Năm 1991,
Trần Ðức Thảo được phép trở lại Pháp sau bốn mươi năm
rời khỏi đây về nước rồi mất tại Paris năm 1993. Từ lâu
ông đã trở thành một personna non grata,
song đối với thế giới triết học vào thời hiện tượng luận nở rộ,
tên tuổi ông được nhắc đến trong nhiều sách ở những
thập niên 50, 60 trở đi.
Trần Ðức Thảo được đào tạo hoàn toàn trong
môi trường giáo dục thuộc địa Pháp (học
lycée ở Hà Nội, rồi Louis-le-Grand và Henri-IV
trước khi thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm đường Ulm (ENS
d'Ulm)) nên những tác phẩm chính của ông viết
bằng Pháp ngữ.
Hai tác phẩm chính của Trần Ðức Thảo đánh dấu
hai giai đoạn: giai đoạn 1951 trở về trước, ông thuộc khuynh
hướng chủ nghĩa Mác hiện tượng luận, và giai đoạn sau,
ông là một người Mácxit Lêninit.
Hành trạng trí thức
Khi Trần Đức Thảo theo học trường Cao Ðẳng Sư phạm
vào năm 1939 thì chủ nghĩa Mác và triết học
Hegel đã có những ảnh hưởng lớn tại Pháp,
không như Sartre nghĩ:
"Vào năm 1925
khi tôi mới hai mươi tuổi, không có một ghế giảng
dạy chủ nghĩa Mác tại Ðại học, và những sinh
viên cộng sản phải rất thận trọng, không được nói
đến hay ngay cả nhắc đến tên trong những kỳ thi, nếu họ
nói đến chủ nghĩa Mác, họ có thể bị đánh
rớt. Nỗi kinh hãi về biện chứng ghê gớm đến nỗi Hegel thật
xa lạ với chúng tôi" [1]
Thật ra trong thập niên 20, những nhà xã hội như
Charles Andler, Lucien Herr, Victor Basch, Edmond Vermeil đã
chiếm những ghế quan trọng ở Sorbonne, cũng như ở trường Cao đẳng Sư
phạm và Học viện Pháp quốc. Họ đã đem tư tưởng
Hegel vào Ðại học Pháp và đặc biệt
nghiên cứu mối quan hệ giữa tư tưởng Hegel và chủ nghĩa
xã hội (một luận án đề xuất vào năm 1907 ở
Sorbonne đã nghiên cứu ảnh hưởng của Hegel đối với Marx).
Vào những năm cuối thập kỷ 20 này, những nhà triết
học trẻ như G. Politizer, Paul Nizan, Henri Lefebvre, G.Friedman quy tụ
thành nhóm tạp chí Philosophies. Thế hệ
mới của những nhà triết học Mácxit xuất hiện những
tên tuổi như Auguste Cornu, René Maublanc, Roger Garaudy
và George Cogniot.
Auguste Cornu đào sâu ảnh hưởng của Hegel đối với sự
hình thành tư tưởng của Mác thời kỳ trẻ trong luận
án đề xuất ở Sorbonne vào năm 1934. Tập khảo luận "A la
lumière du Marxisme" do Henri Wallon chủ trương đã giới
thiệu một khuôn mặt Mácxit sáng giá
là René Maublanc trình bày mối quan hệ giữa
Hegel và Marx. Maublanc đã giảng dạy triết tại
Lycée Henri IV, nơi Trần Ðức Thảo theo học trước khi được
nhận vào trường Cao Ðẳng Sư phạm. Một triết gia
Mácxit trẻ khác là G. Politzer trong những
bài giảng ở Ðại học Công nhân (Université
Ouvrière) trong những năm 1932 - 1935 đã nhận ra
phép biện chứng thuần lý trong triết học Hegel.
Những tác phẩm thời trẻ của Mác như Tập bản thảo kinh
tế triết học và Hệ tư tưởng Ðức đã được
phát hiện và dịch ra tiếng Pháp trong thời gian
này. Ðồng thời tập Chủ nghĩa duy vật và Chủ
nghĩa kinh nghiệm phê phán và Bút
ký triết học của Lenin cũng được dịch và lưu
hành ở Pháp trong những năm 1928 và 1938, Chủ
nghĩa Mác được tuyên truyền thông qua những phong
trào công nhân, nhưng cũng xâm nhập đại học
một cách rộng rãi.
Những trào lưu tư tưởng lớn có những bước thăng trầm
trong lịch sử. Tư tưởng của Hegel đã xâm nhập đại học
Pháp từ thế kỷ 19, cũng mang những dấu ấn khác nhau.
Alexandre Kojève nhận xét: "Mọi lý giải về Hegel
chỉ là một đề cương của đấu tranh và lao động".
Ðiều này có thể áp dụng cho mọi giai đoạn.
Nhưng chính Kojève là một người đã
làm sinh động tư tưởng Hegel trong những bài giảng ở
trường Cao đẳng Sư phạm vào những năm 1936 - 1939. Kojève
đã gây ảnh hưởng cho hơn một thế hệ kế tục đọc Hegel,
Mác và tư tưởng hiện sinh Ðức.
Cũng trong khoảng thời gian này, một giảng viên
khác ở trường Cao đẳng Sư phạm là J. Hyppolite đưa ra một
lý giải khác về Hegel, công phu và tỉ mỉ.
Trần Ðức Thảo chắc hẳn đã được dẫn nhập vào con đường
nghiên cứu Hegel và Mác qua những ảnh hưởng của
Kojève, Hyppolite và Cavaillès.
Nhưng một khuôn mặt lừng danh khác có ảnh hưởng
sâu sắc trong sự hình thành tư tưởng của Trần
Ðức Thảo là M. Merleau-Ponty. Thời gian Trần Ðức Thảo
theo học trường Cao đẳng Sư phạm thì Merleau-Ponty làm
trợ giáo (caiman) ở đây. Trong số những học viên
xuất sắc có Vuillemin và Trần Ðức Thảo.
Con đường nghiên cứu triết lý của Trần Ðức Thảo mang
những chuyển biến tư tưởng như theo dấu ấn của Merleau-Ponty - từ bước
đường nhập môn hiện tượng luận đến những nghiên cứu về
nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ, sự tìm
kiếm bản chất của cấu trúc ứng xử nơi con người.
Khi Sartre và Merleau-Ponty cùng một số những trí
thức tả khuynh khác thành lập tạp chí Thời mới
(Les Temps Modernes), với Merleau-Ponty làm giám
đốc chính trị, đăng những bài viết chính trị xuất
hiện dưới ngòi bút của Claude Lefort và Trần
Ðức Thảo, hai môn đệ của Merleau-Ponty.
Ðối với thế hệ Trần Ðức Thảo theo học trường Cao đẳng Sư Phạm,
khoa Hiện tượng luận của Husserl không còn xa lạ như một
thập niên trước nữa. Cũng trong thời gian này, cuộc chiến
bùng nổ và Ðức quốc xã đã tràn
sang chiếm đóng nước Pháp, Trần Ðức Thảo được kể
là một người có công mang những bản thảo di cảo của
Husserl qua lằn tuyến kiểm soát của lính Ðức về
Louvain, nhờ khuôn mặt Á đông của ông.
Ðây cũng là cơ hội Trần Ðức Thảo được đọc những
bản thảo chưa in của Husserl để sửa soạn cho luận án ông
đang tiến hành.
Hiện tượng luận và chủ nghĩa Mác
Tác phẩm Phénoménologie et Matérialisme
Dialectique của Trần Ðức Thảo xuất bản năm 1951 [2]
là tập hợp hai phần nghiên cứu viết trong những thời điểm
khác nhau:
Trần Ðức Thảo xác định phần thứ nhất soạn trong khoảng 1942
đến 1950 trình bày "căn bản cốt lõi của hiện tượng
luận thuần túy trên phương diện lịch sử và trong
chính những viễn tượng của tư tưởng Husserl" và ngay cả
phần phê phán của tác giả cũng chỉ nêu ra
những mâu thuẫn nội tại ngay trong tác phẩm của Husserl.
Phần thứ hai của tác phẩm hoàn tất năm 1951 hoàn
toàn đặt trên bình diện của chủ nghĩa duy vật biện
chứng.
Trần Ðức Thảo là một trong những người tiền phong đã
khai phá vấn đề quan hệ giữa hiện tượng luận và chủ nghĩa
Mác. Trước Trần Ðức Thảo là Herbert Marcuse với Tham
luận góp phần về một hiện tượng, luận của chủ nghĩa duy vật lịch
sử [3]
.
Trong tiểu luận này, Marcuse phác họa một chương
trình phê phán hiện tượng luận hiện sinh và
chủ nghĩa Mác: Hiện tượng đi sâu vào cấu
trúc căn bản của hiện hữu con người, khai phá đặc
tính nền tảng và phổ biến còn chủ nghĩa duy vật
lịch sử với nhận thức bản thể về cấu trúc của đời sống, nắm vững
những biến thái lịch sử cụ thể. Ý đồ của Marcuse
là xây dựng một "hiện tượng luận biện chứng" nhằm
phân tích những khả năng cụ thể trong giới hạn của
hoàn cảnh lịch sử thực, đi tới viễn tượng một thực tiễn
cách mạng nhằm biến đổi nó trong chiều hướng nhân
bản. Marcuse viết:
"Ðiều này
là một sự mở rộng giá trị của hiện tượng luận biện
chứng... nó chỉ ra hiện hữu của con người lịch sử, cả về mặt cấu
trúc cơ bản lẫn những hình thái và dạng
thức cụ thể."
Lý giải chủ nghĩa Mác mở ra hai chiều hướng: những người
Macxit như Lukacs, Marcuse, Habermas hay Sartre xây dựng
trên sự chuyển biến của lịch sử con người, trong khi những người
Mácxit - Lêninit thừa kế Engeln quan niệm vận động biện
chứng trong tự nhiên và tác động vào lịch sử
con người.
Vào năm 1946, Trần Ðức Thảo đưa ra một tiểu luận in trong Revue
Internationale nhan đề "Chủ nghĩa Mác và hiện tượng
luận" khởi thảo việc nghiên cứu đối chiếu và phê
phán. Ðến tác phẩm xuất bản năm 1951, minh thị
rõ rệt hơn với nhan đề "Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy
vật biện chứng", Trần Ðức Thảo xác quyết: Chủ nghĩa
Mác cho chúng ta giải pháp duy nhất có thể
quan niệm được về những vấn đề mà chính hiện tượng luận
đề ra [4]
.
Chọn lựa con đường đi vào chủ nghĩa Mác không phải
là một chọn lựa chính trị nhất thời, mà là
một chọn lựa triết lý. Trần Ðức Thảo được huấn luyện trong
trường Cao đẳng Sư Phạm, ở đó Cavaillès và Maurice
de Gandillac đã đem hiện tượng luận và chủ nghĩa
Mác vào giảng dạy. Một người ảnh hưởng đến Trần Ðức
Thảo là Merleau-Ponty cũng đã đề cao chủ nghĩa Mác
"không phải là một triết lý về lịch sử mà chính
là triết học của lịch sử và phủ nhận nó chẳng
khác nào đào huyệt chôn lý trí
trong lịch sử" [5]
Mặt khác, Trần Ðức Thảo ở vào thế hệ những môn
đệ hiện tượng luận phải thông qua con đường lý luận Hegel,
qua sự dẫn nhập vào tác phẩm Hiện tượng luận về tinh
thần của Kojève và Hyppolite. Trần Ðức Thảo
đã viết một tiểu luận nghiên cưú nội dung thực của
tác phẩm Hiện tượng luận về tinh thần in trên Les
Temps Modernes năm 1948 [6]
. Trần Ðức Thảo cho rằng nội dung của tư tưởng Hegel (bao gồm
toàn thể lịch sử thế giới) chủ yếu bắt nguồn từ chủ nghĩa
khách quan và sau cùng hàm ngụ một chủ
nghĩa duy vật giấu mặt mà Hegel có thể khai triển
khái niệm về chuyển biến và phương pháp biện chứng
làm tiền đề cho tư tưởng Macxit. Tư tưởng cốt lõi của Hiện
tượng luận về tinh thần là khái niệm Aufhebung
như một quá trình vận động qua ba tác động: hủy
diệt hình thái trực tiếp không thực và
không phải chân lý của hiện tượng, để duy
trì cái chân chính và thực nhất
của nó để vươn lên hình thái trung
thực nhất của hiện tượng.
