SĨ PHU THỜI XƯA VÀ KẺ SĨ NGÀY NAY

CUỘC KHỦNG HOẢNG CỦA TRÍ THỨC VIỆT NAM

Lâm Lễ Trinh

 

LTS: Dưới đây là bài nói chuyện ngày 25.8.2002, có ghi âm, của Luật sư Lâm Lễ Trinh, Chủ bút tạp chí Anh-Pháp Human Rights / Droits de l’Homme, theo lời mời của Viện Việt Học, Institute of Vietnamese Studies, tại 15355 Brookhurst Street, Westminster, Orange County, Californie.

Thưa Quý vị,

Thưa các thân hữu,

 

Tôi thành thật cám ơn ông Viện trưởng Nguyễn Khắc Hoạch về những lời giới thiệu và đa tạ Viện Việt Học đã dành cho tôi cơ hội đến đây chia xẻ với các bạn, trong một bầu không khí gia đình, vài ý kiến thô thiển về một đề tài nóng bỏng trong hiện tình của Đất nước: “Cuộc khủng hoảng của Trí thức Việt Nam.” Đề tài này nung nấu từ lâu trong tâm tư của chúng ta nên cần được phân tích một cách cởi mở và không mặc cãm.

Vì còn phải dành thời giờ cho cuộc thão luận sau phần trình bày này nên tôi xin đi thẳng vào câu chuyện được chia thành ba phần chính:

I – Định nghĩa Trí thức, Khoa bảng, Chuyên viên và Sĩ phu.

 

Dịch từ chữ intellectuel trong từ điển Pháp. “Trí thức” là “người quan tâm đến công việc não bộ vì thị hiếu hay vì nghề nghiệp”. Theo học giả Trung quốc Hồ Thu Nguyên thì “trí thức là người hiểu trước, biết trước (tiên tri, tiên giác) rồi đem sự học hỏi của mình công hiến cho tiến bộ nhân loại, xã hội và dân tộc.” Hy lạp cổ xưa dùng danh từ triết gia (philosopher) hay ngụy biện gia(sophist) trong khi La Mã thì gọi trí thức là nhà tư tưởng (idéologue). Trung hoa còn áp dụng cho trí thức nhiều danh xưng khác như Nho, Sĩ, Thánh, Hiền, Văn nhân hay “Độc thư nhân” (người đọc sách).

Phác họa một hình dạng rõ rệt cho con người trí thức phức tạp hơn việc định nghĩa. Có cấp bằng hay tự học (autodidacte) đều có thể được coi là trí thức. Trong sử sách, nhiều bậc Thầy không có bằng cấp chi hết. Mặt khác, người trí thức không bị buộc phải thuộc giai cấp, tuổi tác hay phái tính nào, có mức sống ra sao hay làm nghề nghiệp gì. Tại các nước chậm tiến, tùy trình độ địa phương, những phần tử, với sức học bổ túc, vẫn được tôn xưng là trí thức.

Chữ “intellectuel” không tìm thấy trong tự điển Larousse 1866-1878 hay Đại Bách khoa 1885-1902. Trong quyển Vocabulaire Philosophique của Lalande chỉ thấy ghi intellectualisme mà thôi. Năm 1906, một số chính trị gia và văn nhân tại Pháp gồm có Léon Blum, Émile Zola, Anatole France, Daniel Halévy… ký chung một đơn khiếu nại đòi phục hồi danh dự cho cựu Đại úy gốc Do thái Dreyfus bị kết án sai. Thủ tướng George Clémenceau gọi văn kiện này “Bản tuyên ngôn của các người trí thức - Le Manifeste des Intellectuels ”. Kể từ đó, danh từ intellectuel trở nên thông dụng.

Dù sao, vấn đề trí thức vẫn có từ ngàn xưa nhưng luôn luôn gắn liền và biến đổi với lịch sử. Đúng vậy, dân tộc nào cũng có tạo ra một mẫu người lý tưởng, dưới danh xưng khác nhau và do bản tính hay hoàn cảnh địa lý hun đúc nên. Ví dụ: Quân tử ở bên Tàu, Chính nhân L’honnête homme ở Pháp, Võ sĩ Samourai ở Nhựt, nhà thánh thiện Mahatma ở Ấn Ðộ, Người thanh lịch Gentleman tại Anh quốc, Siêu nhân Superman ở Đức, Hiệp sĩ Chevalier ở La Mã, nhà Hiền triết hay Le Sage ở Hy Lạp, người cán bộ Apparatchik ở Nga, nhà Kinh tài Businessman ở Mỹ… Còn đối với dân tộc ta, mẫu người lý tưởng thường được gọi là Trai Anh Hùng, Gái Hào Kiệt.

