ĐỌC “DẠ KÝ”
CỦA PHÙNG CUNG

 

Nguyễn Minh Cần

 

     Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần truyện “Dạ Ký” với một hứng thú đặc biệt, vì cảm nhận được tầm nhìn sâu sắc cũng như tài nghệ viết văn trào phúng của Phùng Cung. Có lẽ, những ai đã từng sống dưới chế độ độc tài toàn trị ở miền Bắc, nhất là ở Hà Nội, hồi những năm 1954-1960 đều dễ dàng cảm nhận chất trào lộng, thậm chí châm biếm cay độc, của truyện này và càng thấy rõ sự can trường hiếm có của nhà văn khi dám động đến những “chuyện chết người”.

     Hẳn bạn đọc còn nhớ mấy câu thơ trong bài “Lời Mẹ Dặn” của Phùng Quán nói về thân phận nhà văn dưới chế độ độc tài của Đảng cộng sản (ĐCS):

     “Người làm xiếc đi dây rất khó

     Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn

     Đi trọn đời trên con đường chân thật”.

     Thế nhưng, làm nhà văn trào phúng, nhà văn châm biếm muốn “đi trọn đời trên con đường chân thật” dưới cái chế độ chuyên chế tuyệt đối “thời đại Hồ Chí Minh” thì chẳng những khó mà còn cực kỳ nguy hiểm! Nhà văn trào phúng đó chẳng khác gì người nghệ sĩ múa chân trần trên những lưỡi gươm trần sắc bén, chỉ sẩy chân một tí là... máu chảy đầu rơi. Dĩ nhiên, đây không nói đến đám nhà văn trào phúng viết theo “đơn đặt hàng” của Đảng – họ tha hồ múa may quay cuồng trên bục gỗ trải thảm rất êm.

     Thực ra, Phùng Cung không hề ghi rõ “Dạ Ký” là truyện trào phúng – chắc anh có lý do riêng – và trong truyện anh cứ... tự để cho cái “vô thức” (hay “tiềm thức”) của mình dẫn dắt anh theo mê lộ của cơn mộng mị giữa đêm hè oi bức. Nhưng dẫu sao chăng nữa, chất trào lộng vẫn đầy rẫy trong truyện, tuy rằng nó không gây cho người đọc những chuỗi cười giòn giã, mà chỉ gợi lên những nụ cười khẩy chua chát đầy khinh bỉ, lắm khi cười ra nước mắt.

Phùng Cung viết truyện này (1959) vào lúc anh đang bị đình chỉ công tác, sau trận đấu đá tơi bời vì truyện “Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh” đăng trên báo Nhân Văn. Anh viết đúng vào lúc kẻ cầm quyền đang chuẩn bị bắt anh vào tù (1960) mà có lẽ anh cũng không ngờ. Phải nói rằng, viết truyện trong những điều kiện như vậy, anh phải đem hết cái tài nghệ khéo léo của mình, từ việc bố trí câu chuyện đến cách hành văn, phải cân nhắc từng câu, từng chữ, từng chi tiết nhỏ, phải khéo “tung hoả mù”, trộn lẫn những “pha” dường như phù phiếm, lan man, với những “pha” “trọng điểm” để – may ra – lọt qua được cặp mắt cú vọ của lũ “cai tù văn nghệ” của Đảng đang cố sức tâng công. Vả lại, cũng rất có thể là anh viết “Dạ Ký”  vào chính lúc này chỉ cốt để thoả mãn một nhu cầu nội tâm gay gắt của người nghệ sĩ la “phải viết”, còn việc đăng tác phẩm hay không thì... “hạ hồi phân giải”.

     Bây giờ, tôi xin phép lướt sơ qua vài nét về tình hình Miền Bắc, nhất là Hà Nội, sau năm 1954 để các bạn trẻ mới lớn lên sau này và những ai sống trong Nam hoặc ở nước ngoài chưa từng biết tình hình Miền Bắc thời đó có thể hình dung được để dễ dàng cảm nhận tính chất trào lộng trong “Dạ Ký”.

     Khi quân đội ông Hồ vào tiếp quản thành phố Hà Nội (10.10.1954), nhiều người thật sự phấn khởi đón mừng. Nhưng chỉ vài ngày sau, người dân bắt đầu cảm thấy một sự hụt hẫng, cảm thấy dường như chính họ ... bị coi là một hạng dân không đáng tin cậy! Ngay cả những người vốn là cơ sở của “cách mạng” cũng hơi e ngại vì thấy những cán bộ trước đây thường ăn dầm ở dề trong nhà mình thì nay hình như cũng ngần ngại, không dám đến nhà. Còn những người thường dân chân tình mời cán bộ, bộ đội đến nhà chơi đều nhất loạt bị từ chối. Lý do không được nói cho bất kỳ ai: theo nghiêm lệnh Uỷ ban quân quản thành phố, tất cả cán bộ, đảng viên, bộ đội tuyệt đối không được tự ý đến nhà dân, vì phải đề cao cảnh giác, phải “đề phòng những viên đạn bọc đường (1)  của dân vùng địch”! Cái lệnh đó cho thấy ngay từ đầu tinh thần kỳ thị với “dân vùng địch” trong giới cầm quyền nặng nề đến mức nào. Bầu không khí chính trị trong thành phố càng ngày càng căng thẳng, một phần do những quy định ngặt nghèo về đăng ký hộ khẩu, về thuế vụ, những vụ bắt bớ ngấm ngầm, những hoạt động dò xét lộ liễu của công an, phần khác cũng do ảnh hưởng của cuộc di tản rầm rập của hàng chục vạn người bỏ nhà cửa, ruộng vườn chạy vào Miền Nam, và nhất là do tiếng vang dội đến của những bạo hành trong cuộc cải cách ruộng đất ở nông thôn.

     Khi vào thành phố, cán bộ, đảng viên và bộ đội du nhập theo một loạt từ ngữ hết sức xa lạ và khó hiểu với người dân địa phương, nào là tiến bộ, lạc hậu, phản động, khắc phục khó khăn, thành khẩn bộc lộ, thực sự cầu thị, đãi ngộ, hưởng thụ, tiêu chuẩn, đốt cháy giai đoạn, v.v... Người dân cũng rất kinh ngạc về những “tập tục” lạ lùng, như trai gái tìm hiểu nhau hay muốn cưới nhau thì trước hết phải báo cáo và xin phép “tổ chức”, họ chẳng hiểu nổi “tổ chức” là cái “ông” gì mà lớn hơn cả bố mẹ!

     Sau ngày tiếp quản Hà Nội, một chế độ phân biệt đối xử ngay trong hàng ngũ “cách mạng” đã được ban xuống – “chế độ đãi ngộ”, rập theo khuôn mẫu Trung Quốc. Chẳng hạn, trong sự ăn uống thì chia ra “đại táo” (bếp lớn, dành cho đội viên, cán bộ nhân viên loại thường với mức ăn kém cỏi), “trung táo” (bếp vừa, dành cho sĩ quan chỉ huy, cán bộ loại trung bình với mức ăn khá hơn chút ít), “tiểu táo” (bếp nhỏ, chỉ để phục vụ cho một hoặc vài gia đình, dành cho cán bộ, sĩ quan cao cấp với mức ăn sang trọng). Đó là chưa kể nhiều “chế độ” rất chi li về cung cấp vải vóc, ăn mặc, nhà ở, chữa bệnh, v.v... với những “tiêu chuẩn rất cụ thể” mà Phùng Cung nói mỉa là “rất khoa học”. Đây là bước đầu của hệ thống đặc quyền đặc lợi  của một giai cấp mới thống trị trong chế độ mới.

Thế nhưng, một thời gian sau khi tiếp quản Hà Nội, những hàng hoá, nguyên liệu do chế độ cũ để lại  đã cạn kiệt dần, thành phố gặp khó khăn ghê gớm trong việc cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của cán bộ, nhân viên và dân chúng, cũng như nhu cầu sản xuất. Đời sống dân chúng sa sút rõ rệt. Kẻ cầm quyền không có cách gì hơn là một mặt cố duy trì mức cung cấp cho cán bộ cao cấp, mặt khác kêu gọi cán bộ và dân chúng “thắt lưng buộc bụng”, cố gắng khắc phục khó khăn hoặc hứa hẹn “cứ yên trí, mọi việc rồi sẽ tốt đẹp”, hy vọng hàng viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc sẽ đến kịp thời.