Trong Phénoménologie et Matérialisme Dialectique
(PMD), Trần Đức Thảo đã vận dụng khái niệm cơ bản
này để giải thích tại sao "những phân tích
hiện tượng luận cụ thể chỉ có thể vận dụng mọi ý nghĩa
và được phát triển đầy đủ trong tầm chân trời duy
vật biện chứng". Không có gì mâu thuẫn trong
việc quan niệm một "biện chứng hiện tượng luận" khi ông viện dẫn
Husserl đã đặt trọng điểm triết lý trong hiện tượng luận
sự vật (Ding):
"Sau cùng ở cơ
sở của mọi thực tại khác, người ta thấy thực tại tự nhiên
và cả hiện tượng luận về tự nhiên vật chất
chắc chắn giữ một vị thế ưu tiên" [7]
Những công trình nghiên cứu của Husserl nhằm
xây dựng "sự vật" nguyên uỷ theo Trần Đức Thảo "chỉ đem lại
những kết quả quyết định trong việc giải trừ những tư kiến cổ điển,
nhưng người ta hoài công tìm kiếm ở đó những
minh xác về nội dung cụ thể của những trung gian hữu hiệu [8]
Phải có một phương pháp khách quan, tức
phép biện chứng Macxít mới xác định được
quá trình khả dĩ xây dựng những ý nghĩa sinh
động trên nền tảng của thực tại vật chất. Phương pháp biện
chứng như Trần Đức Thảo mô tả vẫn mang dấu ấn Hegel "khởi đi từ
cái khả xúc tự vượt để hủy diệt trong cái khả
tri". Những vấn đề cổ điển chỉ được giải quyết toàn diện trong
khuôn khổ của chủ nghĩa Mác, trong khi hiện tượng luận
(Husserl) chỉ ra những khó khăn kỹ thuật mà ông
không ngần ngại phê phán:
"Chủ nghĩa hiện thực
trong Losgishe Untersuchungen của Husserl chỉ là một hình
thái mâu thuẫn của một phân tích ý
hướng không biết đến ý nghĩa thực của nó. Nó
hàm ngụ yêu cầu của một sự đảo ngược biện chứng" [9]
Khởi từ một đoạn văn trong Nguồn gốc của hình học
(Ursprung der Geometrie), Trần Ðức Thảo nhận định: con đường đi từ
khả xúc đến khả tri chỉ có thể vạch ra một cách
chính xác bằng sự phân tích những
hình thái kỹ thuật và kinh tế của sự sản xuất (ra
những điều kiện tồn tại của con người). Chính vì thế
phương pháp hiện tượng luận vấp phải những khó khăn
không thể vượt qua là sự mô tả những ý chỉ
tiền trí từ (significations antéprédicatives) phải
trở lại những điều kiện tồn tại của vật chất và thiết yếu định
đặt chủ thể trong khuôn khổ của thực tại khách quan.
Hiện tượng luận có giá trị ở chỗ mô tả được
cái sinh động (le vécu) làm nền tảng cho mọi
ý nghĩa chân lý, nhưng quan điểm trừu tượng của
nó đã không cho phép nhìn thấy nội
dung vật chất của đời sống khả xúc, do đó tất cả cơ sở
của sự cấu thành thế giới (Weltkonstitution) mang tính
cách thường hằng triệt để.
Tóm lại, qua phê phán của Trần Đức Thảo, công
trình hiện tượng luận là một vận động biện chứng
có tính cách tư duy trong khi thực hành.
Nó phải nhường bước cho chủ nghĩa duy vật biện chứng, coi như chân
lý của chủ nghĩa duy tâm siêu
nghiệm [10]
.
Khi phê phán chủ nghĩa hiện sinh, trào lưu tư tưởng
đang thống trị Tây Âu bấy giờ, Trần Ðức Thảo đã
dùng hiện tượng luận làm trung gian để so sánh:
Chủ nghĩa hiện sinh nêu ra sự khác biệt về yếu tính
giữa sự tồn tại con người và thực tại tự nhiên chỉ trở lại
bình diện ý thức ngây thơ; những khái niệm
siêu việt, hoàn cảnh, chọn lựa, dự phóng của
Heidegger được đề ra trước khi có giảm trừ hiện tượng luận,
trong khi chủ nghĩa duy vật biện chứng xét những hình
thái khác nhau của hữu thể trong vận động từ hình
thái này qua hình thái khác. Vật
chất được đặt ra trong ý thức chuyển biến (devernir-conscience),
cũng như tự nhiên đặt ra trong sự chuyển biến về nhân
tính, như vậy nó được xét dến sau khi có sự
giảm trừ [11]
.
Con đường Mácxit của Trần Đức Thảo có đáp ứng được
những viễn tượng hứa hẹn như ông trình bày trong
phần phê phán hiện tượng luận không?
Hấp thụ nền giáo dục triết lý của trường Cao đẳng Sư phạm
ở giai đoạn này, Trần Đức Thảo vẫn chưa vượt ra khỏi quỹ đạo
hiện tượng luận. Mặt khác thông qua ánh sáng
lý luận của biện chứng Hegel, cơ sở tư tưởng của ông vẫn
xây dựng trên khái niệm vận động biện chứng Aufhebung.
Trong PMD, Trần Đức Thảo không hề nhắc đến Lenin. Tuy nhiên
cũng như nhiều người Mácxít Pháp khác,
ông dựa vào Engeln. Cho nên ngay đề phần thứ hai,
ông đã dẫn Engeln:
"Vật chất không
phải là sản phẩm của tinh thần mà tinh thần là sản
phẩm cao cấp của vật chất."
Ở tiết 1, ông đã bàn về một vấn đề rất cổ điển
là "Ý thức và vật chất" nhằm xác định
lâp trường duy vật của ông:
"Chỉ có biện
chứng duy vật mới cho phép chủ thể tự thức và tự khẳng
định trong thực tại hữu hiệu về hiện thể của mình, như thể trước
hết nó vượt khỏi ý thức của nó, để tuần tự đặt ra
với chính nó như ý nghĩa chân lý
của nó" [12]
.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Merleau-Ponty khá rõ rệt
trong những vấn đề đặt ra ở PMD. Cũng bắt đầu từ hiện tượng luận như
là một phương pháp, sau khi qua những chặng đường
mô tả kinh nghiệm tiền trí từ, Trần Đức Thảo rút ra
kết luận là tất cả công trình cấu tạo thế giới
(Weltkonstitution) nghiên cứu về thế giới khả xúc mang tất
cả ý nghĩa về những cấu trúc của ứng xử, đã vấp
phải những khó khăn không thể vượt qua. Chỉ có
phương pháp biện chứng mới đưa ra những viễn tượng khả dĩ
có thể nhận thức:
"Thực tại như thể biện
chứng là một vận động mà trong mọi cách thế của
hữu thể, những biến chuyển của trật tự nhân qủa được xác
định bởi cấu trúc riêng của từng cách thế
này tất yếu do chính sự phát triển nội dung của
chúng phải dẫn tới sự cấu thành một cách thể mới,
hội nhập cách thể trước và nắm giữ nó như thể hủy
diệt, duy trì và vượt qua." [13]
Cho nên nội hướng tính của ý thức cũng như quan hệ
lý tưởng với khách thể phải đi dần tới cấu trúc
của chủ thể thực sự, nghĩa là khởi từ chính thân
xác như trung tâm của vận động. Như vậy không thể
dùng phép "giảm trừ" trừu tượng của hiện tượng luận
mà phải nhờ phép biện chứng để nắm vững thấu đáo
biện chứng của ứng xử xác định hành vi của ý thức.
Chương thứ I của phần thứ hai tìm hiểu biện chứng của ứng xử
sinh vật như thế biến chuyển của nhận thức đích xác về
cái khả xúc.
Vấn đề này đã đề ra trong Hiện tượng luận về
tinh thần của Hegel, tuy nhiên khi đi tìm hiểu khởi
sinh của ý thức, biện chứng của khái niệm của Hegel
đã thất bại so với phương pháp hiện tượng luận Husserl
nắm vững sự đích xác trực tiếp của khách thể đơn
giản đã được đề ra trong trực giác, chứng tỏ ưu thế của
phương pháp trực giác này. Tuy nhiên những
lý giải hiện sinh của những môn đệ Husserl đã loại
bỏ nội dung vật chất của kinh nghiệm khả xúc, đưa hiện tượng
luận tới chủ nghĩa phản lý toàn diện [14]
.
Với tiêu đề "biện chứng của vận động thực", Trần Đức Thảo khởi đi
từ quan điểm duy vật biện chứng theo Engels trong việc tìm hiểu
biện chứng của tự nhiên: sự tiến hóa của ứng xử sinh vật
từ tri giác sự vật ở loài động vật có vú,
đi ngược lên tiếp thu sự vật ở loài cá, ngược
lên nữa là sự di động của loài sâu, sự rời
chỗ ở loài động vật nguyên sinh (như loài động vật
ruột khoang - Coelentérés) tương ứng với sự phát
triển cá thể của trẻ sơ sinh.
Áp dụng hai khái niệm hiện tượng luận vào vận động
sinh vật, Trần Đức Thảo nhận định ý hướng tính của
trì động (rétention) như chuyển động dồn ép của
hoạt động hút và đẩy trong quá trình
hoàn tất phản xạ - những chuyển động dồn ép sống động
trong một vận động lý tưởng của phóng động (protention),
ở đó chủ thể có ý thức dự tưởng về tương lai nội
tại qua một toàn bộ những hướng động vạch ra chân trời
trường cảm xúc [15]
Trần Đức Thảo muốn chỉ ra sự sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa
duy vật máy móc khi quan niệm tư tưởng chỉ là một
sự bài tiết của bộ óc đã ngăn chặn bộ óc
cảm thụ và không biết đến cấu trúc của vận động
thực:
"Khi nhận thức được
cái ý nghĩa của cái sinh động, tính hướng
nội của ứng xử dưới dạng những sơ đồ dồn ép cấu tạo mối quan hệ
ý hướng với khách thể đã đưa sinh thể lên
hàng đời sống chủ thể,và sự giải thích khoa học
không phải là một sự giảm trừ trừu tượng mà
là khởi sinh tạo ra vận động kỳ thành của sự chuyển biến
thành ý thức của thực tại vật chất" [16]
Khởi sinh những cấu trúc của ý thức có thể bắt đầu
từ việc khảo sát nguồn gốc sinh vật của con ngưòi,
xây dựng trên biện chứng chung của những cấu trúc
chủng loại từ loài nguyên sinh đến con người, về mặt
phát sinh cá thể: sự phát triển của trẻ sơ sinh
một tháng tương ứng với sự phát triển của loài
sâu, năm tháng với loài cá, chín
tháng với loài động vật có vú, một năm với
loài khỉ, mười tám tháng với loài giả
nhân cho đến năm hai tuổi phát triển đầy đủ của
loài sinh vật cao cấp là con người.