Người trí thức Việt Nam, theo quan niệm cổ truyền, cần có căn bản học thức vững, không ngừng học hỏi và xử thế theo đạo lý, nghĩa là sáng suốt phân biệt đúng sai và phải trái. Yếu tố “tác phong” được xếp vào hàng đầu trong xã hội VN vốn trọng đạo đức. Người trí thức chính danh không trung lập trước cái thiện và cái ác. Không khiếp nhược nín lặng khi phải lên tiếng phản đối vì nín lặng cũng là một ý kiến, một thái độ. Thái độ của kẻ hèn. Khoa bảng hay chuyên gia, với túi đầy bằng cấp, mà bất xứng thì không được xem là người trí thức. Danh từ cao quý “trí thức” lắm khi bị bôi bẩn bởi những người ngụy trí thức, trí thức thời cơ, trí thức tháp ngà, trí thức yếm thế, trí thức trưởng giả xa-lông.

Sĩ phu ở một cấp cao hơn trí thức trong lòng quý mến và kính nể của quần chúng vì họ dấn thân cho đại nghĩa, không màng lợi danh và luôn luôn gắn liền sinh mệnh cá nhân với sự tồn vong của Đất nước. Sự khác biệt giữa khoa bảng, chuyên gia, trí thức và sĩ phu là sĩ phu chẳng những có học vấn căn bản (schooling) và giáo dục bản thân (education) - như ba nhóm kể đầu - mà còn có thêm quyết tâm sống chết cho chính nghĩa quốc gia (nationalist engagement / nationalist dedication), Tại triều đình, thời vua chúa, kẻ sĩ đứng hàng thứ năm sau các tước: khanh, tướng, thượng đại phu và hạ đại phu nhưng trong dân gian, kẻ sĩ được xếp hạng trên ba giới nông, công và thương.

Theo khoa bói toán cổ xưa, phần tử trí thức có giỏi vẫn thua người số tốt, vận tốt, mồ mả tốt và âm đức tốt (Nhất mệnh, Nhị vận, Tam phong thủy, Tứ âm công, Ngũ độc thư). Kẻ sĩ không để cho sự mê tín lung lạc. Cuộc đời như một mảnh lụa đào trinh bạch. Con người là nghệ sĩ, vẽ tùy thích nhưng phải gánh trọn trách nhiệm về bức họa do mình tạo ra.

Khi thầy Tử Lộ hỏi thế nào là kẻ sĩ, Khổng Tử đáp: "Trước hết, phải có biết xấu hổ khi làm điều quấy. Thứ đến, hiếu thảo với mẹ cha và chung thủy với bạn bè. Sau cùng, kết hợp tư duy và hành động, sự biết và cách sống". Đức Khổng còn vẽ ra một road map bốn giai đoạn cho kẻ sĩ noi theo: tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ (tức rèn luyện bản thân, quản trị tốt gia đình, ổn định xứ sở và phục vụ thế gian). Trong xã hội dân sự văn minh ngày nay kết hợp chính trị, văn hóa, kỹ thuật và kinh tế một cách phức tạp, cái lộ trình cổ điển vừa nói còn giữ nguyên giá trị.

II – Những giai đoạn kế tiếp đưa trí thức VN vào khủng hoảng

A – Thời mất chủ quyền .

 

Trong chiều dài lịch sử, văn hóa và tư tưởng Việt Nam tiếp nhận sâu đậm ảnh hưởng của ngoại bang. Điều này dễ hiểu vì, về địa lý chính trị, nước ta nằm ở ngã tư nhiều nền văn minh Á Châu và mặt khác, từng bị Trung Hoa và Pháp đô hộ khá lâu. Tuy nhiên, sự tiếp nhận vừa nói không thụ động và không máy móc. Dân tộc Việt luôn luôn cố gắng cải biến, mô phỏng, sáng tạo và vươn ra ngoài khuôn khổ kềm tỏa của các đế quốc thống trị.