     Trong lúc đó, theo lệnh của Trung ương Đảng, Hà Nội phát động phong trào xây dựng thành phố trong sáng, báo Đảng địa phương lại huênh hoang viết trong sáng như pha lê! Về sau phong trào này đổi tên là “xây dựng thủ đô Hà Nội thành pháo đài xã hội chủ nghĩa”, nghe rất kêu! Nội dung chủ yếu của phong trào là phải quét sạch những tàn dư của chế độ cũ, quét sạch bọn gián điệp, biệt kích địch cài lại, bắt sạch những nguỵ quân, nguỵ quyền “nguy hiểm” dù họ tự nguyện ở lại, đã ra thú và có người đã được “lưu dụng”, bắt sạch những thành viên của các đảng phái gọi là “phản động”, dù họ chưa thể hiện gì hành động chống đối, siết chặt việc đăng ký và kiểm tra hộ khẩu, tổ chức những “đội thanh niên cờ đỏ” đi tuần tra cùng công an, đồng thời đi thu ở các nhà dân và đốt hết những sách báo, văn hoá phẩm... dưới thời địch chiếm đóng, bắt giới trẻ xoá bỏ “di sản thời địch”, cấm lối ăn mặc bị coi là “lố lăng”, như quần “ống tuýp”, tóc để dài... – đồng thời tích cực chống mê tín dị đoan, chống các hoạt động của các tổ chức tôn giáo, v.v...

     Ở đây, thiết tưởng không cần nhắc lại những chuyện động trời trên Miền Bắc và ở Hà Nội hồi đó, như cải cách ruộng đất, đăng ký hộ khẩu, Nhân Văn – Giai Phẩm, thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp, cải tạo công thương nghiệp... Tất cả những điều đó đều là đề tài cấm kỵ (tabou), trước hết đối với các nhà văn, nhà báo, nên   nói chung không một ai hé răng!

 

     Cười ra nước mắt

 

     Thế mà, trừ những tabou không được đụng đến, còn những nét tình hình chung nói trên, Phùng Cung đều đã đề cập đến một cách khéo léo trong phần đầu của “Dạ Ký”: anh viết dường như theo đúng đường lối và luận điệu của Đảng, nhưng người đọc vẫn thấy được vẻ mỉa mai của anh và cái lố bịch của những việc “người ta” làm.

     Thoạt đầu, anh kêu ca thời tiết oi bức, như nung, như thiêu, thậm chí cố dùng sai từ ngữ, chửi thời tiết là lạc hậu, đêm lạc hậu, nhưng rồi anh lại tự hỏi hay đây là điềm thiên thời ra tay ủng hộ (cách mạng) để cái nóng nấn ná ở lại đòi đốt cháy giai đoạn (2) và anh tỏ ra rất “giác ngộ”, tự động viên mình mở mắt to hơn, phóng tầm nhìn xa hơn để thấy cái lợi lớn (của cách mạng), nóng thế này, chứ nóng gắt hơn nữa thì cũng khắc phục được hết (vì cách mạng). Khác với nhiều người, anh tự nhận mình là một công dân ngoan ngoãn, giác ngộ: nóng bức dữ dội, cả nhà ốm đau, nhưng anh cũng không hương khói cầu khẩn, không kêu ca, không văng bậy, chửi bậy mà chỉ biết cắn răng chịu đựng! “Khó khăn phải khắc phục mà! Khắc phục được hết. Nó là khẩu hiệu tiên quyết thắng lợi mọi mặt! Có thể khẳng định một thủ đô pha lê, một thành phố pha lê đã nằm trong hoạch định của trên. Ai cũng nức lòng lạc quan – không phải lạc quan tếu, mà lạc quan cách mạng!”... Cái lối nói “rất lập trường” của anh hàm chứa một sự mỉa mai chua chát. “Ai cũng nức lòng lạc quan”... “lạc quan cách mạng”... trong lúc dân chúng thì méo mặt vì đời sống khó khăn!

     Rồi  anh lại kể chuyện đến thăm vợ ốm, anh vẫn phải nói với vợ bằng “cái lối động viên quen tai rất thời thượng”: “Yên trí! Tất cả đều tốt!” Anh tự hỏi: cái lối nói đó xuất xứ từ đâu nhỉ? Mà “cửa miệng quái nào cũng có thể thốt ra được, ở bất luận trường hợp nào xét thấy cần thiết!” Tác giả biết rõ là nó xuất xứ từ đâu, nên anh chỉ tự mắng mỏ mình nói thế với vợ là láo toét, là nói điêu, là dối trá! Và chính tác giả cũng viết là trong cái cõi hệ luỵ thiên định, nhân định này, chỉ có những phù thuỷ giấu mặt, cao tay mới làm được cái trò “úm ba la” đổi đen thành trắng, đổi đen ra đỏ nhưng “văn hoá mới” và “văn minh” chưa lùng chụp được mà thôi. Còn mình là dân thường thì làm gì mà biết được. Là người dân, là công dân thì mình chỉ dám nói chuyên công dân thôi. Được vinh dự cầm chặt thẻ cử tri, phiếu bầu là đủ tự hào quyền làm chủ, mà đã có quyền thì phải có nghĩa vụ vinh quang! Còn chế độ đãi ngộ, hưởng thụ của Đảng ngày nay rất khoa học, có tiêu chuẩn rõ ràng không có lộn xộn như xa xưa, cái gì cũng “... giai do tiền định” (đều do số phận định trước). Đừng hòng như thế! Trong thời mới thì “Nhất ẩm, nhất trác giai do tiêu chuẩn” (mỗi miếng uống, mỗi miếng ăn đều do tiêu chuẩn cả). Cấp trên không cấm ai – mà trái lại còn khuyến khích mọi người – vượt  lên tiêu chuẩn cao hơn. Chỉ có điều bản thân anh phải đánh vật với miếng ăn, miếng uống, đánh vật với bệnh tật của vợ con, đánh vật với đủ thứ rủi ro: nhòm ngó, nghe ngóng, đánh vật với chính mình... thì còn hơi sức đâu để phớt cẳng vượt lên tiêu chuẩn cao hơn được!

     Chỉ trong cái đoạn mở đầu đó, khi tác giả còn đang tỉnh ngủ, người đọc đã thấy ngay biết bao nhiêu mũi nhọn châm biếm anh chĩa vào những vấn đề thời sự gây cấn hồi đó.  Còn khi tác giả chìm dần vào giấc ngủ, thì cái giai điệu và lời ca chìm nổi, nhỏ to theo gió – “Thề phanh thây, uống máu... cùng tiến lên!...” – cứ dìu hồn anh vào cơn mộng mị. Cũng cần nói thêm, cái giai điệu và lời ca này còn ám ảnh tâm trí anh, giày vò tâm hồn anh nhiều lần khi anh bị giam cầm trong tù ngục: đôi lần anh đã nhắc đến chúng trong thơ ca! Rơi vào cõi mộng, anh mất cả phương hướng, mất cả “lập trường”, thấy vết xe tăng mà không thể nhìn nhận được đây là dấu tích của chiến tranh vệ quốc hay xâm lược, mà chỉ nghĩ một cách “thô thiển”: “Tất cả chỉ là sự bày đặt, buôn bán máu xương của ma vương quỷ dữ!”... Sau này, khi đọc lại những vần thơ chống chiến tranh anh viết trong ngục, độc giả thấy rõ những ý nghĩ “thô thiển” này không phải chỉ nảy ra trong cơn mộng mị.

 

     Chỗ dựa của kẻ cầm quyền

 

     Giấc mộng lại dẫn anh trở về với môi trường nghề nghiệp của anh: ngành văn nghệ. Anh gặp một người quen thường ngày vẫn chạm mặt, nhưng không sao nhớ tên được. Người ấy nói với anh cái gì đó – “đường vinh quang” hay “đài vinh quang”... anh cũng không rõ, rồi y vụt biến đi... Anh cố rà soát lại trong “kho nhớ” của mình, thì đầu tiên  anh nhớ đến dáng đi lon ton, lon ton của y mà anh gọi là “lối vận hành của quan hoạn”, tức là kẻ phục dịch trong cung đình. Anh dần dần nhớ lại tiểu sử của y. Y “được trên sủng ái”, “từ miệng y khuôn ra toàn đạo đức” ngọt xớt nhưng mà giả dối. Bản tính y thì “hẹp hòi, ích kỷ, thù vặt đầy người”, nhưng y “cũng được việc lắm”, văn thơ, kịch cọt, nhạc nhiếc, triết trủng cái gì cũng có thể “phục vụ” được, nên đời y “thông bén luồng lạch” cả về mặt công tác cũng như riêng tư. Y được anh em trong ngành văn nghệ phong tặng danh hiệu “Con chó dái đầu bảng!”, còn nhiều chị em bị y lừa đảo làm cho khốn khổ, nhưng vì họ kiêng nể cách mạng nên không dám lên án y là tên “Sở Khanh cách mạng” mà chỉ nhổ hơi nặng bãi nước bọt! Tác giả tự hỏi một con người như thế mà không biết cấp trên trực tiếp và cả gián tiếp nữa có biết không? Rồi anh tự trả lời: Cấp trên sáng suốt nhường ấy thì chắc phải biết! Nhưng vì văn thơ, kịch cọt của y lại hợp khẩu vị cấp trên nên người ta đã làm ngơ, cho là “những nhược điểm nhỏ” của y chẳng ảnh hưởng gì đến nền đạo đức cách mạng, chỉ là cá tính vô hại mà thôi. Cho nên y “vẫn lông nhông leo thang, công tác vẫn ngon lành”. Đây là một mẫu người rất phổ biến trong hàng ngũ “cách mạng”: kẻ nịnh thần, bồi bút-văn nô, chỗ dựa của kẻ cầm quyền.