Quá trình nội hướng dưới dạng ứng xử phản xạ, phát
triển từ cấp độ định hướng và di động được, cho đến khả năng nắm
được vật bên ngòài là ý nghĩa của
ngoại hướng tính. Sự thể hiện dục vọng là quá độ
của tính trực tiếp của xúc động đến sự thường trực của
tình cảm ở loài động vật có vú.
Ở loài khỉ, tương ứng với trẻ sơ sinh một tuổi, đã
có khả năng trung gian xác định thực tại của ứng xử, tuy
nhiên vẫn chưa có khả năng nội hướng của ý thức.
Sự phát triển hành vi của trung gian tạo ra việc biết sử
dụng phương tiện (instrument) trong đó vận động xảy ra trước bị
dồn ép và sống động của một vận động có ý
hướng.
Ở giai đoạn kế tiếp khi con người biết sử dụng công cụ (outil)
thì chức năng phương tiện không thuần túy chỉ thực
hiện ở hoàn cảnh hiện tại mà có thể sản sinh, giữ
gìn và duy trì; con người như vậy đã nhận
thức được ý nghĩa của một phương tiện tự nó có
hiệu quả. Sử dụng công cụ đánh dấu sự xuất hiện con người.
Vận động của lao động khi đã là lực lượng sản xuất được
phản ảnh trong những hành vi của tổ chức và dạy dỗ chứng
tỏ quá trình sản xuất trở thành đối tượng của một
ý chí có ý thức dưới dạng nguyên ủy
của ý chí tha nhân; từ giai đoạn này sự hợp
tác lao động đánh dấu dạng thức của ngôn ngữ, tuy
nhiên những qui luật xác định hoạt động sản xuất trước hết
cấu thành ở bên ngoài ý thức, nghĩa
là xuất hiện trong thực tại của ứng xử, như một hiệu quả
khách quan của những điều kiện. Bắt chước một định thức nổi
tiếng của Marx, Trần Đức Thảo viết: "Như vậy tự nguyên ủy
không phải ý thức xác định ứng xử mà ứng xử
sinh ra ý thức" [17]
Suy tưởng về thực tiễn của con người xây dựng chân
lý của hình học trong một đoạn văn ở Ursprung der
Geometrie của Husserl, Trần Đức Thảo đi tới kết luận là chỉ
có sự phân tích những hình thái kỹ
thuật và kinh tế của sản xuất ra những điều kiện tồn tại của con
người mới minh giải được đời sống khả xúc của con người: "Sử
dụng công cụ biểu thị sự tồn tại của con người", cho nên
trong chương II phần hai, ông đã khảo sát
quá trình vận động thực của lịch sử con người theo một
viễn tượng biện chứng như sau:
-
Ở
giai đoạn tối cổ, những lực lượng sản xuất cấu thành với vận
động của công cụ chưa mang hình thái của cải vật
chất, mà chỉ mới ở mức độ chiếm hữu những giá trị sử
dụng, tương ứng với nguồn gốc của tôn giáo nguyên
thủy xây dựng trên cơ sở vận động của vật hy sinh:
"Mọi
tôn giáo được xây dựng trong một vận động tượng
trưng ở đó chủ thể tự hủy diệt trong sự tồn tại tự nhiên
của nó để nâng lên thành ý thức về "sự
tồn tại thực sự" của nó. Trước khi là một dâng hiến
cho thần thánh, vật hy sinh là sự chuyển biến
của chính vật linh, qua đó cái thực
được siêu việt trong khi tự hủy". [18]
-
Sau
giai đoạn kinh tế săn bắn của nhân loại, khởi đầu của sự
tích lũy của cải trong sản xuất của giai đoạn kinh tế gia
đình, xuất hiện những tinh thần cá thể. Trao đổi
hàng hóa không còn giới hạn trong những viễn
tượng chật hẹp của giá trị sử dụng nữa mà được tổ chức
theo giá trị trao đổi xác định một cách
khách quan hình thái của một phổ biến tính
thuần lý. Tuy nhiên nền kinh tế thương mại chỉ có
lợi cho một giai tầng đặc biệt tách ra khỏi đám
đông lao động để trở thành một giai cấp thống trị. Những
cấu trúc thuần lý phát triển trong phương thức sản
xuất mới này tha hóa trong hình thái truyền
thống của bản chất thiêng liêng, tương ứng với một
tôn giáo quan niệm đấng cứu thế hy sinh. Dưới hình
thái chiếm hữu phát sinh những khái niệm thực tiễn
mới, trong đó sự phát triển sản xuất không
phù hợp với những quan hệ trao đổi và lịch sử qua những
đối kháng trực tiếp này là vận động của những
tranh đấu và thỏa hiệp giữa giai cấp tư sản và giai cấp
quý tộc. Cũng ở trong quan điểm này, lịch sử không
còn là lịch sử của những giai cấp thống trị mà
là lịch sử của lao động sản xuất và những quan hệ của con
người. Trần Ðức Thảo dẫn lời Mác:
"Ở
một giai đoạn nào đó của sự phát triển, những lực
lượng sản xuất của xã hội mâu thuẫn với những quan hệ sản
xuất hiện hữu. Từ những hình thái tiến hóa của
những lực lượng sản xuất, những quan hệ này trở thành
những chướng ngại của những lực lượng này, ở đó mở ra một
kỷ nguyên cách mạng xã hội
Và người ta không phán đoán một cá
nhân trên ý tưởng tạo ra cho chính hắn, người
ta cũng không phán đoán một thời đại trên
ý thức tự thân của nó, mà ngược lại phải
giải thích ý thức này bằng những mâu thuẫn
của đời sống vật chất, bằng sự xung đột giữa những lực lượng sản xuất
xã hội và những quan hệ sản xuất hiện hữu".
-
Giai
đoạn quá độ từ nền kinh tế buôn bán sang nền kinh
tế tiền tệ, tiền là vận động của những trao đổi trở thành
trung gian đưa tính phổ biến của hàng hóa trở
thành sự tự trị của ý thức tự thân, như thể
khái niệm trong hình dung khái niệm, đấu tranh
giai cấp xuất hiện dưới một bộ diện triệt để mới: giai đoạn phong kiến
mở đường cho cuộc cách mạng tư sản, sự tồn tại thần thánh
mang hình thái tồn tại khả tri, biểu hiện cho sự
siêu việt của tư tưởng và khái niệm phổ biến của Cứu
chuộc biểu hiện tính phổ biến thực sự đắc thủ trong những
quan hệ của con người qua sự bành trướng của kinh tế tiền tệ.
Tuy nhiên, ý nghĩa chính thống của tính phổ
biến nhân loại chỉ xuất hiện dưới hình thái hủy
thể, sự chối bỏ huyền nhiệm những của cải trần gian bằng biểu tượng
thuần túy của đời sống hằng cữu.
- Sự tiến bộ chung của
những lực lượng sản xuất đã đưa giai cấp tư sản phương Tây
đi chinh phục thị trường thế giới, minh thị hình thái mới
của chiếm hữu tư sản, trong đó quyền năng phổ biến của tiền
không chỉ mang ý nghĩa thống nhất hàng hóa
mà mang khả năng phát triển thuần lý
(capacité du développement rationnel), dưới danh nghĩa tư
sản phối hợp những thời khoảng khác nhau của quá
trình sản xuất. Trong vận động như vậy, lao động sản xuất trở
thành bản chất của giá trị, cấu thành phố biến
xây dựng sự thống nhất những mặt khác biệt trong biện
chứng trao đổi.
Quá trình lao động này tách rời khỏi thực
tại kỳ thành của nó để giản lược vào một tất yếu
toán học thuần túy, tước bỏ mọi ý nghĩa nhân
tính. Ở đó khoa học hiện đại về tự nhiên
phát triển trong chân trời máy móc
này.
Cũng như Husserl đã chỉ ra khi xét đến ý nghĩa
công chính của tư tưởng khoa học, cơ sở chân
lý chỉ có thể tìm thấy trong lao động xã
hội của con người, cho nên vận động lý tưởng của những
khái niệm trong khoa vật lý toán học chỉ là
biểu hiện trừu tượng của vận động thực của công nghiệp, như thể
sự hài hòa thể hiện một cách thực tiễn giữa
trí năng và sự vật.
Như Marx đã chỉ ra trong tập hai Tư bản, lao động
này mất khả năng nhân tính trong sự chiếm hữu của
tư bản và quyền năng trừu tượng che phủ biện chứng cũng như
chân lý khoa học mang bộ mặt nghịch lý của một hủy
thể đời sống sinh động. Ở đó giai cấp tư sản mới dùng ma
thuật biến quyền năng sáng tạo của lao động con người
thành một thứ hàng hóa đơn giản, như thể vật chất
thuần túy, bị khai thác trong hạch toán kinh tế
và khi sức lực lao động mà công nhân đem
bán cho nhà tư bản, cuộc đấu tranh chống lại những quan
hệ pháp định từ thống trị sang nô lệ khái
quát hóa cơ cấu của hạch toán kinh tế trong quan
niệm của một thế giới bị tước đoạt ý nghĩa.
Ðể nắm quyền bính chính trị, giai cấp tư sản
đã đưa cơ chế tư bản vào khái niệm của
khách thể như vật chất thuần túy, Kant đặt vấn đề những
điều kiện khả hữu của một đối tượng như vậy, nghĩa là sự bảo đảm
pháp lý của chiếm hữu tư sản.
Sự khác biệt giữa biện chứng Hegel và biện chứng duy vật
ở chỗ đó: biện chứng Hegel biểu trưng một thỏa hiệp phổ biến
giữa những giai tầng bóc lột cũ với giai cấp tư sản, trong khi
biện chứng của lịch sử thực phát hiện trong sự bành
trướng của chủ nghĩa tư bản và đại công nghiệp một cấu
trúc mới của hoạt động sản xuất, hàm ngụ sự hoàn
tất tổ chức kinh tế thành một sự hợp nhất toàn diện. Giai
cấp vô sản chứng thực trong những điều kiện như vậy là
chính chân lý của hiện hữu, mang một hình
thái hoàn toàn mới, hàm ngụ sự triệt hủy
thực hữu hiệu, do sự triệt hủy hình thái chiếm cứ tư hữu.
Trong sự xây dựng chủ nghĩa xã hội và bước
quá độ lên chủ nghĩa cộng sản, rốt cuộc hoàn thiện
sự cấu kết hài hòa phổ biến, là giấc mơ của tư
tưởng tư sản trong biện chứng duy tâm với những hình
thái bóc lột và giai cấp vô sản đã
thực hiện trong lãnh vực thực sự tổ chức lao động xã hội,
ở đó mọi cấu trúc giai cấp và nguyên cớ độc
quyền bị thủ tiêu.
[1]Sartre,
Question de méthode (collection Idées, tr.26).
[2]Editions
Minh Tân, Paris 1951.