Trong số cự tướng của nền văn hóa quốc gia thuộc giai đoạn này, Nguyễn Công Trứ tiêu biểu xứng đáng mẫu sĩ phu lý tưởng Việt Nam vào đầu thế kỷ XIX. Đúng vậy, ông là người đầu tiên diễn đạt rõ ràng quan niệm nhân sinh của kẻ sĩ trong một bài hát nói gồm 31 câu bất hủ và ông cũng là tác giả của bản điều trần Thái bình Thập sách đề nghị năm 1813 lên vua Gia Long mười biện pháp bảo quốc an dân. Với khả năng đa dạng, tinh thần bách nghệ, bản sắc anh hùng, tác phong tài tử, phong thái hàn nho và trên hết, một hoài bão sắt đá phục vụ dân và nước, Nguyễn Công Trứ đã vượt qua mọi trở ngại dựng lên bởi cái học Tống nho từ chương và hình thức của đời Lê. Không kiêu khi đắc thắng, không nản lúc sa cơ, ông bình thản trong mọi bối cảnh: hàn vi, xuất chính hay ẩn dật, và thực hiện được gầân như tuyệt hảo tri và hành, viết và sống.

Đặc điểm khác là khi xây dựng mô hình kẻ sĩ VN dưới nhiều ảnh hưởng Đông phương như thuyết chính khí của Chu Hy, chủ trương “danh thành thân thoái” của Lão Tử, tinh thần tùy thời, tự cường của Dịch Lý và đường hướng thực dụng của phái Minh Nho, Nguyễn Công Trứ – trong cương vị văn hào hay danh tướng - luôn luôn tỏ ra là một mẫu người mang nặng dân tộc tính Việt Nam: phóng khoáng, lãng mạn, yêu đời và tiến bộ.

B – Thời kháng Pháp (1858-1945)

 

Trong giai đoạn này, các phong trào Cần Vương, Văn Thân, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân, Quang Phục..v..v.. nở rộ để chống thực dân. Bằng võ trang, ngoại giao và văn hóa.

Về quân sự, nhiều anh hùng đã khí phách nêu gương tử tiết: Nguyễn Tri Phương (nhịn đói đến chết), Hoàng Diệu (tự thắt cổ), Trần Bích San (nuốt giấy tự vẫn), Nguyễn Cao (rạch bụng), Phạm Hồng Thái (mang bom trong mình).

Về đối ngoại, sứ thần Phan Thanh Giản đã tuẫn tiết khi thất bại điều đình với Pháp lấy lại 3 tỉnh miền Tây Nam phần; Nguyễn Trường Tộ kiên nhẫn gởi cho đến chết điều trần lên vua xin cải cách; Bùi Viện qua Mỹ năm 1873 và 1875 gặp Tổng Thống Ulysse S.Grant để cầu cứu chống Pháp; Nguyễn Tư Giản sang Trung hoa và Đức quốc xin giúp đỡ.

Khi thấy thế địch quá mạnh không thể giải quyết bằng quân sự, giới sĩ phu thay đổi chiến lược, gia nhập khuynh hướng “Tân trào” và chấm dứt việc bất hợp tác để tìm hình thức và phương tiện chống đối khác. Thời kỳ này, đế quốc Pháp đưa vào Việt nam khoa học kỹ thuật, những tiện nghi vật chất, tư tưởng mới của Tây phương và tiếng Quốc ngữ.

Văn hóa và Giáo dục trở nên hai khí cụ và mục tiêu đấu tranh hệ trọng để hun đúc dân trí. Nhiều văn nhân như Nguyễn Văn Vĩnh, Trương Vĩnh Ký, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục... dốc hết tâm trí vào công tác truyền bá Tây học trong khi những sĩ phu khác chủ trương xây dựng nền tảng Việt văn trong nhiều lãnh vực: báo chí và nghiên cứu (Phạm Quỳnh với tạp chí Nam Phong), biên khảo học thuật tư tưởng Á Đông (Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Trọng Thuật, Lê Dư…), cổ văn và sử nước nhà (Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Trọng Thuật...), sách giáo khoa (Phạm Thế Ngữ, Trần Trọng Kim,...), thi phú (Á Nam Trần Tuấn Khải, Tương Phố, Đông Hồ Lâm Tấn Phát...)

