kẻ thù, mong kẻ thù ban bố ân huệ cho mình (!) Nhưng Phan Chu Trinh đã để lại một tấm gương hy sinh cao cả, không vụ lợi để cho các thế hệ sau noi theo. Sự hy sinh cho Tổ Quốc và Dân Tộc của Phan Chu Trinh thật vô cùng có ý nghĩa lịch sử, giống như câu nói lưu truyền muôn đời của Danton: "Không ai mang tổ quốc theo bên mình, dưới đế giày để vọng mãi bên tai những người đã đạt được trình độ làm chủ được mình, vì họ đã hiểu rằng sinh ra giữa dân tộc này trong giai đoạn lịch sử hiện nay, họ có nghĩa vụ phải hy sinh cả cuộc đời. Cuộc sống của họ là một cuộc sống phải hy sinh!"

 

Lê Tùng Minh

 

Chú Thích:

 

1. Xem "Quân Trị Chủ Nghĩa Và Dân Trị Chủ Nghĩa" - bài diễn thuyết của Phan Chu Trinh vào cuối năm 1925, tại nhà Hội Việt Nam (tức Hội Quán Thanh Niên Sàigòn).

2. Lúc này, Phan Bội Châu cùng các đồng chí của ông đang tích cực trù tính việc xuất dương (1915) để lo cho phong trào Ðông Du.

3. Bài thơ này nguyên văn bằng chữ Hán. Trên đây là bản dịch của báo "Thời Cuộc" số 169, ngày 24-3-1955. Bài "Chí Thành Thông Thái" được Phan Chu Trinh làm, nhân khi tới Bình Ðịnh, gặp lúc quan tỉnh khảo hạch học trò. Có nhiều bản dịch khác nhau về ngôn từ. Chúng tôi thấy bản dịch trên đây là sát ý, nghĩa rõ ràng nhất.

4. Phan Bội Châu: "Tự Phán", nhà xb Xuân Thu, Los Alamitos, California, USA, 1998, tr. 75.

5. Phan Bội Châu: "Tự Phán", đã dẫn, tr. 77.

6. Phan Bội Châu: "Tự Phán", đã dẫn, tr. 78

7. Phan Chu Trinh, thư gửi chính phủ Pháp, ngày 15-8-1906. Xem "Tài liệu tham khảo cách mạng cận đại VN", Tập III, nhà xb Văn Sử Ðịa, Hà Nội, 1958.

8. Phan Chu Trinh, "Thư gửi chính phủ Pháp", đã dẫn.

9. Ông Huber đã dịch bức thư này sang Pháp ngữ và cho đăng trên tạp chí Trường Viễn Ðông Bác Cổ vào năm 1907. Xem thêm bản quốc ngữ do ông Ngô Ðức Kế dịch, đăng trên "Tân Dân Tuần Báo" (24-3-1949).

10. Bài thơ này viết bằng chữ Hán và Phan Khôi đã dịch ra quốc âm (như trên)

11. Huỳnh Thúc Kháng: "Thi Tù Tùng Thư".

12. Huỳnh Thúc Kháng, đã dẫn

13. Phan Chu Trinh có 3 người con: hai gái, một trai. Chị cả là Phan Chu Liên, sau trở thành vợ của Ðốc học Lê Ấm, Chị hai là Phan Chu Lang, sau làm vợ của Kinh Lý Nguyễn Ðồng Hợi. Phan Chu Dật là con út.

14. Phan Chu Dật vào học trường Montparnasse, và nổi tiếng là học giỏi nhất lớp.

15. Sự việc này Phan Văn Trường có nói trong cuốn "Une histoire des Conoperateurs annamites à paris" ou La vérité sur L'indochine", nhà in Ðông Pháp - Nguyễn Kim Ðính, Gia Ðịnh, 1928. Xem chương X: "Nhà nho Phan Chu Trinh và nỗi thống khổ của ông."

16. Theo thư viết tay của trùm mật thám ở Paris - Paul Arnoux - gửi Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Pháp (thư đề ngày 22-11-1919) - Arnoux là Vụ Trưởng Vụ Tình Báo Chính Trị Ðặc Biệt kiêm Phó Giám Ðốc Tổng Nha Giám Sát Người Ðông Dương tại Pháp.

17. Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ai Quốc sau này).

18. Trương Duy Toản (1885-1957) làm thư ký tại văn phòng Khâm Sứ Pháp ở Cambodge, sau tham gia Việt Nam Quang Phục Hội, đi Châu Âu với Cường Ðể vào năm 1913, bị Pháp bắt giam ở Paris một thời gian rồi giải về nước. Ra tù, làm báo ở Sàigòn.

19. Tòng Lâm: "Cuộc Ðời Cách Mạng Cường Ðể" - Tôn Thất Lễ xuất bản, Sàigòn 1957, tr. 86. Có người cho rằng: "Phan Chu Trinh đã hiểu lầm nên Trương Duy Toản phải vào tù" ?