[3]Marcuse,
Beitrage zu einer Phanomenologie des historischen Materialismus,
Philosophische Hefte, Berlin 1928
[4]sđd,
tr.5
[5]Merleau-Ponty,
Humanisme et Terreur (bản tiếng Anh, tr. 153)
[6]La
phénoménologie de l'esprit et son contenu réel,
Les Temps Modernes số 3, tr. 492 - 539
[7]Husserl,
Ideen I, tr.139 dẫn trong PMD tr.8
[8]PMD
tr. 296 - 7
[9]sđd,
tr. 51
[10]sđd,
tr.228
[11]sđd,
tr.227
[12]sđd,
tr. 247
[13]sđd,
tr. 242
[14]sđd,
tr. 238
[15]sđd,
tr. 256 và 262
[16]sđd,
tr. 266
[17]sđd,
tr. 286
[18]sđd,
tr. 306
Đọc lại Trần Đức Thảo
Cấu trúc luận và chủ nghĩa Mác
Quan hệ giữa ý thức và ngôn ngữ đã trở
thành vấn đề cơ bản trong hành trạng tư tưởng của Trần
Đức Thảo. Ngay từ PMD, khi đi giải thích sự xuất hiện của
ý thức qua những giai đoạn sơ khai của con người, ông ghi
nhận từ tiếng hú của loài vật qua ngôn ngữ con
người đã phối hợp trên cấu trúc của lao động sản
xuất.
Thật sự Trần Đức Thảo vẫn chịu ảnh hưởng sâu đậm của hiện tượng
luận. Sau Husserl, Merleau-Ponty đã đặt trọng tâm
vào ngôn ngữ, khởi từ bài giảng "La conscience et
l'acquisition du langage" năm 1949, ở đó ông chỉ ra sự
khác biệt giữa truyền thống triết học Descartes và triết
học hiện đại chung quanh vấn đề ý thức và ngôn ngữ:
trong truyền thống Descartes không có sự gặp gỡ giữa
ý thức và ngôn ngữ trên cùng một
bình diện, nói khác đi triết lý coi
ngôn ngữ như một sự vật ở ngoài ý thức.
Merleau-Ponty đưa ra một đề cương tìm hiểu bản thể ngôn
ngữ, bao gồm việc nghiên cứu sự phát triển tâm
lý của trẻ con, sự đóng góp của khoa ngữ học
và những kinh nghiệm văn chương. Khi đi tra hỏi ngôn ngữ,
ông đã phát hiện ra ngữ học có thể là
một điển hình nguyên lý làm cơ sở cho việc
phát triển một luận lý về những khoa học nhân văn,
từ đó có thể thiết lập một khoa nhân loại học triết
lý, phổ biến.
Ðó cũng là khởi đầu cấu trúc luận và
người ta đọc lại nguồn gốc ngôn ngữ của Rousseau, Herder
và Saussure.
Những tiểu luận mới của Trần Đức Thảo xuất hiện trên tạp
chí cộng sản Pháp La Pensée vào
năm 1966 sau nhiều năm im lặng đặt trọng tâm nghiên cứu về
nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ mang chiều hướng
này. Trong khoảng thời gian vắng tiếng, ông đã
có cơ hội học tiếng Nga để đọc những tư liệu dân tộc học
và khảo cổ học của các nhà khoa học Liên
Xô.
Những công trình nghiên cứu của ông được
phép xuất hiện ở ngoài nuớc có thể giải
thích được hai lý do: phù hợp với sự phát
động cuộc chiến tâm lý tuyên truyền ra thế giới của
đảng cộng sản Việt Nam và Trần Đức Thảo đã trở
thành một người Mácxit-Lêninit chính thống.
Những tiểu luận này đựơc in lại trong tác phẩm
"Nghiên cứu về nguồn gốc của ngôn ngữ và ý
thức" xuất bản năm 1973 [1]
. Trần Đức Thảo đã dẫn chứng Lenin và hoàn
toàn dựa trên những lý luận kinh điển "ngôn
ngữ là ý thức thực", mà "ý thức trước hết
là một sản phẩm xã hội" (Mác) phát triển
trong sinh hoạt và những quan hệ vật chất mà "vật chất
là một thực tại khách quan ở bên ngoài
ý thức của chúng ta". (Lenin)
Ði tìm nguồn gốc của ý thức, trước hết ông
tránh rơi vào một nghịch lý quan niệm ý
thức là vật chất vì như vậy lẫn lộn giữa chủ nghĩa duy
tâm và chủ nghĩa duy vật vì người ta có thể
đảo ngược lại quan niệm vật chất là ý thức.
Ý thức ở lúc khởi đầu của nhân loại có thể
đánh dấu từ sự xuất hiện của công cụ đầu tiên. Hoạt
động của con người chính là một hình thái
sơ đẳng của ý thức. Những điều tra nhân loại học
Mácxit xác định khởi đầu của ý thức phải
xét từ giai đoạn trung gian trước khi con người tối cổ xuất
hiện. Ðó là giai đoạn trước khi có con người,
loài vượn đã vượt lên khỏi tính cảm thụ để
có tập quán lao động thích nghi. Ý thức như
vậy được nghiên cứu trong "thực tại trực tiếp" của nó: ngôn
ngữ bao gồm ngôn ngữ diễn đạt bằng cử chỉ và
ngôn ngữ diễn đạt bằng lời.
Nguồn gốc ngôn ngữ được cấu thành trên sự vận động
của lao động thích nghi ngay từ cấp độ vượn người. Trần Đức Thảo
dẫn lời Engels: "Trước tiên là lao động rồi sau đó
và đồng thời ngôn ngữ. Ðó là hai động
lực chủ yếu tác động bộ óc của loài vượn dần
dà biến thành bộ óc của con người."
Lịch sử đã chứng tỏ là trí khôn loài
vật chưa đạt tới mức độ ý thức, vì ở loàì
vật thiếu quan hệ ý thức với sự vật như ngôn ngữ có
thể diễn đạt. Và dấu hiệu ngôn ngữ sơ đẳng nhất là
động tác của dấu chỉ diễn đạt mọi quan hệ với sự vật bên
ngoài, ở đó ý hướng tính cơ bản của
ý thức là ý thức về sự vật, khác
vơí cơ chế tâm linh thuần túy cảm xúc
máy móc nơi loài vật. Khi mô tả những hoạt
động sơ đẳng, động tác của dấu chỉ là một cách gọi
lao động trên đối tượng được chỉ. Ý chí trước hết
phải được cấu thành dưới một dạng khách quan trong vận
động nguyên ủy của ngôn ngữ khi vận động này đột
phát những quan hệ vật chất của đời sống xã hội, điều
Mác gọi là ngôn ngữ của đời sống thực:
"Sản xuất những
ý tưởng biểu hiện và ý thức trước hết một
cách trực tiếp và riêng biệt lẫn vào
các hoạt động vật chất và giao dịch vật chất của con
người, nó chính là ngôn ngữ của đời sống
thực. Những biểu tượng, tư tưởng, giao dịch trí thức của con
người xuất hiện ở đây như" khởi sinh trực tiếp của ứng xử vật
chất (direkter Ausfluss ihres materiellen Verhaltens) nơi con người" [2]
Ðến đây Trần Đức Thảo muốn chỉ ra hướng nghiên cứu qua
lối đặt vấn đề khởi từ một ý nghĩa tuyệt đối tự căn cơ ở trong
ngôn ngữ của đời sống có thực có trước mọi ý
thức nói chung, và chỉ từ khi có chủ thể
hoá mới xác định ra ý thức nguyên ủỵ. Trong
mọi bước tỉ mỉ mô tả những động tác dấu chỉ của con người
nguyên thủy, ý nghĩa này được giả định ở mọi giai
đoạn tiếp theo như những điều kiện tiên quyết của thao tác
ngôn ngữ hay tư tưởng.
Hướng nghiên cứu này hoàn toàn theo quan
điểm duy vật vì ý nghĩa của dấu chỉ liên hệ một
cách trực tiếp và duy nhất tới chính sự vật trong
hiện hữu ngoại tại, coi như độc lập với chủ thể, hay nói một
cách khác, sự vật trong hiện hữu vật chất. Chính
khởi từ hình thái khách quan của dấu chỉ đã
đắc thủ mới có hình thái chủ quan xác định
mối quan hệ đầu tiên có ý hướng của chủ thể đối với
khách thể. Cho nên Mác xác định ý
thức không có gì khác hơn cái hữu thể
có ý thức (das bewusste Sein). Có thể nói,
ngôn ngữ là chính ý thức trong thực tại trực
tiếp của nó, thì ý thức là ngôn ngữ
mà chủ thể nói với chính mình, nói
chung dưới dạng "ngôn ngữ bên trong".
Vận động vật chất hàm ngụ trong ý thức là
chính ngôn ngữ, nói khác đi tín hiệu
ngữ học là vận động vật chất của hành vi chỉ thị. Trong Grundrisse,
Mác quan niệm ngôn ngữ là hiện thể của cộng đồng,
nên mối quan hệ giữa cá thể và ngôn ngữ chỉ
xác định khi cá thể là một thành viên
tự nhiên của cộng đồng con người. Trong phần nghiên cứu thứ
hai của tác phẩm Recherches sur l'origine du langage et de
la conscience (ROLC), dưới nhan đề: ngôn ngữ hỗn tạp (Le
langage syncrétique), Trần Đức Thảo mở đầu từ một khái
niệm của Jakobson: "Ý nghĩa của một tín hiệu là
một tín hiệu khác, nhờ đó tín hiệu mới được
thông diễn" và phê phán: Nếu tất cả ý
nghĩa của những tín hiệu là đi từ tín hiệu
này qua tín hiệu khác, chứ không bao giờ
liên hệ trực tiếp với sự vật thì như vậy, một cách
thực tiễn, chúng ta bị vây kín trong thế giới những
tín hiệu và không thể thấy được sự vật muốn
nói gì. Ðó là một sai lầm nghiêm
trọng vì ngay trên bình diện phân tích
những tín hiệu, không thể chối bỏ sự hiện hữu của một
tín hiệu cơ bản, mà ý nghĩa rõ ràng
xác minh "một liên hệ trực tiếp giữa từ ngữ và sự
vật": đó là tác động của dấu chỉ (le geste de
l'indication), ở đó chúng ta chỉ ngón tay
trên chính sự vật. Khi Lenin định nghĩa cảm giác
là dây liên lạc trực tiếp của ý thức với
ngoại giới, ông muốn chỉ ra rằng khái niệm vật chất đối
với con người là vấn đề tín nhiệm vào những dấu
chỉ (pokasaniiam) của những giác quan, vấn đề và
những nguồn gốc của nhận thức nơi con người [3]
. Toàn bộ những nghiên cứu về nguồn gốc của ngôn ngữ
và ý thức khởi đi từ vấn đề vận động của dấu chỉ.
Dựa vào quan điểm duy vật, ông xác động tín
hiệu của tín chỉ phát triển theo sự vật trong vận động
của nó. Lý luận phản ánh bắt nguồn từ Mác,
quan niệm "vận động của tư duy chỉ là phản ánh của vận
động thực được vận chuyển vào trong bộ óc của con người."
Khi đi tìm hình thái nguyên ủy của ý
thức thông qua quá trình tiến hóa từ
loài vượn lên loài người, rồi từ loài vượn
người qua loài người khéo léo (homo habilis),
chúng ta thấy hàm mặt đã thanh tú hơn
và bộ óc tăng trưởng chứng tỏ sự phát triển đầu
tiên của ngôn ngữ và ý thức. Dựa vào
khả năng của giác quan, Trần Ðức Thảo nhận xét:
Ý thức xuất hiện ở khởi đầu của sự phát triển nơi
loài vượn bằng chủ quan hoá tín hiệu của dấu chỉ
dưới dạng thái xác thực khả xúc của thực tại
khách quan của sự vật được tri giác [4]
.