     Trong cơn mộng mị, tác giả thắc mắc về sự ẩn hiện của y. Anh nghĩ, theo truyền ngôn, ở nước ta chỉ có “Tứ bất tử”, các vị này dày công tu luyện đạo gì đó? Vậy chẳng lẽ y đã sung vào hàng ngũ các vị đó rồi sao? Và chẳng lẽ học thuyết Mác-Lê-nin cũng là đạo sao? Vô thần cơ mà! Ừ thì cứ cho là đạo vô thần đi. Đạo vô thần mà lại lắm phép lạ đến thế thì khiếp thật! Và dường như y phải là bực chân tu chính đạo! Cái ý nghĩ của Phùng Cung cứ vòng vo, vòng vo một cách... cực kỳ nguy hiểm, đến khi anh tự thấy mình sắp đi quá trớn rồi, nên vội trụt ý nghĩ lại.

     Phải nói rằng đoạn này tác giả đã đẩy tính trào lộng lên đến cao độ, dám vạch rõ thói tệ của đám cầm quyền là chỉ dựa vào lũ nịnh thần, bồi bút-văn nô, mà không biết quý người ngay, người nói thẳng, lại còn dám đem những cái “thiêng liêng” nhất, như các vị “Tứ bất tử”, học thuyết Mác-Lê-nin, “đạo vô thần” ra mà bàn luận, giễu cợt, lại dám nghĩ tên nịnh thần, bồi bút-văn nô kia dường như là bực chân tu chính đạo và dám thắc mắc chẳng lẽ y đã sung vào hàng ngũ“Tứ bất tử” rồi sao?... Theo lời đồn trong cán bộ thời đó, cho đến đầu thập niên 50 các vị “Tứ bất tử” có ông Hồ, ông Năm/Trường Chinh, ông Văn/Giáp và ông Tô/Đồng, còn từ năm 1956 thì có ông Hồ, ông Ba/Duẩn, ông Sáu/Thọ và ông Tô/Đồng; ông Năm bị thi hành kỷ luật sau cuộc cải cách ruộng đất, ông Văn thì bị ông Ba cho ra rìa do ghét bỏ, kèn cựa. Đó là những lời đồn đãi, còn thật hư thế nào thì chỉ có trời mới biết được.

     Như đã nói trên, Phùng Cung viết truyện ngắn này sau khi phải trải qua một trận đấu tố căng thẳng. Những ám ảnh của cuộc đấu tố đó rất nặng nề và bi đát đối với tâm hồn anh. Trong trí anh, lởn vởn hình ảnh các vị “quan toà văn nghệ mặt sắt đen sì”, như Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Võ Hồng Cương... chễm chệ ngồi trên bàn chủ tịch đoàn để cật vấn, truy hỏi anh: “Chưa được thành khẩn, phải đào sâu suy nghĩ, còn phải bộc lộ!...” Và một đòn hoàn toàn bất ngờ mà hết sức đau đớn đối với anh là ngay hôm đó “người ta” đã “bố trí” để chính những người bạn của anh lên “đấu tố” anh: Trần Dần “tố” trước, còn Lê Đạt và Hoàng Cầm phụ hoạ theo. Mà lời “tố” lại rất độc: vì mang lòng hận thù cách mạng sau khi bố chết (cụ thân sinh của anh bị quy trong cải cách ruộng đất là địa chủ cường hào) nên anh đã viết truyện để “viser” lãnh tụ và Đảng (3)! Tất cả những ám ảnh nặng nề đó không thể không phản ảnh trong giấc mộng của anh. Nhưng anh là một cây bút có trách nhiệm, anh không đưa nỗi đau của riêng mình vào truyện, mà dùng ngòi bút khéo léo vạch trần cái tồi tệ của chế độ đương thời.

 

     Những ám ảnh nặng nề

 

     Trời đã ngả chiều, anh khát nước quá, tìm đến một nơi chẳng hiểu là đền hay chùa, chợt nghe tiếng chó sủa vang, anh cố tìm chủ của chúng – nhà sư hay ông từ – để xin ngụm nước, nhưng chẳng thấy ai. Nghe tiếng lịch kịch bên trong, anh bước hẳn vào trong thềm đại bái, nhìn lên tam bảo uy nghi, bên trên có ba vị tam thế, còn hai bên hành lang thì hàng loạt tượng phật, tượng thánh sơn son thếp vàng lộng lẫy. Bỗng anh bủn rủn cả người, anh rẽ sang tả hay sang hữu, các vị  ấy đều đồng loạt đưa mắt theo lườm anh. Anh cảm thấy lạnh toát người, cố trấn tĩnh làm nhanh bản tự thuật trong đầu, anh cũng đã biết tự thuật thì phải thành khẩn tự nhận tội lỗi là cốt lõi của vấn đề. Anh tự nhủ có lẽ chỉ con mắt thần phật mới nhìn thấu hết. Chắc kiếp trước mình đã có ác nghiệp!... Và anh khép nép lùi ra...

     Mới ở chùa ra, thình lình một mũi giày đá mạnh vào mông anh. Giật mình quay lại, thì ra «chẳng ai xa lạ, ông bạn cao tuổi, nhà thơ giả thiểu số». Chắc độc giả đoán biết người đó là ai? Nhà thơ đã từng đổi họ từ Phan sang Chế, giả làm dân Chiêm Thành, tác giả tập «Điêu Tàn» (1938). Còn ở thời điểm cuối thập niên 50 này, nhà thơ họ Chế đang là một trong số những «chiến sĩ» hăng hái nhất, xông xáo nhất đấu tranh với «bè lũ Nhân Văn-Giai Phẩm» để cố vươn lên chiếc ghế quyền lực cao hơn, cố chiếm chỗ ngồi trọng vọng hơn trong «bàn tiệc lớn» (4). Phùng Cung bất bằng cái lối mở đầu cuộc gặp mặt theo kiểu trịch thượng này, nhưng anh ngại nói ra. Còn «nhà thơ giả thiểu số» thì lại hất hàm ngạo mạn hỏi anh : «Đã thật thành khẩn chưa?» làm anh càng thêm khó chịu. Anh nghĩ là có lẽ tiếng lịch kịch bên trong chùa hồi nãy khi anh còn đứng ngoài thềm đại bái là do nhà thơ tạo nên. Và anh phục sát đất cái khoa «Phật vận» của nhà thơ: đến cả phật mà anh ta cũng vận động được để theo dõi xem mình đã thành khẩn chưa! Rồi Phùng Cung lại nghĩ «cũng có thể do nhà thơ quen lấy tiếng chó làm chuẩn để cân đong, đánh giá sự gian ngay chăng Anh nghĩ lan man: «nhiều con chó khôn đáo để còn biết sủa lập công phò chủ», «anh cũng ít nhiều bị chúng hiểu lầm» nhưng chẳng đáng để ý. Người đọc hiểu ngay đây là «lũ chó hai chân» đang lợi dụng cơ hội Đảng «đánh» Nhân Văn – Giai Phẩm để «đánh hôi», «cắn trộm», ra sức lập công phò chủ, cố leo được lên địa vị và tiêu chuẩn hưởng thụ cao hơn. «Nhà thơ giả thiểu số» lại lên mặt giáo dục Phùng Cung: «Chưa được  thành khẩn! Phải đào sâu suy nghĩ! Còn phải bộc lộ!...» Anh bực mình nghĩ, đây đâu có phải là đang cuộc chỉnh huấn. Giá mà chỉnh huấn thì anh chẳng thèm tiếc gì vài cái gãi đầu, đấm ngực, rồi hăng hái tự lên án mình – dù thật hay vờ, miễn là học uỷ gật đầu chấp nhận... Vừa giục anh «phải bộc lộ» xong, nhà thơ lại hạ giọng ra vẻ thượng cấp: «Cũng tạm được, cũng đã có ít nhiều chuyển biến!...» Nói xong, anh ta quay đi, rảo bước cho kịp người bạn đồng hành của anh ta. Ở đây, ta thấy rõ tất cả những ám ảnh nặng nề, khủng khiếp của cuộc «đấu tố» đọng lại trong giấc mộng đêm hè của anh, cũng như những lố bịch của «cái trò» chỉnh huấn.