Năm 1925 đánh dấu một khúc quanh chính trị tại Việt Nam. Đảng Xã hội Cấp tiến của Edouard. Herriot nắm quyền tại Pháp cho phép Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh trở về nước. Phan Bội Châu là lãnh tụ của Việt Nam Quang Phục (hội kín), tác giả hai lời kêu gọi quốc dân danh tiếng Lưu Cầu Huyết Lệ (1904) và Hải Ngoại Huyết thư (1906) cổ võ “tôn quân, thảo tặc”, tức đưa Kỳ Ngoại Hầu Cường Để lên làm vua, giết giặc Pháp, đồng thời đẩy mạnh Phong trào Đông Du để đào tạo cán bộ và cầu viện. Phan Châu Trinh là người đã từng viết thơ kết tội bảy điều vua Khải Định (1922), lãnh đạo Phong trào Duy Tân, và vận động “tôn dân, đồ vua” tức quý dân, thí vua, bằng cách dựa vào Pháp để lập nền dân chủ và thực hiện tiến bộ.

Vào thời ấy, tại VN có bốn xu hướng chính trị hệ trọng: 1- Quân chủ Lập hiến, chủ trương bạo động, của Phan Bội Châu, ủng hộ Cường Để. 2- Quân chủ Lập hiến, ôn hòa, của Phạm Quỳnh, dựa vào Nam triều, quan trường và chính phủ thuộc địa, ủng hộ Bảo Đại. 3- Cộng hòa Dân chủ của Phan Châu Trinh, với chương trình “hậu dân sinh, chấn dân khí, khai dân trí” và 4- Trực trị của Nguyễn Văn Vĩnh, chủ trương dẹp Nam triều, dựa vào Pháp và nhóm trí thức Âu hóa.

C – Thời các Chính phủ Quốc gia tại Miền Nam VN (1954-1975)

 

Để chống lại duy vật biện chứng Các Mác, ông Ngô Đình Nhu, cố vấn của Tổng thống Ngô Đình Diệm, trang bị tinh thần miền Nam với hệ thống tư tưởng Nhân vị - Personnalisme, một học thuyết công giáo cấp tiến, đại diện bởi triết gia Emmanuel Mounier, linh mục Lebret, học giả Jacques Maritain… và phát xuất tại Pháp từ 1908 dưới danh xưng Volontarisme, Humanisme… Ngày 2.9.1954, đảng Cần Lao ra đời, chủ trương cải tổ xã hội theo mô hình “nhân vị, cộng đồng, đồng tiến”. Theo Chính cương của Cần Lao, Đảng và Xã hội là phương tiện để phụng sự con người, chính con người mới là cứu cánh.

Trong quyển hồi ký “Nhân chứng một chế độ”, tập ba, phát hành năm ngoái, nơi trang 208-220, tác giả Huỳnh Văn Lang, nguyên Bí thư Liên kỳ bộ Nam Bắc Việt Cần Lao, kể lại những tranh chấp nội bộ của tổ chức này về quyền hành và trách nhiệm vì thiếu sự lãnh đạo sít sao từ trung ương đến địa phương. Cái sai lầm quan trọng nhất là đưa đảng phái vào Quân đội, làm tan rã kỷ luật đặt trên hệ thống quân giai. Cuối năm 1957, Liên kỳ bộ bị giải tán. Đảng Cần Lao gây tai tiếng. Một số tướng lãnh gốc Cần Lao đã bắt tay với Hoa Kỳ lật đổ Đệ nhất Cộng hòa và hạ sát anh em Tổng thống Diệm ngày 2.11.1963.

“Đảng kaki” (để dùng ngôn từ của tướng Nguyễn Cao Kỳ) khai sinh Đệ nhị Cộng hòa trong tình trạng hỗn loạn với những vụ đảo chính, chỉnh lý nội bộ liên miên cho đến khi TT Nguyễn Văn Thiệu thật sự tóm thu mọi quyền bính trong tay. Tại Bắc Việt, đảng CS chỉ huy Quân đội. Tại miền Nam, Thiệu chỉ huy Quân đội lẫn đảng Dân chủ, một tổ chức hữu danh vô thực do Thiệu lập ra để tái ứng cử. Quân đội không có tính chất đảng nên chống cộng trên chiến trường mà bỏ ngõ đấu tranh chính trị. Chế độ quân phiệt không chấp nhận sự phê bình của giới trí thức. Trí thức hoàn toàn bất lực. Vận mạng của Miền Nam do một tay TT Thiệu quyết định năm 1975 trong vụ rút quân khỏi Cao Nguyên và miền Trung.