Từ quan điểm của Engels: "Cũng như lịch sử tiến hóa của thai nhi
trong bụng mẹ chỉ biểu hiện một sự lặp lại thu gọn lịch sử hàng
triệu năm tiến hoá thể chất của tổ tiên động vật của
chúng ta, bắt đầu từ loài loài sâu, sự tiến
hoá trí khôn của trẻ con cũng là một sự lập
lại thâu tập sự tiến hoá trí khôn của những
tổ tiên này, ít ra là những tổ tiên
gần dạng người" [5]
toàn bộ đề cương nghiên cứu trong PMD tìm hiểu khởi
sinh những cấu trúc của ý thức từ khảo sát nguồn
gốc sinh vật của con người về mặt phát triển cá thể
và chủng loại đối chiếu sự phát triển nơi trẻ sơ sinh với
sự phát triển cơ xúc từ loài sâu đến
loài vượn đến ROLC hướng đi vẫn không thay đổi.
Những tư liệu tâm lý học về trẻ em trong ROLC phần lớn dựa
trên công trình của những nhà tâm
lý học Liên Xô như Gvosdev, Konnikova và nhất
là Piaget (người Thụy Sĩ, rất gần với quan điểm
Mác-xít, như Goldman nhận định), còn những tư liệu
nhân loại học trong ROLC dự trên những công
trình của Iakimov, Spirkine, Kotchetkova nhằm mô tả vận
động biện chứng của những dấu chỉ phát triển ở các
loài vượn người và trẻ em, khởi thủy của ngôn ngữ
và ý thức.
Vận động của dấu chỉ về mặt duy vật biện chứng khởi sinh từ lao động
tập thể thích nghi được phát triển từ trình độ
vượn người. Quá trình tiến hóa từ vượn người
lên loài người đánh dấu từ khi đứng và đi
thẳng bằng hai chân, giải phóng bàn tay để
có thể tập thói quen biết sử dụng phương tiện . Một sự
phát triển như vậy giả định tín hiệu của dấu chỉ trong
hình thái sơ đẳng nhất sử dụng phương tiện tập thể, đồng
thời cũng đắc thủ được trong tổ chức thần kinh, giải phóng bộ
óc qua những hoạt động cao cấp: ngôn ngữ và
ý thức, vượt khỏi những hạn chế của hoàn cảnh. Từ phương
tiện tự nhiên, đến sửa soạn phương tiện như biết mài cạnh
đá cuội, phát triển phương tiện (ở giai đoạn Kafouen
và Olduvai), cho dến khi thực sự tạo ra công cụ là
quả là một quá trình từ con người được
thành hình (tác nhân sản xuất ra phương
tiện) cho đến khi con người hoàn tất (tác nhân sản
xuất ra công cụ).
Khi đi phân tích tín hiệu của dấu chỉ phát
triển, nơi loài người sơ khai sống thành đoàn
nhóm săn bắt mồi, lấy hình ảnh người săn thấy con mồi ở
phía xa và chỉ cho những nguời khác bằng một cử
chỉ của bàn tay dang ra về phía trước, nơi trẻ sơ sinh 14
tháng biết ra tín hiệu bằng cử chỉ, Trần Ðức Thảo
diễn tả ý chí của động tác dựa trên một ảnh
tượng được phát biểu "cái này trong một vận
động trong hình thái chỉ cách xa
"bằng công thức CME, phát biểu một cách chung
là "cái này trong một vận động
trong hình thái" bằng công thức
CMF, gọi là công thức của dấu chỉ phát triển bao
gồm một số những khả năng tiến hóa để có thể hiểu
tính đa nghĩa của tiếng dựa trên cử chỉ [6]
, phân tích cho đến tận cùng, đó là
toàn bộ vận động diễn đạt bằng cử chỉ, sơ bộ hay hoàn
tất, tạo thành ý nghĩa của tiếng.
Nhận thức được tín hiệu của dấu chỉ phát triển chỉ
có được khi chủ thể có thể nói với chính
nó : Khi tín hiệu được dội trở lại chính nó
nơi trẻ con dưới hình thức chơi đùa, trên thực tế
là những điều kiện nguyên thủy trong thực tiễn lao động
tập thể. Lao động vượn người đã trao đổi lẫn nhau cùng
dấu chỉ phát triển về một đối tượng của hình thái
CMF. Trong thí dụ nêu trên, khi những người săn
trong nhóm trao đôåi dâáu chỉ
này, nghĩa là trao đổii với nhau và với
chính mình khi đồng nhất với tiếng gọi của người tiền
phong, tín hiệu mới mang chính ảnh tượng nhờ đó
những người săn gọi nhau theo bắt con mồi, vận động của một nhận biết
như vậy tạo hình thái của cải sinh động đó
như là hành vi mang ý nghĩa vật chất gọi là
ý thức [7]
.
Những phân tích cụ thể về biểu tượng cho thấy ý
thức chân chính của sự vượt qua khi minh giải nội dung
thực kỳ thành của nó, tức là cái nội dung
xã hội, chứng tỏ sự hiện diện thực cùng khắp của lao động
tập thể, sinh ra sự hiện diện cùng khắp lý tưởng của
ý thức. Sự phát triển qua lao động tập thể do sự
phát triển ra phương tiện tiến đến sự phát triển
phân bố công tác trong khuôn khổ thông
tin mở rộng là một bước tiến bộ trong cấu trúc ngôn
ngữ. Mâu thuẫn khách quan giữa những quan hệ mới trong lao
động tập thể do sự phát triển những lực lượng phương tiện
và hình thái đắc thủ của ngôn ngữ tạo cho
một cấu trúc ngữ học mới phát sinh. Quan hệ song
hành cơ bản của cử chỉ và tiếng tạo ra nhóm từ
có tính chức năng là một bước tiến bộ nhất định
trong sự tiến bộ của nhận thức. Nhóm từ về mặt chức năng xuất
hiện vào cuối giai đoạn hai của loài vượn người
đánh dấu hình thái ngữ học mới cho đoàn
nhóm tương ứng với nhận thức của tập thể.
Ở buổi đầu, ngôn ngữ của loài vượn người cũng như nơi trẻ
sơ sinh còn là thứ ngôn ngữ hỗn tạp. Vượt qua giai
đoạn ngôn ngữ hỗn tạp, vươn lên khỏi hình
thái và sự khai sinh ra từ biểu tượng phân biệt của
hình thái. Từ có một vị thế nhất định, không
còn là thứ tiếng hỗn tạp nữa. Do ước lệ xã hội,
tương ứng với kinh nghiệm về nhiều mặt đối tượng vượt khỏi những khả
năng trực tiếp của sự phát triển của hoàn cảnh hiện tại.
Dấu chỉ của đối tượng ở đây tương ứng với lối gọi tên điển
hình đánh dấu một bước mới nhất định trong sự tiến bộ của
nhận thức. Cấu tạo điển hình này đánh dấu một bước
đầu của lao động sản xuất nơi người khéo léo (Homo
habilis).
Sau giai đoạn ngôn ngữ hỗn tạp, nhóm từ được hình
thành, có nghĩa là sự biện biệt hóa chủ từ
kéo theo sự xuất hiện những câu được phát biểu
đúng nghĩa với những quan hệ giữa chủ từ và động từ.
Ðộng từ chỉ xuất hiện sau cùng, tiếp nối túc từ ở trẻ
con đã được 23 tháng (nơi quá trình lịch sử
con người sau thời đại Prehominien) [8]
. Trong Tiết III của phần hai nghiên cứu về ngôn ngữ hỗn
tạp, dưới tiểu đề "tổ biện chứng nhận thức" (l'alvéole de la
dialectique de la connaissance), Trần Ðức Thảo muốn chỉ ra rằng từ
quá trình tìm hiểu ý nghĩa hỗn tạp của dấu
chỉ đã cho thấy những mầm mống của mỗi thành tố biện
chứng của nhận thức như một tái sản xuất lý tưởng cải
biến chung của sự vật. Những mâu thuẫn của biến chứng sự vật ở
trạng thái tiềm ẩn đã tuần tự xuất hiện trong sự
phát triển của thực tiễn xã hội, tạo thành những
hình thái mới của ngôn ngữ và ý thức,
ở đó cấu trúc ngữ nghĩa nguyên ủy làm cho
những tác động ngữ học được phong phú lên dựa
trên mô hình của sinh hoạt vật chất và những
tương giao vật chất giữa những người lao động, và khi diễn đạt
tượng trưng bằng lời đã tạo thành một hình ảnh
càng lớn và rõ hơn về ngoại giới. Ở vào kỷ
thứ ba và thứ tư, tín hiệu của dấu chỉ phát triển
tương ứng với sự phát triển của lao động thích nghi đơn
giản, nghĩa là biết sử dụng phương tiện tự nhiên và
phương tiện được sửa soạn trở thành ứng xử bình thường
nhờ ở bàn tay được giải phóng. Sự nhảy vọt từ phát
triển về lượng sang phát triển về chất với sự trao đổi những
thông tin trong đoàn nhóm, trong sự hợp tác
lao động tập thể khi đã có dấu chỉ biểu tượng về
"cái này"' vắng mặt, khi đã vượt qua được
mâu thuẫn giữa đối tượng và vận động trong hình
thái sơ đẳng nhất, nghĩa là khi đối tượng biến khỏi
trường tri giác hiện tại. Bước tiến bộ về chất này trong
sự phát triển của ngôn ngữ và ý thức lần đầu
tiên đã cho phép chủ thể vượt qua một cách
lý tưởng những hạn chế chật hẹp của dữ kiên hiện tại,
chính là giải phóng được bộ óc. Ở giai đoạn
Kafouen (thời đầu kỷ Pleistocene thứ cấp) con người biết sửa soạn
phương tiện bằng sự điều động trực tiếp chất liệu với sự phát
triển lao động nhờ một phương tiện thứ hai (dùng hai hòn
cuội, một là đối tượng lao động, một là phương tiện lao
động). Sử dụng phương tiện phát triển làm cho đoàn
nhóm phân biệt thành những đôi đắc thủ, tạo
cho lao động thành hình thái lao động thích
nghi phức tạp. Những mâu thuẫn mới lại xuất hiện ở trình
độ hoạt động và những tương giao vật chất giữa những người lao
động, được phản ánh trong ngôn ngữ bằng một loạt những ngộ
nhận, như khi một tiếng được dùng để chỉ vận động của một đối
tượng nhất định nơi người này đối với người nghe lại biểu tượng
vận động này trên một đối tượng khác. Mâu
thuẫn ấy chỉ được giải đáp trong hình thành
nhóm từ có chức năng sơ đẵng. Với một cấu trúc mới
của ngôn ngữ và ý thức lao động triển khai dựa
trên một ảnh tượng điển hình lý tưởng của
hình thái phương tiện mang một cách thế chung cho
mỗi người lao động. Tác động ngữ học mới chỉ định hình
thái của hành vi lao động, mà nhận thức làm
xuất hiện kỹ thuật sản xuất, ở đó sự thực hiện chính
xác ảnh tượng điển hình của hình thái
phương tiện được đảm bảo trong sự xác định có ý
thức về những vận động của sự điều động chất liệu, như Mác nhận
định:
"Con vật chỉ là
một với hoạt động sống. Nó không tách rời mà
chính là hoạt động sống này. Con người
làm cho hoạt động sống thành đối tượng của ý
chí và ý thức của con người. Con người có
một hoạt động sống có ý thức. Ðó không
phải là một xác định đơn giản mà con người nhập
vào một cách trực tiếp. Hoạt động sống có ý
thức phân biệt trực tiếp con người với hoạt động sống thú
vật. Con người một cách minh thị ở đó hiện hữu như một
chủng loại" [9]
Chính qua đắc thủ và nhận thức được tín hiệu dấu
chỉ của hình thái vận động trên đối tượng mà
hoạt động sống có ý thức là một lao động sản xuất.