     Người cùng đi với «nhà thơ giả thiểu số», không nhìn thì Phùng Cung cũng đã biết ngay là ai, và anh mô tả người đó rất «hiện thực». Ai từng gặp ông ta đều nhận ra ngay: vóc dáng cao lớn, gầy, đen, tứ thời đầu húi móng lừa, tứ thời bận đồ nâu – kể cả khi bận com-plê cũng nâu, na ná một ông sư Cao-miên. Đó là «nhà lý luận – lối lập luận thời thượng nhất – vừa mũi nhất». Chữ «vừa mũi nhất» ở đây thật là tuyệt! Phùng Cung cho biết rằng anh em trong ngành văn học nghệ thuật nói vụng với nhau về ông ta là «Tên đầu bếp vụng, nhưng được kẻ ăn khen ngon... Còn nhà thơ Xuân Sách thì mô tả chân dung của ông: Vị nghệ thuật nửa cuộc đời / Nửa đời sau lại vị người cấp trên... (5) “Nhà lý luận” cùng «nhà thơ giả thiểu số», mỗi người cầm một cái côn khác nhau – chắc là tượng trưng cho quyền lực gì đấy (?!), “nhà lý luận” bá cổ nhà thơ cùng đi. Đi đâu Phùng Cung cũng chẳng thèm để ý, chỉ thở phào cảm thấy mình được giải thoát.

     Anh đi đến một ngã ba, thấy lối rẽ bên phải đường nhẵn cát pha, liền rẽ theo ngã này. Bỗng anh hoảng sợ, thốt lên: Ôi! Vô phúc thế nào lại dấn thân vào nơi cấm địa: lầu son, gác tía dựng ngay trước mặt! Anh dừng chân nhìn, một ngôi hoá hai, hai hoá ba, ba hoá bốn, hoá năm, liên khu lâu đài biệt thự – như trời hoá phép vậy! Anh tưởng đây chỉ là ảo giác. Anh xoa mắt, định thần, đứng bên ngoài hàng rào cấm nhìn lên một tấm biển đỏ chữ vàng treo ngay ngắn trước biệt thự. Vì ở xa nom chữ loà nhoà không đọc được.  Anh thấy hai hàng người quần áo đồng màu, cắp côn đỏ, xếp thứ tự nghiêm chỉnh từ dưới chín cấp lên tận cửa son. Đứng đầu hàng bên hữu anh nhận ra “ông anh đẹp giai tôi gặp lần đầu”, tức là tên nịnh thần, bồi bút-văn nô, rất chững chạc, rất điệu, có vẻ điêu luyện nhất. Phùng Cung đoán: chắc y đang giữ chức chỉ huy bên cửa son. Cặp mắt y hau háu, trai lơ, sung mãn! Lúc bấy giờ anh mới chợt nghĩ lại mấy tiếng “vinh quang” mà y đã nói: hẳn là chốn này đây. Chả có công việc gì mà cứ luẫn quẫn nhìn ngó nơi đây dễ bị xơi đòn, nên anh liền lảng nhanh, trong óc cứ nghĩ ngợi, cái “vinh quang” mà mình thấy mới chỉ là cái vỏ “vinh quang” mà thôi, còn cái nội dung của nó thì cái ngữ mình làm sao mà biết được! Đoạn này, tác giả hé cho người đọc thấy giai cấp thống trị mới ngày một “phong kiến  hoá” rõ rệt.

 

     “Viện múa lưỡi”

 

     ...Chạy khỏi được Quang Dũng (6), anh ngồi nghỉ lấy lại sức, thì thấy trên đường toàn những khách văn chương, đúng là thời thịnh văn chương. Hồi đó, ở Hà Nội lại vừa tổ chức Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc. Báo chí của Đảng hết lời ca ngợi nhân dân ta rất anh hùng, anh hùng có nhiều ở khắp mọi nơi, đến nỗi ra ngõ là gặp anh hùng! Lúc ngồi nghỉ, Phùng Cung suy luận: người ta nói “Ra ngõ gặp anh hùng” là rất có cơ sở, rất có lý. Ngay nơi gia đình anh đang ở cũng đã có hàng chục anh Hùng rồi – nào Hùng Sơn, Hùng Việt, nào Hùng Anh, Anh Hùng, thậm chí cả Hùng nhèm, Hùng giẻ rách, v.v... Cái thời thịnh anh Hùng nên ai cũng ngưỡng mộ cái danh hiệu cao sang đó mà đặt tên để khuyến khích cái sự “hướng hùng”. Đang nghĩ ngợi thì anh gặp Hoàng Cầm, một “sĩ quan văn học trong đoàn quân bách chiến bách thắng”. Hoàng Cầm nắm vai anh bảo: “Mình đang nghĩ giải lao, đang bận tập, không thì mời cậu về nhà chơi”.  Phùng Cung hỏi “Tập tành gì?” thì Hoàng Cầm quay lưng, lấy tay chỉ chỏ. Anh nhìn thấy một bãi tập rộng, cỏ mọc xanh rờn, bốn bề xung quanh đều có hàng rào dây thép gai cao chừng hai tầm đầu người lớn. Phía hai bên bãi tập là mấy ngôi biệt thự mới. Bỗng một hồi chuông vang lên, Hoàng Cầm định bắt tay bạn để vào, nhưng lại dừng ngay và nói: “Chưa đến đợt bọn mình”. Phùng Cung thắc mắc hỏi: “Tập tành gì vậy, và nơi đây là gì?”. Hoàng Cầm bảo: “Cứ đứng đây nhìn sẽ biết”.

     Nhìn vào trong, anh thấy sáu bảy hàng người, mỗi hàng chừng vài chục. Hai người đứng trước những hàng người là người cao đen mà anh em văn nghệ mệnh danh là «nhà bếp vụng» còn người kia là «nhà thơ giả thiểu số», hai người nói điều gì đó ở xa không nghe rõ. Hoàng Cầm cho biết người cao đen là giáo sư viện trưởng, còn «nhà thơ giả thiểu số» là giáo sư viện phó, cả hai đều được đào luyện theo các hệ ngước ngoài, người theo hệ Nam hải, người theo hệ Đông phương. Sau mấy tiếng hò hét của cả hai vị giáo sư, giáo sư viện trưởng vươn ra một cái lưỡi đỏ, dài hàng trượng và hơn thế nữa. Cái lưỡi ngoằn ngoèo lượn giống hệt như giải lụa của đoàn xiếc Trung Hoa biểu diễn múa lụa vậy. Hàng chục học viên do giáo sư này chỉ huy cũng phóng ra lưỡi đỏ, cũng ngoằn ngoèo, nhưng còn ngắn hơn giáo sư nhiều. Còn vị giáo sư kia thì phóng một loại lưỡi khác, thẳng đơ như dùi cao su, bề dài cũng hàng trượng, lưỡi không múa liệng mà cứ đập lên đập xuống trông thật dẻo mà cứng. Phùng Cung chưa từng được nghe ai nói về việc này, nay đột nhiên được trông thấy tận mắt mới tự biết là mình còn ngờ nghệch nhiều trong cuộc sống. Trông cảnh ngoạn mục nhưng anh lại cảm thấy sờ sợ. Đột nhiên, anh thấy một người nhỏ thó, mắt hơi lé, nói giọng kim từ đâu vừa đến. Cái lối «tả chân» xác thực làm sao! Bạn đọc hiểu ngay đó là người mà dân gian vẫn truyền tụng bài vè chẳng lấy gì làm dễ chịu lắm: «Tên Lành, nhưng dạ chẳng Lành...» (7), trùm văn nghệ của Đảng. Viện trưởng và viện phó đều cung kính cúi gập nửa người làm Phùng Cung nghĩ bụng chắc hẳn trong lưng họ có lắp bản lề mới cúi sâu được thế. Rồi họ lại thẳng người lên, vươn lưỡi lăn qua, lăn lại. Anh nghĩ rằng đó là nghi thức lễ tân để chào thượng cấp. Anh hỏi Hoàng Cầm xem ai đó, thì anh này nói khẽ: «Thi hào, viện trưởng danh dự của Viện Phùng Cung không kìm được nỗi tò mò, cố hỏi Hoàng Cầm: «Học viện gì thế và làm sao anh lại được vào theo học Hoàng Cầm khẽ trả lời : «Học viện múa lưỡi đấy!» và còn thổ lộ thêm là trong viện có hai ngành múa khác nhau. Thỉnh thoảng hai ngành có thi đấu nhau, nhưng chưa phân thắng bại. Về lý thuyết thì hai bên đều đầy sức thuyết phục, nhưng hình như lưỡi lụa đang có đà thắng thế. Hoàng Cầm cũng thè lưỡi cho Phùng Cung xem, lưỡi anh cũng mới dài gấp đôi lưỡi người thường. Hoàng Cầm tâm sự: có lẽ mình phải bỏ dở, vì vốn không có sở trường. Nhưng bỏ cũng tiếc. Nếu theo hết khoá, ra viện thì cũng có chỗ đứng vững vàng. Phùng Cung ngỏ ý muốn được  xem trận đấu lưỡi, nhưng Hoàng Cầm huơ tay ra hiệu: «Không được! Không được! Đây là việc cơ mật của quốc gia Nghe thế, Phùng Cung không dám vật nài nữa. Hoàng Cầm còn vỗ vai khuyên anh: «Chớ có bép xép mà oan gia đấy.