D –Cộng sản nắm quyền sau Hiệp ước Genève (1954) và Hiệp định Paris (1973)

 

Sau khi đất nước chia đôi, CS hưởng một số lợi thế: Bắc Việt thuần nhất hơn miền Nam về chính trị, không chia rẽ nội bộ, đảng kiểm soát chặt quần chúng, Nga Tàu và khối xã hội chủ nghĩa ủng hộ hết mình Hà Nội, đặc biệt Đảng có kinh nghiệm lãnh đạo và chiến đấu, với hai mục tiêu rõ rệt: chống thực dân và căm thù giai cấp. CS đã mượn danh nghĩa dân tộc để tiêu diệt đối lập chính trị gồm có 2/3 giới trí thức Bắc Việt (xử tử, lưu đày, tẩy não..), các đảng phái quốc gia rời rạc và đặc biệt, nhóm Trotskyist Đệ tứ quốc tế (Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trẩn Văn Thạch.., phần đông gốc miền Nam) mà chúng xem như những đối thủ nặng ký nhất.

Việt Nam thống nhất năm 1975. Tuy xính vín với sự sụp đổ của Nga Sô và khối chư hầu Đông Âu, CSVN tuyên bố vẫn trung thành với xã hội chủ nghĩa, mặt khác cố gắng tồn tại bằng cách “đổi mới” kinh tế và mở rộng đối ngoại. CS ngày nay bị đặt trước một sự chọn lựa: “Theo Mỹ thì rã Đảng, theo Tàu thì mất Đất”. Đúng vậy, nếu áp dụng thẳng thừng bản Hiệp thương ký năm ngoái với Hoa Kỳ thì phải chấp nhận pháp trị, quyền tư hữu, các tự do căn bản và sau đó, đa nguyên, tức là đảng sẽ tiêu ma. Còn muốn giữ đặc quyền thì chỉ còn có cách tùng phục Bắc Kinh, hiến đất và dâng biển. Hà Nội đã u mê chọn giải pháp thứ hai.

III – Cuộc khủng hoảng hiện tại của trí thức Việt Nam

 

Tổng dân số VN nay vượt đến gần 80 triệu, trong đó trên ba triệu đi tìm tự do tại trên 70 quốc gia, 60% hiện sinh sống ở Hoa Kỳ. CS đã thực hiện một cuộc biến động lịch sử vô tiền khoáng hậu, thay bậc đổi ngôi trong xã hội và xáo trộn mọi ức đoán.

Trời làm một trận lăng nhăng

Ông xuống làm thằng, thằng lại lên ông.

Trong bài “Đôi điều suy nghĩ của một công dân”, Hà Sĩ Phu chán ngán nhận xét: “Dân tộc phải đương đầu với một cuộc tổng khủng hoảng nhân cách. Xã hội đang lộn ngược do thang giá trị bị lộn ngược. Chủ nghĩa vô hồn tạo ra một khoảng trống ghê rợn. Về văn hóa, lý tưởng và nhân cách”.

Công bằng mà nói, yếu tố CS chỉ làm trầm trọng thêm một tình trạng suy đồi tích lũy từ lâu. Xã hội VN đã tiếp nhận nhiều ảnh hưởng tiêu cực trước và sau cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa:

1 – Qua một ngàn năm đô hộ, đế quốc Trung hoa đã thành công đào tạo tại VN một lực lượng hũ nho bạc nhược, phản động và thoái hóa, với lối học cử nghiệp, thiếu óc sáng tạo. Lớp người này quan niệm vũ trụ, nhân sinh và luân lý một cách hẹp hòi và kém khoa học.

2 - Tiếp theo, dưới chế độ thuộc địa kéo dài một thế kỷ, thực dân Pháp cũng huấn luyện được – như cụ Huỳnh Thúc Kháng đã viết trong bài tựa “Phan Tây Hồ Lịch sử “ – “một bọn Âu học đầu lưỡi, cũ không ra cũ, mới chẳng ra mới, giơ gạc vênh sừng, chia nhà cắt ngõ, chống chỏi nhau mà không sao hiệp lại làm một được”.