Khi lao động đã hoàn toàn thuộc về con người,
đó là lúc loài người Homo xuất hiện. Tuy
vậy sự sản xuất vào thời kỳ này vẫn còn ấu trĩ
vì hạn chế trong phần hữu dụng của phương tiện. Khi con người
sản xuất ra công cụ, nghĩa là chế tạo toàn bộ chất
liệu theo một hình thái điển hình toàn
diện, phác họa từ trong đầu một kế hoạch hoạt động, đó
là lúc người lao động có thể chỉ định cho
chính mình một loạt những khai triển hình
thái điển hình nhất định, ngôn ngữ đã
có sự phân biệt động từ. Từ sản xuất ra phương tiện ở
vào lúc nhân loại ví như một thai nhi ở giai
đoạn cuối hình thành, cho nên Engels gọi là
con người đang hình thành (der werdende Mensch), sang đến
giai đoạn sản xuất ra công cụ, hàm ngụ sự cấu thành
nhóm từ trong ngôn ngữ thực hiện đồng thời với biện chứng
nguyên ủy của lực lượng và quan hệ sản xuất trong sự
phát triển từ con người khéo léo sang con người
lao động (Homo faber), con người đã hoàn toàn
là người (der fertige Mensch). Loài người lúc
đó như rời khỏi bụng mẹ thiên nhiên để bước sang một
thế giới mới, thế giới văn hóa. Con người đi từ lao động
nguyên thủy (Homo faber primigenius) đến con người hiện tại,
có lao động trí thức (Homo faber sapiens).
Từ công thức cơ bản CMF biểu hiện công thức của dấu chỉ
phát triển, Trần Ðức Thảo đã chịu ảnh hưởng của cấu
trúc luận không phải như một hệ thống mà như một
phương pháp để nghiên cứu quá trình biến
chuyển của những tín hiệu biểu tượng tới sự hình
thành nhóm từ chức năng của ngôn ngữ, nhưng
ông xác định là chưa bàn tới hình
thành nhóm từ đúng nghĩa, kế tiếp giai đoạn
ngôn ngữ hỗn tạp. Tác phẩm ROLC vẫn chỉ là một
công trình khởi thảo chưa hoàn tất.
Phân tâm học và chủ nghĩa Mác
Phân tâm học là một trong những nguồn tư
tưởng lớn ảnh hưởng đến sinh hoạt trí thức nói chung của
thế kỷ. Cùng với cấu trúc luận, phân tâm học
trở lại sinh động sau biến động 68 ở châu Âu và
là đối tượng phê phán của người Mácxit. Cho
nên trong phần thứ ba của tập Nghiên cứu, Trần
Ðức Thảo đã dành gần một trăm trang để đối chiếu "chủ
nghĩa Mác và phân tâm học" với mục
đích khai phá "hạt nhân hợp lý" trong những
quan sát khoa học thành tựu của phân tâm học.
Ông khẳng định:
"Chỉ có chủ
nghĩa duy vật lịch sử khi phát triển lý luận về những
hình thái lịch sử xã hội của cá thể, mới
lý giải đứng đắn chất liệu phong phú của những dữ kiện
khách quan mà phân tâm học tích lũy
được" [10]
Khác với những người Mácxit giáo điều, Trần
Ðức Thảo cũng như một số ít người Mácxit khác
nhìn nhận mối quan hệ và kế thừa những thành quả
khoa học của cấu trúc luận và phân tâm học.
Mục tiêu nghiên cứu như đề ra trong tiểu đề là
"những nguồn gốc của khủng hoảng Oedipe". Mặc cảm Oedipe như
André Green đã chỉ ra là một "định tố sơ cấp" mặc
dầu gắn liền với những hình thái xã hội của mọi
thời đại, nhưng độc lập với tính lịch sử này. Mặc
khác Oedipe như Moustafa Safouan xác định:
"Oedipe không
phải là huyền thoại... mà là một cấu trúc
theo đó dục vọng sắp đặt thế nào để cấu thành một
hiệu quả trong quan hệ của tồn tại của con người, không phải với
tính xã hội nhưng với ngôn ngữ" [11]
.
Tuy không đồng quan điểm với những nhà phân
tâm học coi mặc cảm Oedipe là phổ quát định vị dục
vọng, nhưng Trần Ðức Thảo cũng khởi đi từ ý hướng tìm
hiểu Oedipe trong vận động của ngôn ngữ. Ông cũng
không phủ nhận mặc cảm Oedipe như Deleuze và Guattari [12]
và nghiên cứu về khủng hoảng Oedipe đóng góp
vào cuộc tranh luận diễn ra trong thời điểm cấu trúc luận
này. Quan điểm của ông cũng gần với André Green khi
chú trọng đến phương thức cơ bản của mặc cảm Oedipe trong mối
quan hệ với người sản xuất.
Trong khi phân tâm học quan niệm mặc cảm Oedipe là
phổ quát. Nghĩa là con người sinh ra mang một mặc cảm
huyết tộc diễn ra trong mối quan hệ tam giác xung đột (cha - mẹ
- tôi), Trần Ðức Thảo nhận định cấu trúc Oedipe
không phải là một dữ kiện trực tiếp mà cấu
thành như hậu quả của toàn sự phát triển. Ngay
chính Freud cũng nhìn nhận ở con gái, mặc cảm
Oedipe chỉ là hình thái thứ yếu. Như vậy, trước
khi có mặc cảm Oedipe, phải xét đến nguồn gốc của giai
đoạn tiền Oedipe, mối liên lạc xã hội đầu tiên của
con người. Sự phát triển lao động theo Engels thiết yếu
đã góp phần vào việc xiết chặt những dây
liên lạc giữa những thành viên của xã hội,
khi gia tăng những hỗ trợ lẫn nhau, hợp tác chung và
khiến cho mọi thành viên ý thức được tiện lợi của
sự hợp tác này. Ở khởi điểm nguồn gốc gia dình,
lực lượng thống nhất và hoạt động tập thể của đoàn
nhóm đã thấy khả năng tự vệ không đầy đủ của
cá nhân. Thực tiễn lao động tập thể đã đưa
đoàn nhóm nguyên thủy này thủ tiêu
"tính cá nhân thú vật" trong tập thể
thú vật này để bước sang xã hội người, cũng như
trấn áp được tính ghen tuông tìm thấy nơi
động vật. Theo Lenin, đây là một bước quyết định của
"công xã nguyên thủy" trong quá độ từ tự
nhiên lên văn hóa.
Như vậy khởi sinh của khủng hoảng Oedipe bắt nguồn từ chỗ nào?
Khủng hoảng này hàm ngụ hình thái đối lập
của một sự xung đột dữ dội giữa những thế hệ, nghĩa là những
người con bị dồn ép trong dục vọng bị cấm đoán
hướng về những người mẹ và đương đầu một cách
phạm tội đối với những mgười cha. Sự ghen tuông chỉ
có thể xảy ra trên một cơ sở xã hội. Tuy
nhiên, trước hết phải xét đến "bi kịch của người
đàn bà về mặt sinh vật" tạo ra những điều kiện của một bi
kịch xã hội thực. Ðó là giai đoạn từ thời đồ
đá cũ thứ cấp, khi con người đã trở nên con người
lao động nguyên thủy: người đàn bà đã ở dạng
đứng thẳng, chuyển động bước đi bằng hai chân đã
phát triển, cấu tạo hông điều chỉnh lại khiến cho số tử
vong vì tai nạn mang thai và sinh đẻ tăng lên khiến
số đàn bà ít hơn đàn ông. Dựa
vào tư liệu của Nemilov [13]
, ở thời Mousterien, tuổi tối đa của đàn bà là 30
trong khi đàn ông sống tới 45 và đàn
bà lấy chồng vào tuổi 15 đến 30. Như vậy, quan hệ
hôn nhân trai gái trong thời đại này tương
ứng theo biểu đồ: về phía nữ, thời con gái bắt đầu từ 0
đến 14 và thời làm mẹ từ 14 đến 30, về phía nam,
thời làm con từ 15 đến 29 và làm cha từ 29 đến 45.
Mối tương giao tam giác Oedipe như phân tâm học chỉ
ra chỉ có ý nghĩa về mặt vận động ngôn ngữ,
và cái loạn luân Oedipe về mặt thực tiễn
không thể nào xảy ra vì hầu như những con trai bao
giờ cũng là những đứa trẻ mồ côi mẹ trước khi đến tuổi dậy
thì; nói khác đi cái quan hệ tam
giác cha/mẹ/tôi không có gì chung với
những quan hệ thân tộc thực, nó chỉ diễn đạt sự mâu
thuẫn của những quan hệ xã hội bị chế tài bởi ngôn
ngữ [14]
.
Sau hàng triệu năm phát triển ngôn ngữ và
ý thức trong vận chuyển của lao động và những quan hệ
xã hội, con người hình thành đắc thủ được những
tập quán hợp nhất và đoàn kết, giải phóng
lao động sản xuất khỏi quy luật động vật để tạo ra những quan hệ
xã hội mới. Cùng với sự tiến hóa tận cùng
của con người Homo habilis, với bi kịch sinh đẻ, người đàn
bà không còn theo đàn ông đi săn nữa
mà trông nom con cái, cùng với nhóm
đàn ông ở nhà để bảo vệ chống thú dữ.
Thành ra lần đầu tiên có một sự phân
công lao động với sự xa cách nhất thời giữa hai
đoàn nhóm. Người đàn bà ở nhà
làm nội trợ và những nhân tố đầu tiên của
những lực lượng sản xuất công cụ đòi hỏi tiêu thủ
tính cá nhân thú vật; chúng ta
có thể coi toàn bộ vận động này như sự khai
mào quy luật cơ bản của toàn xã hội con người: quy
luật tương ứng tất yếu giữa những lực lượng sản xuất và những
quan hệ sản xuất.