     Đây là một trong những đoạn đặc sắc nhất của “Dạ Ký”, vạch trần cả một thủ đoạn cực kỳ thâm độc của bọn độc tài toàn trị đối với giới trí thức, văn nghệ sĩ, cũng như cán bộ, đảng viên, nhằm biến họ trở thành những kẻ đầu sai ngoan ngoãn cho chúng. Sau khi đánh gục những trí thức, văn nghệ sĩ ưu tú, khao khát tự do đã tham gia trào lưu Nhân Văn – Giai Phẩm, bằng những trận đấu tố quyết liệt mà Tố Hữu gọi là «cuộc giao phong tư tưởng», bằng vu khống là «gián điệp», «phản động», «tơ-rốt-kit», bằng công an, toà án, nhà tù, bằng bao vây kinh tế cả gia đình, bằng sự đày đoạ cả về thể xác lẫn tinh thần, Đảng đã dìm giới trí thức, văn nghệ sĩ của miền Bắc trong nỗi sợ triền miên. Tiếp đó, là một trận đánh lớn khác diễn ra sau ngày tác giả viết «Dạ Ký» và khi anh đang bị tù, mà mũi chủ công nhằm vào những trí thức, cán bộ, đảng viên trong Đảng có tư duy độc lập, có tư tưởng riêng hoặc ý kiến bất đồng với đường lối theo Mao của lãnh đạo, dù họ vẫn tuân thủ nguyên tắc tổ chức của Đảng. «Người ta» đặt tên chiến dịch này là đánh Xét lại – Chống Đảng. Đánh bằng vu khống trắng trợn là gián điệp nước ngoài, là âm mưu đảo chính, đánh bằng đấu tố, truy bức, bằng bắt bớ, giam cầm tại tù, câu lưu tại gia, bằng đày ải hàng loạt cán bộ, đảng viên trong nhiều năm, bằng kỳ thị, hành hạ gia đình, vợ con, thân nhân những người bị coi là «Xét lại – Chống Đảng» ...  Chưa bao giờ trong ĐCS từng có một trận đánh nội bộ khủng khiếp và kéo dài như thế! Nhiều người chết, nhiều người bị tù tội lâu năm rồi cũng suy sụp. Đòn đau lần này đã giáng xuống một uỷ viên Bộ chính trị, ba uỷ viên Trung ương ĐCS, một đại tướng, một trung tướng, hai thiếu tướng, bốn đại tá, một thượng tá, bốn trung tá, năm thiếu tá, nhiều cán bộ cao cấp, như bộ trưởng, thứ trưởng, viện trưởng, phó bí thư thành uỷ, thường vụ thành uỷ, phó chủ tịch thành phố, nhiều giáo sư, nhà báo, nhà văn, bác sĩ... và hàng ngàn người vô tội. Toàn Đảng bị dìm trong nỗi kinh hoàng.

     Đồng thời với những trận đánh này, bọn độc tài toàn trị ra sức đào tạo lớp trí thức, văn nghệ sĩ mới, cũng như cán bộ, đảng viên chuyên nghề ton hót, nịnh bợ, mà Phùng Cung gọi là «múa lưỡi», «nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong» để ngợi ca lãnh tụ và Đảng «anh minh», tung hô đường lối «sáng suốt» của Đảng, mặt khác a dua, vu khống, lăng mạ, mạt sát những sĩ phu bất khuất, không chịu «ăn lời» của Đảng. Trong «viện múa lưỡi» có cả cái ngành lưỡi cứng mà dẻo chỉ  đập lên đập xuống mà không uốn lượn, chắc hàm ý ngành chuyên đàn áp, đấu tố, hành hạ những người có tư tưởng khác hay những kẻ «bất tuân thượng lệnh», có thể coi đây là một loại hình «nghệ thuật» (!) gắn liền với «công an văn hoá» và «an ninh chính trị». Trong truyện, tác giả không nói rõ «học viện múa lưỡi» này thuộc về viện gì. Điều đó dễ hiểu thôi, vì dưới quyền độc tôn của Đảng thì bất cứ viện gì, dù là viện văn học, viện sử học, viện triết học, viện kinh tế, hay các viện khoa học chính xác, thậm chí cả viện công tố, toà án, Đảng cũng đều có thể biến thành «viện múa lưỡi» được cả và cán bộ của các viện đó cũng như mọi đảng viên đều phải thạo nghề «múa lưỡi». Ngày nay, chúng ta than khóc về sự  thiếu vắng và sa đoạ nhân cách của trí thức, cán bộ, đảng viên, nói riêng, và của người dân, nói chung, thì cũng cần thấy rõ nguyên nhân của tình trạng đó chính là do thủ đoạn thâm độc này của Đảng độc tài mà ra. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Hoàng Cầm đã dặn Phùng Cung: «Đây là việc cơ mật của quốc gia! Bép xép thì oan gia đấy

     Phùng Cung vì tình bạn đã khuyên Hoàng Cầm: nếu thấy không hợp sở trường thì xin thôi, nằm nhà làm thơ, ngâm thơ cho thú, tội gì mà lao vào cho mệt! Hoàng Cầm suỵt một tiếng khẽ, vừa đủ anh nghe: «Lúc vào viện, viện thấy không đủ khả năng thì viện sẽ loại, chứ tự mình xin ra thì mất hết lưỡi! Lưỡi mất thì còn ngâm ngợi cái gì được nữa. Đến kẻ ăn mày cũng nhờ cái lưỡi mới sống nổi. Cậu xui dại dột thế». Phùng Cung câm miệng hãi hùng! Anh lại tò mò hỏi: với điều kiện nào mà được tuyển vào viện? Hoàng Cầm nói: «Trải qua một quá trình thử thách, trời phú cho mình cái bản chất co giãn, khi cần cũng xương đồng da sắt được, hoặc cũng nhũn nhùn nhùn như bánh đa nhúng nước được».  Dứt lời, Hoàng Cầm liền biểu diễn sức co giãn. Khi anh ta gồng lên, Phùng Cung sờ vào quả là cứng thật, còn khi anh ta làm mềm, sờ vào người anh ta chẳng thấy xương cốt đâu cả,  chỉ toàn thịt và gân nhẽo nhèo. Hoàng Cầm còn cho biết đây mới chỉ là hình thể thấy được bằng mắt, còn cái phần vô hình là tâm hồn, tư tưởng thì sức co giãn còn gấp ba gấp bốn lần. Phùng Cung phục lăn: «Chịu ông anh thôi». Hoàng Cầm đầy vẻ tự phụ hắt nhanh lời nói vào mặt bạn: «Chứ sao. Đoạn này, người đọc có thể suy đoán là nhà văn trút nỗi hận lòng mình vì sự bội phản của bạn khi kể chuyện Hoàng Cầm được chọn vào học ở «viện múa lưỡi» và nhắc đến sức co giãn còn gấp ba gấp bốn lần của tâm hồn và tư tưởng anh ta.