20. Theo "Hồ Chí Minh à Paris" của Thu Trang, Gaspard L'Harmattan - paris, 1992, tr. 41.

21. Phan Văn Trường "La vérité sur l'Indochine", đã dẫn, tr. 81.

22. Theo "Phan Chu Trinh..." của Thế Nguyên, nhà xb VHTT, sàigòn, 1998, tr. 39-40.

23. Theo Hứa Hoành, dẫn trong bài "Lễ quốc táng nhà cách mạng Phan Chu Trinh...", đăng trên bán nguyệt san Tự Do, Houston, Texas.

24. Phan Chu Dật về nước và chết trước khi Phan Chu Trinh ra tù (8-1915).

25. Theo Thế Nguyên, sách đã dẫn, tr. 40.

26. Sai Chiến Tranh Thế Giới II, M. Moutet làm Bộ Trưởng Bộ Nước Pháp Hải Ngoại (Bộ Thuộc Ðịa cũ)

27. Phan Văn Trường "La Vérité sur L'Indochine", đã dẫn, xem Chương X: "Nhà nho Phan Châu Trinh và nỗi thống khổ của ông".

28. Khánh Ký (tên thật là Nguyễn Ðình Khánh) là người tận tình giúp Phan Chu Trinhhành nghề sửa ảnh. Khánh Ký quê ở Nam Ðịnh, sang Pháp kinh doanh máy ảnh và dụng cụ nhiếp ảnh. Ông đã mở một hiệu ảnh ở Sàigòn (số 34 đường Bonard). Năm 1946, Khánh Ký đã qua đời tại Pháp, và nộ táng của ông được tọa lạc trong nghĩa địa Thoais Parisien (Paris).

29. Theo báo cáo ngày 8-1-1920, viên mật thám Jean cho biết: "Khách Ký và Phan Chu Trinh "cũng giúp đỡ ông Trường... làm trạng sư không có văn phòng nên không có nhiều thân chủ". Sau khi ra tù (7-1915), Phan Văn Trường vẫn còn ở lại trong quân ngũ, và làm thông dịch viên tại một Binh Công xưởng ở Toulouse cho đến hết chiến tran (1918).

30. Tên chính thức bằng tiếng Pháp là "Groupe Des Patriotes Annamites".

31. Nguyễn Tất Thành đã căn cứ vào bản chữ Pháp, viết than`h bản quốc ngữ, theo thể thơ lục bát với tựa đề là "Việt Nam Yêu Cầu Ca" để phổ biến trong dân chúng Việt Nam.

32. 7 tội đó có thể tóm tắt như sau:

     1 - Tôn bậy quân quyền

     2 - Lạm hành thưởng phạt

     3 - Ưa chuộng sự quỳ lậy

     4 - Xa xí quá độ

     5 - Ăn mặc không phải cách

     6 - Chơi bời vô độ

     7 - Sang Pháp chuyến này có sự ám muội

     (Xem bản dịch của Nguyễn Kim Ðính)

33 & 34.  "Thư Thất Ðiểu", đã dẫn theo bản dịch của Nguyễn Kim Ðính.

35. Phan Văn Trường: "La Vérité sur L'Indochine" (Sự Thật Về Ðông Ðương) đã dẫn.

36. Khoảng tháng 8-1920, Phan Chu Trinh xin gặp Albert Sarraut (Bộ trưởng Bộ Thuộc Ðịa) đưa ra mấy điều thỉnh cầu như: Cho người Annam được tự do buôn bán, nâng cao trình độ học vấn hơn đối với dân Annam... và ân xá tất cả chính trị phạm ở Côn Ðảo. Albert Sarraut hứa "sẽ suy nghĩ" nhưng rốt cuộc chẳng có thi hành điều thỉnh cầu nào của Phan Chu Trinh!

37. Xem bài "La plaisauterie de l'entente franco-annaite" (Thỏa Hiệp Pháp-Việt là một trò đùa) của Phan Văn Trường - La Cloche Félée, số ra ngày 22-4-1926.

38. Hoàng Xuân Hãn, trong lời tựa cuốn "Những Hoạt Ðộng Của Phan Chu Trinh Tại Pháp..." của Thu Trang, nhà xb Ðông Nam Á, Paris, 1983.

39. Chính P. Guesde đã sắp xếp cho Phan Chu Trinh vào làm công việc rửa và sửa ảnh tại triển lãm thuộc địa ở Marseille từ đầu năm 1921 (?).

40) Theo báo cáo của mật thám Désiré (26-6-1925), về nước, Trần Văn Khá gia nhập Ðảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu; và được thực dân Pháp đưa vào làm nghị viên Hội Ðồng Quản Hạt... Ðến năm 1951, Khá làm Bộ Trưởng Bộ Kinh Tế Quốc Gia (của chính phủ Quốc gia do Bảo Ðại làm Quốc Trưởng. Sau đó, Khá đi làm đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho đến ngày 6-8-1954.