Con người đã biết sử dụng lửa và những dụng cụ nhỏ tạo
thành công nghiệp gia đình đòi hỏi phần vụ
đặc biệt của người đàn bà, không thích hợp
với những phong tục phóng túng của truyền thống trong
cộng đồng nguyên thủy. Do đó có một mâu thuẫn
sâu sắc giữa tất yếu xã hội đình hoãn mọi
quan hệ tình dục với những đàn bà lo công
tác lao động nội trợ tập thể với tự do phóng túng
về quan hệ tình dục. Những điều kiện sử dụng lửa nơi người thời
Acheuléen chưa biết cách tạo ra lửa theo ý muốn
đòi hỏi một trong những nhiệm vụ chính của đàn
bà là lo canh gác lửa, tạo ra một cấm đoán
tình dục, dưới hình thức cấm tuyệt đối đàn
ông giao tình với đàn bà, và khi phạm
lỗi có thể bị thẩy vào lửa, tạo ra nghi lễ ăn thịt người,
và có thể là khởi đầu của mọi nghi lễ hy sinh của
tôn giáo. Cũng chính ở nơi người thời
Acheuléen này khởi sinh ảo tưởng của người đàn
bà có dương vật (giữ một vai trò đáng kể
trong lý luận phân tâm học về mặc cảm Oedipe). Theo
Freud, giai đoạn Oedipe nơi trẻ con tương con tương ứng với "sự cấu tạo
dương vật" phát triển ở cả hai phái với sự tin tưởng tiền
định là mọi người, đàn bà cũng như đàn
ông đều có cơ quan sinh dục đàn ông: "Giai
đoạn dương vật này đồng thời cũng là giai đoạn của mặc
cảm Oedipe" [15]
. Tuy nhiên, theo Trần Ðức Thảo, giai đoạn dương vật bắt đầu
sớm hơn. Ông đặt bước khởi đầu ảo tưởng của đàn bà
có dương vật trong sự phát triển của đứa trẻ ba tuổi
tương ứng với người Acheuléen về mặt phát sinh chủng
loại. Người đàn bà Acheuléen mang dương vật giả
trong khi lo phụng vụ lửa tập thể với nghĩa: "Người đàn
bà này, trong khi thi hành nhiệm vụ xã hội
phải được kính nể như một người đàn ông" [16]
nhằm ngăn cản công việc yêu đương. Tín hiệu của
người đàn bà mang dương vật có lẽ được khái
quát suốt từ thời tiền và hậu Acheuléen, tăng
cường sự tuân thủ cấm đoán tình dục với người nội
trợ, ổn định phân công lao động giữa hai phái, khiến
lực lượng lao động tiến bộ. Tuy nhiên sự phát triển sản
xuất tạo ra những quan hệ mới, dẫn đến những xung đột mới. Khi sử dụng
lửa đã tiến tới cá nhân hóa, công việc
nội trợ tập thể trở thành nội trợ lứa đôi, như với biểu đồ
hôn nhân đã đề cập nơi trên, thiết yếu dẫn tới
sự cấm đoán quan hệ tình dục cho tất cả thế hệ trẻ nam,
tạo cho thế hệ cha ưu thế và thế hệ con bị dồn
ép:
"Trong ngôn ngữ
của đời sống thực dựa trên mẫu bi kịch xã hội này,
những tác động ngữ học mới đem lại cho những từ cha, mẹ, con
đã hình thành trong thời kỳ trước một nội dung ngữ
nghĩa mâu thuẫn" [17]
.
Ở thời kỳ đồ đá cũ, quan hệ giữa người mẹ thực hay những người
đàn bà đồng lứa với con trai là quan hệ dưỡng dục,
còn ở thời kỳ mà tín hiệu dương vật người
đàn bà mang trong công việc nội trợ nhằm tiêu
diệt mọi hàm ngụ tình dục trong quan hệ. Những người
thanh niên ở tuổi dậy thì đã mất những người mẹ
thực, bắt buộc có quan hệ này với những người đàn
bà cùng trang lứa mà y phải coi là mẹ,
vì họ lấy cha và chính y sẽ lấy một trong
những người con gái của họ. Cho nên nội dung ngữ
nghĩa nguyên thủy của Mẹ coi như "mẹ nuôi dưỡng
giúp đỡ và mang dương vật", còn mang ý
nghĩa mâu thuẫn là "me, đối tượng của dục vọng",
cũng như "người cha dưỡng dục" còn mang ý nghĩa
mâu thuẫn là "cha, đối thủ với con trai".
Trong những cộng đồng ở thời đồ đá cũ cao cấp, nhóm người
lớn tuổi mặc dù là thiểu số tạo thành một tầng lớp
xã hội đặc biệt, nhờ kinh nghiệm tạo những tiến bộ kỹ thuật về
công nghệ đánh dấu sự xuất hiện của con người lao động
trí thức. Có thể chính tầng lớp này nắm
quyền xã hội và nguồn gốc của tục cắt da qui đầu thực
hiện trong những lễ nghi dẫn vào tuổi dậy thì bắt đầu từ
thời kỳ này, nhằm bắt trẻ dậy thì từ bỏ dục vọng
tình dục cho đến tuổi được kết hôn. Ðiều này
tương ứng với những mặc cảm thiến hoạn nơi trẻ con năm tuổi. Biểu tượng
thiến hoạn nhằm củng cố quyền lực của người lớn tuổi cũng thủ
tiêu tín hiệu tạo ra ý nghĩa cơ bản của mặc cảm
này nơi ảo tưởng của đàn bà có dương vật.
Biểu tượng này thể hiện trong những nghi lễ phá trinh
những cô gái, không phải chỉ chọc thủng màng
trinh, còn cắt tiểu âm thần và đôi khi cắt cả
mồng đóc. Vào thời đại này, tuổi thọ đã
tăng và do sự bất quân bình giữa hai phái,
những người đàn ông góa lớn tuổi có quyền ưu
tiên cưới những cô gái đến tuổi lấy chồng.
Ðó là lý do tầng lớp người già
dùng sự thiến hoạn tượng trưng để củng cố quyền hạn trong
hôn nhân, khiến những thiếu nữ phải lấy chồng vào
tuổi lứa tuổi cha họ. Ðiều này có thể giải
thích luận điểm của Freud là: trong khi mặc cảm Oedipe
nơi con trai lặn đi dưới mặc cảm thiến hoạn , lại có khả năng
diễn ra do mặc cảm thiến hoạn nơi con gái. Freud coi sự
khác biệt này là một hệ quả tự nhiên của sự
phân biệt cơ quan sinh dục và hoàn cảnh tâm
linh; Trần Đức Thảo quan niệm sự khác biệt này chủ yếu
có nguồn gốc xã hội. Trong điều kiện người già
thống trị, những người "cha" lợi dụng để lập chế độ đa thê, cưới
những cô gái trẻ làm vợ thứ, và kết qủa
là trong những gia đình đa thê, người chồng
và người vợ đầu ở tuổi cha mẹ của những người vợ mới, và
người này dễ dàng trở nên ghen với "mẹ" cùng
chung chồng, ở vào địa vị người "cha" của mình. Trần Đức
Thảo nhìn nhận mặc cảm Oedipe được cấu thành, trong những
điều kiện của thời đồ đá cũ cao cấp này, mặc cảm Oedipe
nơi phái nữ có thể coi như sự hình thành
cuối cùng có tính cơ tâm linh phản ứng một
cách tiền định trong thời tiền sử âú trĩ. Sự cắt da
qui đầu là tín hiệu cấm đoán loạn luân giữa
"con trai" với "mẹ" nhưng mở đường cho sự loạn luân giữa "cha"
và "con gái". Sự loạn luân, nói chung chỉ bị
cấm đoán khi xã hội có lệ ngoại hôn. Ở những
xã hội ngoại hôn này, cắt da qui đầu mang ý
nghĩa một sự cấm đoán toàn diện về loạn luân.
Ðó là thời đồ đá trung, bi kịch sinh vật nơi
người đàn bà đã kết thúc, chấm dứt tiến
hoá sinh vật - xã hội với thiết lập chế độ ngoại
hôn như bước đầu của lịch sử xã hội. Khi cấu trúc
kết hôn ngoại tộc đã hình thành cấu
trúc thực sự của những quan hệ tình dục của con người
thì mặc cảm thiến hoạn thì không còn tuyệt
đối giữ vai trò cấu trúc hóa của những cơ quan hệ
tình dục nơi con người nữa. Những hình thái
tâm linh liên hệ đến mặc cảm Oedipe chỉ là những
hình thái ngữ nghĩa từ nguyên ủy ở trong thời tiền
sử của nhân loại do vận động vật chất của dấu chỉ bằng cử chỉ
và bằng lời đựơc tạo theo khuôn khổ của biện chứng sinh
vật-xã hội trong thời kỳ khởi sinh của nhân loại. Những
vận động cơ bản của khởi sinh nhân loại bao gồm sự phát
triển lao động, ngôn ngữ và ý thức và những
quan hệ xã hội, do đó khủng hoản Oedipe trong những quan
hệ hôn nhân, ngôn ngữ và ý thức chỉ
là biến trạng của sự phát triển, tuyệt đối không
phải là một "giai đoạn tất yếu" trong sự phát triển của
loài người Homo [18]
.
Trần Đức Thảo nhận định phân tâm học có tác
dụng chữa bệnh vì tâm bệnh biểu hiện nơi mặc cảm Oedipe
là một bệnh của ngôn ngữ, do đó có khả năng
của một sự điều trị bằng chính ngôn ngữ. Tuy nhiên
lý luận phân tâm học chỉ mang những khái niệm
chung có tính miêu tả, gồm một số chất liệu phong
phú những sự kiện cụ thể, nhưng không có khả năng
lãnh hội chung trong những xác định cụ thể
và chỉ có chủ nghĩa duy vật lịch sử mới có những
khái niệm khoa học thiết yếu để đi sâu vào nội dung
nhất định của những hiện tượng tâm linh và đem lại một
lý giải rõ ràng. Từ quan điểm này, xung
động Oedipe mang mâu thuẫn biện chứng được xác định qua
lịch sử giữa hai quy luật: quy luật nguyên thủy của cộng đồng
đàn bà bảo đảm sự thống nhất và liên đới tất
yếu trong khởi đầu sản xuất ra công cũ và qui luật mới của
hôn nhân lứa đôi đề ra trong sự tiến bộ của những lực
lượng sản xuất, nhất là sự phát triển công nghệ gia
đình ở thời Mousterien [19]
. Mâu thuẫn của hai quy luật này mang hình ảnh của
một sự xung đột sâu sắc giữa các thế hệ, biểu hiện bi kịch
xã hội diễn ra trong bi kịch tâm 1ý trẻ con
và người bị loạn thần kinh. Sự phát triển nhân
cách theo Trần Đức Thảo không thông qua mặc cảm
Oedipe vì từ ba tuổi, đứa trẻ trải qua hai con đường: mối
liên hệ đồng nhất không đối nghịch với cha mẹ xảy ra
vào hai tuổi và dục vọng ghen tị chỉ bắt đầu vào
ba tuổi, nhưng chỉ có con đường thứ nhâát mới
có một tương lai thực và hoàn tất một cách
hưũ hiệu chuyển biến của con người. Con đường dục vọng chỉ là
một biến thể, xác định với mặc cảm thiến hoạn, giảm trừ Oedipe
vào hiện hữu ngầm của vô thức: vô thức trong
nội dung Oedipe chỉ là tồn tại của một ngôn ngữ bị
bóp méo ngay tự nguồn. Tóm lại, mặc cảm Oedipe ở
bất cứ cấp độ nào cũng không thấy ở nguồn gốc của bản
ngã trẻ con; nó đối lập ngay từ đầu với cấu trúc
sâu sắc nhất của hiện hữu cá nhân, và như vậy
mở đường cho bêänh loạn thần kinh phá hũy bản
ngã. Nó là ngôn ngữ tha hóa,
bị bủa vây trong bất lực để khuấy động triền miên trong sự
bế tắc khủng hoảng của những giấc mộng và ác mộng,
ám ảnh và ảo ảnh [20]
.