     Phùng Cung sợ Hoàng Cầm ham chuyện trò lỡ quên giờ tập, bèn nhắc bạn, thì Hoàng Cầm cho biết anh chỉ là học viên dự bị thôi, giờ tập chỉ bằng một phần tư chính khoá. Rồi anh phàn nàn, lẽ ra anh không phải qua thời gian dự bị lâu thế, tất cả chỉ tại thằng em kết nghĩa làm hại. Hỏi thằng nào, Hoàng Cầm tỏ vẻ bực mình nói : «Cái thằng cùng họ với cậu chứ thằng nào!» Phùng Cung hiểu ngay là Phùng Quán...

     ...Rời khỏi Hoàng Cầm, Phùng Cung lại đến chợ Bưởi, nơi nổi tiếng «món bò thui đặc chủng». Nhưng vì hy sinh cho một nền công nghiệp phát triển, bò bê cũng đã được đổi mới từ thui sang lột! Ý nhà văn muốn nói đến cái lệnh của chính phủ cấm thui trâu bò, bê, để lấy bì của chúng làm nguyên liệu cho nhà máy da Thuỵ Khê mới phục hồi. Và cũng ở chợ Bưởi, anh đã gặp nhà văn Tô Hoài, sau đó anh lại gặp Lê Đạt và cụ Tiên (6). Với cụ Tiên (8) thì Phùng Cung thú nhận là anh «vốn ngại, sợ thì đúng hơn» vì «cụ có kèm một công tác đặc nhiệm», ý nói về lời đồn cụ đã từng có chân trong ban ám sát của Việt Minh hồi nào.

 

     Những cái chết móc hàm

     Ba người đang chưa quyết định đi ăn ở đâu thì bỗng một loạt đại bác ầm ầm rung chuyển cả không gian. Dưới chợ, trên đường đều huyên náo, người người đổ xô, la hét, gà lợn, chó má cũng kêu thất thanh. Kẻ chạy xuôi, người chạy ngược, xéo lên nhau mà chạy, bỏ của chạy lấy người. Cụ Tiên và Lê Đạt đã biến đâu mất. Phùng Cung vơ một mình không biết chạy đi đâu. Tiếng nổ mỗi lúc một dữ dội, tưởng như vỡ trái đất, như phụt núi lửa, như trời sập, như trận Trân Châu cảng hay bom nổ ở Hi-rô-si-ma. Cuồng phong bão tố nổi lên. Trên không trung, mây ngũ sắc vun vút như cờ thiên lôi, vừa bay vừa đổi màu biến sắc, rồi tụm lại, tạo một vòm trời đỏ như máu. Phùng Cung hết hồn, tự hỏi thế này là thế nào? hay đây là chuyện đổi đời mà anh đã được nghe ông lão hàng xóm kể lại khi anh còn thơ ấu? Rồi anh tự nhủ: «chuyện đổi đời» chính là lúc này đây! Giờ thì tiếng nổ không còn nữa, mà chỉ còn tiếng gầm rú của bão tố như ngàn vạn tiếng hổ gầm, voi rống, càng nghe càng hãi hùng! Dưới vòm trời tất cả đều nhuộm nhanh một màu đỏ. Anh bỗng choáng váng, đầu nhức, mắt hoa lên. Hai tay ôm mặt. Anh sợ ngã!

     Khi anh vừa mở hai bàn tay ra thì không biết từ lúc nào và từ trên trời lao xuống, hay từ dưới đất trồi lên, một trái núi hình nón, mà cũng có thể là ngọn tháp, anh chưa kịp phân biệt được. Thì cứ gọi là một ngọn tháp khổng lồ, rung rinh lay động. Trên đỉnh tháp là một tàn vàng chói lóe, cạnh đó là một lá cờ đại, xung quanh lá cờ đại là hàng ngàn cờ nhỏ – tất cả đều màu đỏ rực. Từ cờ đại đến cờ nhỏ đều quay tròn. Diềm cờ không đính tua kim tuyến mà là lưỡi câu thép ngoại. Cờ tạo gió, gió nhân thành bão, thì ra do cờ bay mà tiếng gầm rú hãi hùng như vậy. Anh lạnh cả người, cầm chắc trong tay một cái chết móc hàm!

     Ngọn tháp mỗi lúc một to ra, cao lên, cờ cũng tăng thêm gấp bội. Tất cả đều diềm lưỡi câu, đều quay tít. Nhìn kỹ ngọn tháp thì từ chân tới đỉnh toàn người là người, lớp nọ cưỡi lên cổ lớp kia ngất ngút.

     Thoắt một cái, chẳng biết từ đâu, người người lớp lớp đang chạy vòng quanh tháp. Chạy theo hướng cờ bay, chạy dưới bóng cờ. Từ trong tháp đổ ra, số vòng trong, vòng ngoài nhiều vô kể. Phùng Cung là người chạy vòng ngoài cùng. Vòng nào cũng đủ hạng người, già, trẻ, đàn ông, đàn bà, bách tính, tứ dân, nhiều nhất là dân áo vải, chân lấm tay bùn. Người nào cũng cầm vũ khí từ thô sơ đến tối tân. Tối tân thì có súng Rơ-manh-tông, Mút-cơ-tông, Anh-đô-si-noa, cả súng hoả mai nữa. Còn thô sơ thì đủ loại, nào là cuốc, xẻng, mai, thuổng, đòn càn, đòn gánh, nào là tay thước, dao quắm, mã tấu. Có cả mấy vị chư-bát-giới vác cào lệch ệch hoặc xích trượng, cả mấy vị áo chùng thâm vác thánh giá chạy gần chân tháp. Trong đế của đại tháp, chắc là chỗ an toàn hơn cả, thì thấy đủ mặt: kẻ nịnh thần bồi bút-văn nô mà Phùng Cung gọi là « ông anh đẹp giai » cầm một côn đỏ, Viện trưởng, Viện phó múa lưỡi, cụ Tiên hai tay hai súng lục, ông anh Tô Hoài, cả Hoàng Cầm, Lê Đạt cùng bao nhiêu người khác, anh đã từng gặp mặt ở chiến khu Việt Bắc. Tất cả đều kết thành một khối. Tất cả đều nhất loạt hướng tai lên đỉnh tháp nghe lệnh sang sảng: «Kẻ thù phía trước! Kẻ thù phía trước Giữa người nọ với người kia nhất tề phải giữ đúng khoảng cách một tầm lê đâm trộm.

     Đêm xuống lúc nào không biết. Đỏ pha đen, không gian là một màu huyết dụ. Một thứ mùi rờn rợn, tanh tanh vây quanh. Chẳng biết lúc nào ai đã trao một cái dùi gỗ vào tay Phùng Cung và anh đã nhận làm vũ khí. Dùi gỗ dài chừng nửa thước tây – bết máu. Chắc là chiến lợi phẩm thu được của kẻ thù tử trận. Phùng Cung rùng mình nhìn gáy người phía trước anh. Chẳng phải ai khác, mà chính là ông thầy học của anh. Trông vóc dáng thầy, và nhất là sau gáy có hai nốt ruồi đen to liền nhau là anh nhận ra ngay. Anh khẽ lên tiếng: «Phải thầy Đoàn đấy không Thầy Đoàn giật mình, không dám ngoái đầu, không dám lên tiếng. Nước mắt trào ra, cổ nghẹn lại, anh lại hỏi tiếp: «Cung đây! Thầy còn nhận ra con không Thầy Đoàn giật mình, co cổ lại. Thầy biết mình đang ở vị trí kẻ thù của anh!!! Anh bàng hoàng! Tự hỏi : vậy tôi đang là kẻ thù của ai phía sau tôi?

     Anh rùng mình kinh hãi, hai chân lảo đảo, loạng choạng, xéo phứa lên một bãi cứt, do đó bị trượt chân văng ra khỏi vùng hiểm hoạ! Ngã sấp mặt, nhờ một «bãi cứt cứu sinh». Tuy đau ê ẩm, nhưng anh thấy vô cùng sung sướng. Anh định thần để ghi nhớ công cứu sống mình. Anh nghĩ bụng sau này phải làm một bài «Cứt tụng». Dù có ai chê bai cũng đành chịu vậy thôi. Và trong đầu liền nảy ra một tứ thơ: «Cứt không thèm với tay vịn gió đổi mùi; nguyện hôi thối hết mình để người đời khỏi ngộ nhận!...»

     Nằm nghỉ một lúc mới nhận ra là mình đang nằm trên đống máu – máu chiến thắng kẻ thù đồng loại. Gió mặt đất đưa đến tai anh tiếng khóc thê thảm, tập thể từ đâu vọng lại. Anh nghĩ: tội nghiệp bây giờ thầy Đoàn ở đâu? Thầy đang là kẻ thù của ai? Anh cầu khẩn đất trời ra tay cứu vớt để những đau thương tràn ngập được giải thoát. Và tự hỏi: không biết lòng tha thiết bằng an của anh có lừa dối mình không?