3 – Sự hấp thụ quá độ hay sai lầm các trào lưu, tư tưởng “cấp tiến” Tây phương cũng gây tỗn hại không ít. Tuy có phần nào suy yếu sau 1954, văn hóa Pháp vẫn còn ảnh hưởng mạnh giới trí thức Việt, ít nữa cho đến 1975. Mặc dù Hoa Kỳ can thiệp vào VN bằng quân sự trên hai chục năm , văn hóa Mỹ không đâm chồi mọc rễ sâu trên đất nước chúng ta vì những dị biệt tâm lý và truyền thống.

Thập niên 60-70, triết học phương Tây phát triển mạnh ở miền Nam. Triết lý hiện sinh của Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Merleau Ponty, lý thuyết phi lý (théorie de l’absurde) của Albert Camus, trường phái cấu trúc (structuralisme) với R Barthes, Lévi-Strauss, trào lưu nhân vị (personnalisme) của Emmanuel Mounier... đã lưu lại những dấu vết sâu đậm trên tâm khảm của cả một thế hệ nhà văn và học giả Việt. Các tư trào đó không dễ tiêu hóa, lắm khi trở thành mode thời thượâng và ảnh hưởng tiêu cực tới sinh viên, trí thức và lan qua văn nghệ. Hảy đọc lại những trang tiểu thuyết của nhóm Sáng Tạo ướt đẫm rượu hiện sinh với những nhân vật sống vật vờ, không lý tưởng tại các phố phường, sàn nhảy, phòng trà một cuộc đời trừu tượng, vô nghĩa và bế tắc.

4 – Với Chiến tranh bấp bênh và dai dẳng, xuất hiện một thế hệ sống trác táng và thác loạn. CS Bắc-Việt thừa cơ xâm nhập giới viết văn, làm báo và sáng tác âm nhạc tại Miền Nam, tạo ra phong trào phản chiến, ngụy hòa, ủy mị, ru ngủ quần chúng với “tiếng sáo Trương Lương.” Chính phủ quân nhân đương nhiệm không có đủ bản lãnh và kinh nghiệm để chận đứng chiến dịch tuyên truyền-phá hoại agit-prop này của địch. Thêm vào đó, sự hiện diện của Quân đội Mỹ và Đồng minh nuôi sống vô số hộp đêm, khuyến khích nạn mãi dâm và buôn lậu. Xã hội miền Nam là một con bệnh nặng, về thể chất lẫn tinh thần, trước ngày sụp đổ toàn diện.

5 – Mao Trạch Đông từng tuyên bố: “Trí thức không giác ngộ chủ nghĩa Mác Lê thì giá trị kém hơn cục phân”. Theo gót đàn anh, CSVN triệt hạ tư tưởng trưởng giả và chống đối trong giới trí thức VN qua nhiều chiến dịch: 1946-1954, để tẩy sạch ảnh hưởng văn hóa Pháp duy tâm, lãng mạn, nghệ thuật vì nghệ thuật; 1954-1956, dưới hình thức Cải cách ruộng đất; 1956-1960, để đánh trí thức và văn nghệ sĩ tiểu tư sản; 1986-1989 trong vụ gài bẫy văn hóa Trăm Hoa Đua Nở. Vừa thống nhất, năm 1975, VN trở nên một trại goulag khổng lồ, sôi sục hận thù, nghiền nát nhân phẩm. Chuyên chính đã giết chết ngẫu hứng và sáng tạo. Mặt khác, chính sách giáo dục ngu dân, “bứng gốc trồng người (vô sản) ” và chủ trương “hồng hơn chuyên” của Hồ Chí Minh đã hủy hoại trí óc của ít nửa ba thế hệ thanh niên.

Dưới chế độ hiện tại, đất nước gánh chịu hai tai ương khủng khiếp: tai ương tư tưởng chính trị ngoại lai Nga-Tàu và tai ương CS đảng trị nội xâm. Bởi thế, trong xứ, dân tình chán nản, dân trí lụn bại và dân khí suy vi.

 

o0o

 

Hướng về tương lai.

 

Người dân Việt nói chung, trí thức nói riêng, rất hãnh diện về xứ sở, gốc gác và gia đình của mình. Họ không có óc phiêu lưu, càng không thích di cư. Nay hoàn cảnh bắt buộc họ phải bất chợt thay đổi cách sống, quốc tịch, môi trường và lắm khi luôn cả lý lịch tại một đất nước mới. Sự đổi đời này gây ra một địa chấn về tinh thần, không thể tẩy xóa được hậu quả. Ít nữa đối với thế hệ di cư đầu tiên.