41) & 42) Phan Chu Trinh đã nói trong bài thuyết trình về "chính sách đối với người bản xứ ở Ðông Dương" vào đêm 3-2-1925, do Hội LHPÐD tổ chức tại Hội quán Sociétés Savantes số 8 đường Danton (Paris). Theo Thu Trang, sách đã dẫn, trang 200.

43) Thu Trang, sách đã dẫn, trang 200.

44) Nguyễn An Ninh trở sang Pháp lần thứ tư (1-1925 -- 6-1925) nhằm mục đích mở chiến dịch đấu tranh tại Pháp để đòi "quyền Tự do cho người An Nam". Ông đã đi diễn thuyết nhiều nơi trên nước Pháp, và đã cho xuất bản cuốn sách của ông vừa viết xong (4-1925) tại Paris. Ðó là cuốn "La France en Indochine" (nước Pháp ở Ðông Dương), do nhà in A và F Debeaufauve Tournefort- Paris ấn hành 2000 quyển, phát hành tại Paris và chuyển về nước 150 quyển.

45) Khách sạn Chiêu Nam Lầu do chính bà Nguyễn Thị Xuyên (bí danh Chiêu Nam Lầu) là cô ruột của Nguyễn An Ninh, cùng bà Nguyễn An Khương (mẹ của Nguyễn An Ninh) tổ chức và cai quản, nhằm làm nơi liên lạc, đưa đón, học tập và an dưỡng các sĩ phu đương thời; còn là nơi đưa rước du học sinh sang Nhật trong phong trào Ðông Du. Ðịa điểm khách sạn tại số 49 Nguyễn Huệ ngày nay.

46) Theo Thế Nguyên, sách đã dẫn, tr. 50.

47) & 48) Trích nguyên văn trong bài "Ðạo Ðức Và Luân Lý Ðông Tây" của Phan Chu Trinh. Giải thích này của Phan Chu Trinh có hoàn toàn đúng hay không? Xin nhường lại cho các nhà đạo đức và luân lý học có ý kiến?

49), 50) & 51) Dẫn nguyên văn của Phan Chu Trinh.

52), 53) & 54) Trích nguyên văn, bài đã dẫn, của Phan Chu Trinh.

55), 56) & 57) Nguyên văn của Phan Chu Trinh, bài đã dẫn.

58) & 59) Nguyên văn của Phan Chu Trinh trong bài "Quân Trị Chủ Nghĩa Và Dân Trị Chủ Nghĩa".

60), 61) & 62) Nguyên văn của Phan Chu Trinh, bài đã dẫn.

63) Nguyên văn của Phan Chu Trinh, bài đã dẫn.

64) Nguyên văn của Phan Chu Trinh, bài đã dẫn.

65) Bùi Quang Chiêu vừa mới ở Pháp về tới Sài Gòn vào ngày 24-3-1926.

66) Hai người con gái của cụ Phan đã có mặt bên linh cữu của cha suốt trong những ngày này. Ðó là Phan Thị Châu Liên cùng chồng là Lê Ấm (giáo sư trường Quốc học Huế) và Phan Thị Châu Lan cùng chồng là Nguyễn Ðông Hội (tham tá công chánh).

67) Hai câu đối của Ðoàn Phụ Nữ Việt Nam. Nguyên văn chữ Hán như sau:

- "Vị quốc vong thân, trấp tãi bôn ba, thiên địa ải,"

- "Ðỉnh thân cứu thế, nhất xoang tâm huyết, quỷ thần kinh!"

68) Nên nhớ, Sài Gòn lúc này chỉ có số dân là 300.000 người. Vậy là 1/3 dân số Sài Gòn đã đi đưa tang cụ Phan Chu Trinh.

69) Nguyên văn chữ Hán như sau:

- "Thiên hạ quy chi, tổ chức dân đoàn suy đại lão"

- "Tiên sinh khứ lữ, đã phiên đế chế thị thùy nhân".

70) Như Phan Bội Châu đã viết trong cuốn Tự Phán của ông rằng: "Cụ với tôi vẫn đồng một mục đích, mà thủ đoạn thì khác nhau"... "Chính kiến vẫn trái nhau, mà ý kiến rất ưa nhau". "Cụ thì muốn đánh đổ quân chủ, mà cốt vun trồng lấy nền tảng dân quyền... Còn ý tôi thì trước muốn đánh đổ người Pháp, chờ lúc nước nhà độc lập rồi mới bàn đến việc khác."

(Sách đã dẫn, tr. 77, nhà xb Xuân Thu, Los Alamitos, CA, USA, 1998)

71) Bản lược dịch của Nguyễn Văn Ðính.

72) Xem bản dịch của Ngô Ðức Kế, đăng trên "Tân Dân Tuần báo", số 3, 24 tháng 3 năm 1949.

73) "Sự Thật Về Ðông Dương" (La varité sur L'indochine), chương X, sách đã dẫn.