     Chợt có tiếng từ đỉnh tháp sang sảng chói tai: «Bắt lấy nó! Băm nát thằng đào ngũ Anh sợ quá, cứt máu đầy người, anh vùng dậy chạy trốn. Tiếng súng bắn theo, cùng tiếng chân huỳnh huỵch đuổi phía sau, nghe mỗi lúc một gần, anh không dám quay đầu nhìn lại, cứ cắm cổ chạy. Hờm đá cheo leo, vực thẳm ngay trước mặt, đạn lại bắn sít vành tai bên trái, anh nghiêng đầu tránh đạn, sẩy chân đâm vút xuống vực, chỉ kịp rú lên một tiếng «Trời. Anh giật mình choàng tỉnh! Một cơn ác mộng khủng khiếp!

     Trong «chuyện đổi đời», ngòi bút sắc bén của nhà văn đã đụng đến cái gọi là «chiến thuật vận động cách mạng» của các lãnh tụ cộng sản. Nói chung, «người ta» chia ra hai thời kỳ để có «chiến thuật» khác nhau: khi Đảng chưa cướp được chính quyền hay khi chính quyền của Đảng còn non yếu và khi chính quyền của Đảng đã vững mạnh.

     Trong thời kỳ đầu, «chiến thuật» của các lãnh tụ cộng sản là phải hết sức che giấu cái thực chất cộng sản của mình và cả cái tên cộng sản của Đảng, mà chỉ nói toàn chuyện yêu nước, giải phóng dân tộc. Họ biết rõ nếu nói công khai là cộng sản thì khó được lòng dân. Phải giấu kín mới hy vọng được sự ủng hộ của dân chúng trong và ngoài nước, đồng thời tránh được những phản ứng bất lợi trên thế giới. Nhờ «chiến thuật» này, lúc đầu những người cộng sản tiếp cận được những tầng lớp trên trong xã hội, những sĩ phu, phú hộ, thậm chí cả hào lý yêu nước. Cố nhiên, những tầng lớp nghèo cũng yêu nước, nhưng khả năng của họ ít ỏi hơn, không như tầng lớp trên sẵn có nhà cửa, tiền nong, lương thực, phương tiện đi lại, thậm chí cả cái thế vững vàng trong xã hội để có thể nuôi nấng, chứa chấp, che chở cho họ một cách an toàn.

     Để che giấu thực chất cộng sản của mình, ĐCS nấp dưới cái tên Việt Minh trong suốt thời kỳ vận động cách mạng hồi những năm 40. Đến cuối năm 1945, ĐCS lạiï tuyên bố tự giải tán (đây là trò bịp để đánh lừa thiên hạ, chứ thật ra ĐCS vẫn tồn tại), rồi đến năm 1951, ĐCS lại đổi tên thành Đảng lao động Việt Nam, lại cũng là một trò ảo thuật dối trá. Hồi sang Pháp, ở Fontainebleau, cả ông Hồ lẫn ông Đồng đều chối đây đẩy là họ không hề có ý định «làm cộng sản», họ chỉ muốn giải phóng đất nước mà thôi. Với cái  «chiến thuật» dối trá đó, biết bao người Việt Nam, giàu cũng như nghèo, trong nước cũng như ngoài nước, đã bị mắc lỡm, chịu bao nhiêu thiệt thòi, hy sinh tiền của, thân mạng để rồi đến ... thời kỳ thứ hai...

     Đoạn kể về «chuyện đổi đời» của Phùng Cung chính là nói đến thời kỳ thứ hai: khi Đảng đã đủ lông đủ cánh, chính quyền cướp được đã vững vàng rồi thì Đảng «làm chuyện đổi đời», mà cha ông ta đã từng nói: «Trời làm một trận lăng nhăng,/ Ông hoá ra thằng, thằng hoá ra ông» (9). Vì không thể đề cập đến những tabou cụ thể, Phùng Cung phải nói chung chung về «chuyện đổi đời». «Làm chuyện đổi đời»   nói toạc móng heo – là «làm cộng sản». Còn các lãnh tụ cộng sản thì lại gọi khéo là «làm cách mạng vô sản», dù trong số họ chẳng thấy có ai là vô sản cả! «Làm cộng sản» tức là làm một loạt cải cách hay cải tạo «long trời lở đất» (thành ngữ ưa thích của những người cộng sản) để, nói nôm na là «cướp tài sản của những người hữu sản», còn Karl Marx và các đồ đệ của ông thì nói văn vẻ là: «tước đoạt của kẻ đi tước đoạt», để  tiến lên chủ nghĩa xã hội, bước đầu của chủ nghĩa cộng sản «xán lạn». «Chuyện đổi đời» ở nước ta bắt đầu từ cải cách ruộng đất. Chính những nhà phú hộ, sĩ phu, hào lý và nói chung những người hữu sản đã từng hào hiệp giúp đỡ Đảng trong bước đầu khó khăn nhất  để Đảng bám víu được mà gây cơ sở trong dân chúng, thì bây giờ lại là những nạn nhân đầu tiên của Đảng trong cuộc «đổi đời». Lúc bấy giờ, nhiều người trong số họ tự nguyền rủa mình đã chóng quên cái thời «trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận ngọn» những năm 30! Nhưng, than ôi! đã quá muộn rồi! Bà Nguyễn Thị Năm, tức Cát Thành Long, trước cách mạng đã từng che giấu, nuôi ăn, giúp đỡ các ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Lê Giản... đã từng hiến 100 lạng vàng cho chính phủ Hồ Chí Minh trong Tuần lễ Vàng, lại có con trai đi bộ độïi làm trung đoàn trưởng, thế mà trong cải cách ruộng đất, cả cái Bộ chính trị của ĐCS, gồm đủ mặt vua quan Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, đã vong ân bội nghĩa, muối mặt  đồng ý quy bà là địa chủ cường hào ác bá và chuẩn y án tử hình đối với bà! Mà đâu có phải chỉ một mình bà Nguyễn Thị Năm đã phải ngã gục trước mũi súng của cộng sản, mà còn hàng ngàn, hàng vạn người khác đã từng giúp đỡ cho những người cộng sản hoặc chính bản thân mình đã theo ĐCS, tham gia cách mạng, liều mình, hoạt động gian nan trong vùng địch... cũng đều bị những cái chết vô cùng thảm khốc. Cụ thân sinh Phùng Cung cũng vậy! Cụ tiến sĩ Nguyễn Mai, cháu ruột thi hào Nguyễn Du, cũng vậy!... Cái hình ảnh «ngọn tháp mỗi lúc một to ra, cao lên, cờ cũng tăng thêm gấp bội. Tất cả các cờ đều đính diềm lưỡi câu thép ngoại, đều quay tít để chuẩn bị cho mỗi người một cái chết móc hàm» là ẩn dụ vô cùng khủng khiếp và rùng rợn.

     Tiếp sau cải cách ruộng đất là nhiều cuộc cải cách và cải tạo khác, – nào là hợp tác hoá nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, nào là cải tạo công thương nghiệp, nào là cải tạo giai cấp tư sản, nào là cải tạo trí thức, văn nghệ sĩ, nào là đánh giai cấp tư sản mại bản, nào là chống người Hoa, nào là xây dựng vùng kinh tế mới, v.v... – tất cả các cuộc đó đều phải kinh qua «đấu tranh cách mạng», qua cướp đoạt tài sản, qua đàn áp, chết chóc, qua bạo lực. Đó là chưa kể những lệnh tập trung cải tạo ngày 20.06.1961 (ở miền Bắc) và sau ngày 30.04.1975 (ở miền Nam) bắt nhiều trăm ngàn người vào các trại tù khủng khiếp, đày ải  họ khốn khổ hàng chục năm trời, làm hàng chục vạn người phải chết thảm trong tù, bỏ xác nơi rừng hoang. Các lãnh tụ ĐCSVN bảo là họ tuân theo lời dạy của ông tổ cộng sản Karl Marx: «bạo lực là bà đỡ của cách mạng». Nhưng chữ «cách mạng» ở đây họ đã đánh tráo bằng chiếc ghế quyền lực của chính họ đặt trong «tán vàng chói loé trên đỉnh tháp», chiếc ghế đó bảo đảm cho quyền lợi riêng của họ và gia đình họ! Vì thế, trong giấc mộng của Phùng Cung, anh chỉ thấy toàn bạo lực, toàn những lá cờ đỏ quay vòng bay tít, diềm đính toàn lưỡi câu thép ngoại để chuẩn bị cho những người chạy theo dưới những lá cờ đỏ đó một cái chết móc hàm! anh chỉ thấy người người lớp lớp chạy vòng quanh tháp, người nào người nấy cầm vũ khí chạy cách nhau «một tầm lê đâm trộm», mà người chạy trước là kẻ thù mà người chạy sau phải giết! Hình ảnh khủng khiếp đó phản ánh rất đúng cái thủ đoạn độc địa của Đảng trong cuộc «đổi đời»: những ai không chịu «múa lưỡi» theo ý Đảng, đều bị nghi ngờ,  đều bị quy là «phản động», là «gián điệp», đều là kẻ thù, phải bị tiêu diệt. Những cảnh mà Phùng Cung đã mô tả, làm tôi nhớ đến sự so sánh của một nhà văn Nga viết hồi cuối thập niên 80: cuộc cách mạng vô sản ở Liên Xô là cỗ-máy-nghiền-thịt ngốn sống hàng chục triệu sinh mạng người dân xô-viết!