Như những cây trốc gốc đem trồng lại nơi phong thổ xa lạ, người trí thức VN hải ngoại đang sa vào một cơn khủng hoảng trầm trọng. Nơi đa số chọn làm đất dung thân, Hoa kỳ, là một thế giới tạp chủng và đa văn hóa, khác ngôn ngữ và truyền thống dị biệt. Một terra incognita. Nền văn minh nước Mỹ năng động, dựa vào sức mạnh của khoa học kỹ thuật, cởi mở, đề cao dân chủ và nhân quyền nhưng cũng thực tế tàn nhẫn, cạnh tranh không khoan nhượng, lỏng lẻo về gia đình, vinh danh cá nhân và thường lấy sự thành công vật chất để đánh giá con người. Ở Đông phương, văn hóa tạo sức mạnh. Tại siêu cường Hoa kỳ, sức mạnh tạo ra văn hóa, văn hóa của sức mạnh, đang thay đổi bộ mặt của địa cầu.

Bởi thế, dễ hiểu vì sao trí thức VN hiện hoang mang về ngày mai của đất nước, hoài nghi chính mình, ngờ vực luôn cả xã hội nơi dung thân vì những giá trị tinh thần, đạo lý và cách mạng yêu nước đều bị cơn bão táp chính trị quay cuồng đảo lộn.

Trong tap chí Foreign Affairs, Gs Samuel Huntington, thuộc đại học Harvard, đã hữu lý nói đến “ sức va chạm giữa các nền văn minh - the shock of civilizations”. Con người trí thức Việt cảm thấy mình chỉ là hạt cát trong cơn lốc toàn cầu. Đến nay, phần lớn sáng tác của ngành văn học lưu đày mang tính chất yếm thế và tiêu cực. Một danh từ mới “văn học tuyệt vọng, littérature du désespoir” được đem ra áp dụng.

Thái độ vừa nêu chỉ là một tâm trạng, chưa biến thành một trào lưu, may thay. An phận, cam chịu, thờ ơ, chán nản hay bất mãn thụ động, đều không phải là những thái độ thích ứng. Thật vậy, kẻ sĩ VN trải qua nhiều thử thách, phạm nhiều lầm lở nhưng cũng đã cống hiến không ít cho đại cuộc. Với ý chí tìm một xuất lộ cho Đất nước, người trí thức chân chính quyết không từ bỏ trách vụ tiền phong, dù biết trước sẽ bị bạc đãi và đày ải.

Để dành thế chủ động chính trị trong nước, cần gấp xây dựng lại sức mạnh của trí thức, bằng cách tôn trọng và khai thác triệt để các giá trị đa dạng của giới này. Ngày nay, trí thức đã nhận thức được những nhu cầu thực tiển và cấp thời của xứ sở trong đó có việc chấn hưng đạo đức, tái lập công lý xã hội và xây dựng pháp trị.

Cuộc đấu tranh sẽ chuyễn hướng khi hàng ngũ trí thức tâp hợp chặt chẽ trong và ngoài nước để hành động. Khối di cư Việt hiện có tiềm năng tài chính khá dồi dào, đặc biệt một kho chất xám 300.000 chuyên viên, thuộc đủ mọi ngành, được huấn luyện trong tự do, dân chủ. Những tiềm năng ấy chưa được tận dụng theo một kế hoạch hợp lý đề dân chủ hóa đất nước. Còn nhiều phí phạm đáng tiếc.

Mặt khác, cần sớm lấp bằng cái khoảng cách thế hệ và tạo cho giới trẻ một tinh thần sĩ phu, không để họ mất gốc hay vọng ngoại, hãy đưa họ về với dân tộc VN. Họ là hạt nhân, chất men và ánh sáng trong công cuộc quang phục Quê hương. Là những luồn gió thoáng, họ sẽ quét sạch ám khí CS phủ lên trên giang san gấm vóc Việt Nam.