 

     “... để người đời khỏi ngộ nhận!”

 

     Đến đoạn kể về «Cứt tụng» thì nghệ thuật trào lộng của Phùng Cung đã lên tột đỉnh. Chắc mọi người còn nhớ, sau khi chiếm được chính quyền, tất cả các lãnh tụ cộng sản ở châu Á – Mao, Hồ, Kim – đều bắt chước Lenin và Stalin cho bộ máy tuyên truyền của Đảng mở hết tốc lực để tôn vinh mình. Có vị lại còn giả danh người khác, bí mật tự tay viết tiểu sử mình, tự ca tụng mình, rồi tự tôn vinh mình là Cha già Dân tộc! Hồi đầu những năm 50, bắt đầu xuất hiện bài tụng ca Mao Trạch Đông, tiếp sau một thời gian là bài tụng ca Hồ Chí Minh...

     Đông Phương hồng, Mặt Trời lên!

     Chúng ta có Mao Trạch Đông!

     Với muôn dân, Người là Cứu Tinh...

     Hồi đó, cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam «hồn nhiên» hát bài ấy mà không biết ngượng, vì chính các lãnh tụ cộng sản Việt Nam cũng chẳng hề biết nhục với tiền nhân, khi coi đất nước mình như «phiên thuộc» hay «thuộc quốc» của Trung Hoa: mọi việc kinh tế, nội chính, ngoại giao, quân sự, văn hoá, giáo dục, xã hội... của đất nước họ đều giao cho các ngài cố vấn Trung Quốc «bảo ban» hết cả!

     Lẽ thường, các bài tụng ca là để tôn vinh – nói theo kiểu dân dã là «bốc thơm» – lãnh tụ và Đảng. Thế mà Phùng Cung lại định bụng viết một bài tụng ca cứt để ghi ơn «bãi cứt cứu sinh»! Mà cái tứ thơ tác giả định cho vào bài «Cứt tụng» mới thật là thâm thuý – cứt không thèm với tay vịn gió đổi mùi và nguyện hôi thối hết mình để người đời khỏi ngộ nhận... Sự đời nghĩ cũng nực cười: có những người chẳng lấy gì làm «thơm tho» cho lắm, hay nói trắng ra là thối tha, bẩn thỉu, xấu xa (vì độc tài, tàn ác, hiếu sát, tham lam, dối trá, bịp bợm, dâm đãng, tham nhũng, v.v...) mà lại muốn được «bốc thơm», hoặc đã và đang được kẻ nịnh «bốc thơm» hết mực, còn cứt tự biết mình là thối, lại nguyện hôi thối hết mình để người đời khỏi ngộ nhận. Cái đức «chân thật» đó của cứt thật đáng ngợi ca thay!

     Tôi đã giới thiệu truyện «Dạ Ký» của Phùng Cung. Có thể là nhiều điểm tôi còn chưa hiểu hết ý tứ sâu sắc của nhà văn, hay thậm chí hiểu sai. Cũng có thể tôi đã bỏ sót những ý tứ thật hay của tác giả mà không nêu ra. Rất mong được bạn đọc  góp ý, bổ sung và chỉ bảo. Dẫu sao chăng nữa, đây là một truyện trào phúng tuyệt vời, hiếm thấy trong «thời đại Hồ Chí Minh»! Truyện này, cũng như những bài thơ trong tập «Trăng Ngục», nói lên nhận thức rất đúng đắn của tác giả về chế độ độc tài toàn trị của ĐCS. Thực ra, hiện nay, không phải tất cả những người dân chủ trong và ngoài nước đều đã có một nhận thức đúng đắn như thế về bản chất chế độ độc tài toàn trị, nhất là dưới thời ông Hồ. Mà thiếu một nhận thức đúng đắn như thế thì trên con đường dân chủ hoá đất nước, những người dân chủ khó tránh được những khiếm khuyết về mặt tư duy và những chủ trương, chính sách nửa vời, thiếu triệt để trong việc dân chủ hoá.

     Nhân đây, tôi xin thẳng thắn nói điều này: lão tướng Trần Độ là người tôi chân thành mến phục và quý trọng vì những bài viết sâu sắc và đúng đắn của ông từ năm 1996 và vì thái độ thực tâm yêu nước, kiên định lập trường dân chủ của ông. Nhưng tôi rất tiếc là đến năm 1999, khi viết  hai bài “Tâm đắc Hồ Chí Minh 1”“Tâm đắc Hồ Chí Minh 2”, lão tướng vẫn chưa nhận rõ được bản chất chế độ độc tài toàn trị dưới thời của ông Hồ Chí Minh, và ông đã hết lời ca ngợi chế độ của ông Hồ là thực sự dân chủ! Thế mà bốn thập niên trước, trong văn thơ của mình, Phùng Cung đã nhận chân được bản chất độc tài toàn trị của chế độ đương thời! Điều đó thật là hi hữu và đáng quý.

 

Nguyễn Minh Cần

Moskva 22.08.03

     1. Viên đạn bọc đường – thành ngữ du nhập từ Trung Quốc, ý nói sự mua chuộc của địch.

     2. Đốt cháy giai đoạn – thành ngữ tiếng Pháp là bruler une étape. Những người cộng sản rất thích bắt chước từ ngữ này, với ý nghĩa của họ là bỏ qua một giai đoạn phát triển để cách mạng tiến được nhanh hơn. Một ví dụ về “đốt cháy giai đoạn” ở Việt Nam – cuối thập niên 50, do ảnh hưởng «phấn khởi» của «đại nhảy vọt» ở Trung Quốc, ông Hồ đã “sáng suốt” tuyên bố «miền Bắc bỏ qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản mà tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội», đến Đại hội 4 (1976) Đảng lại khẳng định đường lối “sáng suốt” ấy cho toàn bộ đất nước Việt Nam, kết quả là đã đưa cả dân tộc, cả đất nước vào cuộc sống lầm than, khốn khổ chưa từng thấy. Cái bi hài của sự “đốt cháy giai đoạn” này là đến Đại hội 6 (1986), Đảng lại đưa ra đường lối: “làm kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, thực chất là chủ trương phát triển chủ nghĩa tư bản, cho dù đó là thứ chủ nghĩa tư bản “rừng rú”. Còn Phùng Cung ngay từ cuối thập niên 50, đã sớm mỉa mai cái tinh thần “đốt cháy giai đoạn  của Đảng! Đến bây giờ, càng ngày dân ta càng thấy rõ: hoá ra, cái tinh thần “đốt cháy giai đoạn để tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, bước đầu của chủ nghĩa cộng sản”... cuối cùng, đang đưa dân ta tiến lên... chủ nghĩa tư bản!

     3. Xem bài “Cám Ơn” (1961) trong tập thơ “Trăng Ngục”.

     4. Một ý trong bài thơ «Bánh Vẽ» của Chế Lan Viên.

     5. Trích chân dung Hoài Thanh của Xuân Sách.

     6. Vì muốn tập trung vào những điểm chính mà mũi nhọn châm biếm của nhà văn định hướng vào, nên người viết xin phép lướt qua hoặc bỏ bớt những chuyệân kể về các cuộc gặp nhà thơ Quang Dũng, nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Lê Đạt và cụ Tiên, dù rằng ở những cuộc gặp gỡ này đều có nhiều tình tiết rất thú vị.

     7. Lành là bí danh của Tố Hữu.

     8. Anh em vẫn hay gọi đùa Văn Cao là «cụ tiên chỉ».

     9. Xem Tục Ngữ Phong Dao của Nguyễn Văn Ngọc, tr.358.