Dân tộc thức tỉnh, Đất nước mới hồi sinh. Đoàn kết tạo đồng tâm, biến chiến hữu thành đồng chí. Đoàn kết tuy khó, không phải là vấn đề nan giải nếu tất cả coi trọng sự sống còn của xứ sở, nếu mọi người không luôn luôn dành làm cái đầu và có nhiều người tình nguyện làm cái đuôi. Nếu mỗi người chiụ khó nghe và làm, thay vì chỉ nói và bàn suông, tri hành bất nhất.

Chúng ta hãy tự vấn: CS đoàn kết được để phản bội dân tộc và hủy hoại toàn diện hệ thống giá trị của xứ sở. Tại sao người quốc gia, thường tự cho là nắm chính nghĩa trong tay, lại không đoàn kết được để đấu tranh? Phải chăng chính chúng ta đã làm cho chúng ta mất nước? Phải chăng sự chia rẽ giữa chúng ta đã tạo sức mạnh cho CS? đang giúp CS sống cầm hơi?

Ngoài những điều lếu láo phát ngôn trọn đời, Hồ Chí Minh có nói một câu ít nữa nghe được: “Có Dân là có tất cả.” Nhưng làm thế nào thu phục và giữ được lòng dân? Thành công trong tương lai tùy thuộc vào cách giải đáp đúng câu hỏi này. Chế độ, đảng phái, học thuyết chính trị... chỉ là những viên đá lót đường cho Lịch sử. Tất cả đều phù du. Dân mới bất diệt, Dân mới trường cửu. Dân thiếu lãnh đạo là một cái xác không hồn. Còn lãnh tụ mà không có dân thì không khác gì một cái đầu không có thân xác.

Thuở trước, các bậc tiền bối đã nêu gương sáng cho chúng ta: Khi Phan Khôi tranh luận với Trần Trọng Kim về Nho giáo, Ngô Đức Kế phản bác chính kiến của Phạm Quỳnh, hay Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu “hòa nhi bất đồng”, họ luôn luôn tự chế, lễ độ và tương kính, bất đồng nhưng không bất hòa. Đối với họ, quốc gia là cứu cánh, dân tộc là đối tượng, ngoại xâm mới là kẻ thù chung, kẻ thù duy nhất.

Đoàn kết sẽ chấm dứt “hội chứng chờ đợi” (người này đợi kẻ khác phất cờ khởi nghĩa!). Đoàn kết cũng sẽ xóa bỏ “dị ứng tổ chức “ một cơ cấu đấu tranh có uy tín, có lãnh đạo, cán bộ, kỷ luật và kế hoạch dân chủ hóa VN.

Để kết luận, không ai đương nhiên là trí thức. Không ai bỗng nhiên trở thành sĩ phu. Sĩ phu là một sự chọn lựa đúng lý tưởng, một quyết tâm dấn thân phục vụ, đầy gian khổ, ít vinh quang.

Như con tằm nhả cho hết tơ mới chết, như cây nến cháy cho tận bấc, lệ mới hết tuôn rơi: Đó là thân phận của người sĩ phu yêu nước, theo hai câu thơ của Lý Thương Ẩn:

“Xuân tàn đáo tử ti phương tận,

Lạp cự, thành hội lệ thủy can”

 

Xin cám ơn sự chú ý của các bạn,

LÂM LỄ TRINH

 Ngày 25.8.2002,

 Thủy Hoa Trang, Californie

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Nho giáo, Trần Trọng Kim, nxb Xuân Thu 1990

- Văn học sử thời kháng Pháp (1858-1945), Lê Văn Siêu, nxb Xuân Thu, 1991

- Tình tự dân tộc, Võ Thu Tịnh, nxb Xuân Thu 1999

- Thân phận trí thức, Vũ Tài Lục, nxb Xuân Thu 1990

- Dăm ba điều nghĩ về Văn học Nghệ thuật, Trần Hồng Châu, nxb Văn Nghệ 2001

- Vietnam, NOW, David Lamb, Public Affairs, New York, 2002

- Nhân chứng một chế độ, tập ba, Huỳnh Văn Lang, tác giả xuất bản, 2001

- Sức mạnh của Văn hóa - Văn hóa của Sức mạnh, Lâm Lễ Trinh, tạp chí HNNV, 1999

- Hồ sơ Đệ tứ Quốc tế VN, tập 1, Tủ sách Nghiên Cứu, Paris, 2000

- Việt Nam: Đệ Ngũ Thiên Kỷ, Một nhóm thức giả, nxb Trung Tâm VHVN, 1994