Người Mácxít Việt Nam duy nhất
Qua hai tác phẩm chính PMD và ROLC của Trần Đức
Thảo, lý thuyết nhất quán xuyên suốt là quy
luật tác động qua lại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ
sản xuất xác định sự chuyển biến của lịch sử con người. Khi đọc
Husserl qua Ideen II, Trần Đức Thảo đã chú
ý đến thái độ nhân chủ (l'attitude personnaliste)
trong tư tưởng của Husserl xác định thế giới của tinh thần
(le monde de l'esprit) được biểu trưng như một thái độ thực
tiễn, trong đó cái hiện thực chỉ có ý nghĩa
trong những mối liên hệ chủ thể cụ thể, trong đời sống kỳ
thành [21]
. Trên con đường từ hiện tượng luận qua chủ nghĩa Mác,Trần
Đức Thảo khẳng định cơ sở thực của"thế giới tinh thần" được thể hiện
nơi vận động của giai cấp vô sản nhằm thủ tiêu mọi cấu
trúc giai cấp, ở đó lịch sử không còn
là lịch sử của những giai cấp lãnh đạo nữa, mà
là lịch sử của lao động sản xuất và những
quan hệ của con người [22]
. Từ khái niệm ý thức là"vận động của
vật chất" của Engels, ông đã lập lại quan điểm của Marx
là không có ý thức tự tại, mà chỉ
có ý thức dựa trên lý giải về "những
mâu thuẫn của đời sống vật chất" - sự xung đột giữa những lực
lượng sản xuất xã hội và những quan hệ sản xuất hiện hữu [23]
. Ở tác phẩm sau ROLC, Trần Đức Thảo lại xác định, từ sự
thống nhất đẹp đẽ ở buổi đầu cộng đồng con người nguyên thủy
đã tự hủy diệt để nhường chỗ cho cuộc vận động nghịch lý
trường kỳ, ở đó sự phát triển của bản chất xã hội
của con người xây dựng trên sự tiến bộ của lực lượng sản
xuất và quan hệ sản xuất thể hiện trong hình thái
nghịch đảo của hủy thể như thể sự tha hóa
của chính con người chỉ kết thúc bằng cách
mạng vô sản và chuyên chính vô sản,
xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản
tân tiến, như hủy thể của hủy thể mới cho phép
phát triển toàn diện mọi kế thừa tích cực của sự
phát triển lịch sử [24]
.
Trong một viễn tượng lịch sử như vậy, ông cần phải nại tới
khái niệm cơ bản của triết học Hegel, mà chủ nghĩa
Mác kế thừa là khái niệm về toàn thể. Cho
nên trong những dòng kết thúc "Hiện tượng luận
và chủ nghĩa duy vật biện chứng" Trần Đức Thảo phát biểu
"chủ nghĩa Mác là vận động kỳ thành của xã
hội." Không có chuyển biến tư tưởng nơi Trần Đức Thảo từ
PMD qua ROLC, như những kết luận đã dẫn nói trên
trong những nghiên cứu của ông. Trần Đức Thảo vẫn vận dụng
khái niệm then chốt Aufhebung trong biện chứng của
Hegel để giải đáp những vấn đề căn bản đặt ra trong những
tác phẩm của ông. Về điểm này, ông chịu ảnh
hưởng sâu sắc những bài học của Kojève từ trường
Cao Ðẳng Sư Phạm. Mặt khác, một nhà tâm
lý cũng dựa trên khái niệm Aufhebung để
giải quyết những vấn đề trí thức là J. Piaget [25]
; điều này giải thích lý do Trần Đức Thảo rất tin
cậy vào những phát hiện và tư liệu tâm
lý của Piaget qua hai tác phẩm.
Trong mười mấy năm, khoảng cách nghiên cứu giữa hai cuốn
sách, ông vẫn suy nghĩ về những vấn đề đặt ra trong tư
tưởng Hegel, tập trung trong tác phẩm "Hiện tượng luận về tinh
thần". Sự khác biệt giữa hai cuốn sách là, trong
hoàn cảnh xã hội ông sống, Trần Đức Thảo phải trở
thành một người Mácxít-Lêninít. Cho
nên, trong ROLC ông dẫn nhiều đến Lenin như một điểm dựa về
mặt quan điểm. Nhưng đọc Hegel, ông vẫn đặt trong khung cảnh
trí thức, bắt nguồn từ Kojève, Hyppolite và
Merleau-Ponty. Những suy tư của ông cũng biến ứng theo những
trào lưu tư tưởng thế giới từ hiện tượng luận, phân
tâm học qua cấu trúc luận. Tuy không có
khuynh hướng chiết trung, nhưng những vấn đề đương đầu với thực tại tư
tưởng mang những sắc thái của chủ nghĩa Mác hiện tượng
luận, chủ nghĩa Mác theo Hegel, chủ nghĩa Mác cấu
trúc luận như những người Mácxít khác:
Habermas, Enzo Paci [26]
. Khi phê phán những dòng triết lý
tác động sâu xa vào cuộc sống xã hội, Trần
Đức Thảo cũng cực đoan như những người Lêninit dồn mọi đối thủ
vào một cương tuyến của chủ nghĩa phi lý toàn diện
[27]
. Phê phán những vấn đề quan điểm của Trần Đức Thảo phải
đặt trong viễn tượng chung là phê phán từ căn để
chủ nghĩa Mác, đó là điều tôi sẽ
trình bày ở nơi khác trên một bình
diện rộng lớn hơn [28]
.
Khi phê phán hiện tượng luận của Husserl, ông vẫn
dựa vào phương pháp phân tích hiện tượng
luận để đi tìm cái nguyên ủy của thực tại để chỉ ra
rằng học thuyết của Husserl về sự vật thiếu hẳn sự cấu thành sự
vật không thể giảm trừ vào ý tưởng hóa trong
ý thức. Ði tìm đến nguồn gốc của ý thức,
ông muốn dựa trên một khởi điểm duy vật là thực tại
và tin tưởng vào phương pháp biện chứng, xa lạ với
hiện tượng luận của Husserl, để tìm hiểu sâu xa về vận
động thực. Ông đã không nhìn ra trong nỗ lực
trí thức của Husserl đã muốn vượt lên trên
mâu thuẫn của chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy
vật. Mặt khác trong tác phẩm ROLC, ông vẫn
không vượt ra khỏi tầm nhìn của phương pháp hiện
tượng luận trong việc sử dụng lý luận giảm trừ trong những
mô tả về tác động của dấu chỉ.
Ði tìm nguồn gốc của ngôn ngữ, khởi điểm cấu
trúc luận đã bắt đầu sâu xa từ những người tiền khu
như Herder. Trong "Luận về nguồn gốc của ngôn ngữ" [29]
, Herder đã đưa ra một luận điểm cơ bản: con người là vật
tạo ra của ngôn ngữ. Trần Đức Thảo đã tiếp thu những
bài học của cấu trúc luận, ngay cả trên những chứng
bệnh giả khoa học như xu hướng công thức
hóa, định lượng hoá tìm thấy trong học
thuyết của Lévi-Strauss [30]
. Lấy một thí dụ trong ROLC: từ công thức CMF đã
nói ở trên, mà Trần Đức Thảo gọi là
công thức ngữ nghĩa, đôi khi còn gọi là cấu
trúc, ông đặt thành một "tổ hợp" dưới hình
thái:
MFC - CF1 M (12)
được phát biểu là: "vận động trong hình
thái (F) liên hệ đến cái này - cái
này trong hình thái (F1) như thể nó xuất
hiện trong vận động của nó (giả định)".
Mượn từ kho tư liệu tâm lý của Gvosdev, lấy thí dụ
của đứa trẻ 20 tháng đòi sữa: "ico maka" (tạm diễn
tả sang tiếng của trẻ con Việt là: măm sữa). Những từ
hỗn tạp này như từ ico ở đấy chỉ một sự vận động
thèm muốn trong hình thái muốn thêm
liên quan đến "cái này", maka chỉ thị
"cái này" trong hình thức bú. Như vậy
chúng ta có một ý chỉ toàn diện là:
"Vận động trong hình thái thêm (A) liên hệ
đến cái này - cái này trong hình
thái bú (B) như thể nó xuất hiện trong trong vận
động của nó (giả định)", đặt thành công thức
là MAC - CBM, phù hợp với công thức (12). Người ta
thấy ngay là những tác động dấu chỉ khai triển đã
hàm ngụ hai từ và cho chúng ý nghĩa,
nó sinh ra một liên lạc đồng nhất thời khoảng của
"cái này" trên ảnh tượng có ý nghĩa
đầu với cùng thời khoảng trên ảnh tượng thứ hai. Bởi
vì tác động lấy trên khuôn mẫu từ hoàn
cảnh thực, và thực sự chỉ cùng một "cái
này". Hiển nhiên có thể đặt liên lạc thiết
lập giữa hai ý chỉ, được viết thành công thức:
MAC- ( CBM )
phát biểu như sau: "Vận động trong hình thái
liên hệ cái này, có nghĩa là đối
tượng - sữa (CBM)". Nếu chuyển cái liên lạc ở đây
trên bình diện dùng cử chỉ sang bình diện
phát biểu bằng lời, chúng ta sẽ có liên lạc
phát biểu đúng cú pháp là: "muốn
bú sữa thêm" [31]
.
Trong suốt phần hai: khai sinh ra ngôn ngữ, Trần Đức Thảo
đã sử dụng những tổ hợp cấu trúc khác nhau như vậy
nhằm phân tích "cấu trúc khách quan" của
tác động, qua những tiếng hỗn tạp cho đến khi hình
thành những nhóm từ chức năng, nghĩa là những
câu đúng cú pháp (như thí dụ dẫn
trên). Khi dùng những "công thức" như trên,
ông muốn chứng tỏ cái liên hệ giữa vận động bằng lời
và vận động bằng cử chỉ, mà theo ông, toàn
bộ vận động cử chỉ tạo thành cơ sở cho ngôn ngữ.
Dùng những ký hiệu riêng trong mối quan hệ
tác động qua lại giữa những công thức, không dựa
vào luận lý hình thức hay toán học, hay vận
dụng từ ngôn ngữ hình học, hoặc đại số học - công
thức hóa trong lý luận của ông giống như những loại
công thức hóa của nhiều nhà cấu trúc luận
không có tính thuyết phục, cũng không
có cơ sở để tồn tại.
Hấp thụ giáo dục truyền thống triết lý Pháp, Trần
Ðức Thảo vẫn hướng về một viễn tượng đạo lý, ở PMD là
"tái thiết lập nội dung công chính" những
giá trị con người "trên một bình diện cao hơn của
nhân loại mới". Ở ROLC là những quan hệ liên chủ thể
(rapports intersubjecticfs) biểu hiện nơi khai sinh ra nhân
cách con người ở buổi đầu nhân loại, "cái cử chỉ
trỏ ngón tay về người đối diện", và "trở lại chính
mình" là hình ảnh qua lại giữa "anh" và
"tôi", chính cái ngôn ngữ đầu có
tính cách riêng của con người khi phản
ánh trong ngôn ngữ nội tâm của ý thức
đã đưa chủ thể lên hình thái lý tưởng
của hiện hữu riêng của người" [32]
.
Tuy nhiên, riêng về phần đời của ông, sự xuất hiện
trên diễn đàn tư tưởng Pháp cũng là một cơ
hội để những bản viết của ông không phải mang số phận
làm những di cảo.
Nhưng do hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh, ông
đã trở thành người lạc hậu trong sinh hoạt tư tưởng sau
này. Khi ông mất, nhiều tác giả Pháp
đã nói đến hoàn cảnh của ông, như trong
quyển của F. Dosse (Paul Ricoeur, Les sens d'une vie), J.-F.
Revel (Mémoires).
Dầu sao, cái chết của Trần Ðức Thảo (1917 -1993) cũng
là cái chết một người Mácxit duy nhất của Việt
Nam.
[1]Trần Ðức
Thảo, Recherches sur l'origine du language et de la conscience,
Editions Sociales, 1973.
[2]ROLC,
tr, 35
[3]Khi
dẫn đoạn văn của Lênin trong "Chủ nghĩa duy vật và chủ
nghĩa kinh nghiệm phê phán", Trần Ðức Thảo nhấn mạnh ở
từ "những dấu chỉ", và ghi chú bản dịch tiếng Pháp
lần thứ tư của Editions Sociales đã từng dùng từ chứng cớ
(témoignage) thay từ những dấu chỉ (les indications), cho
nên ông đã chua thêm tiếng Nga pokasaniiam ở
nguyên tác. Tuy nhiên, chúng ta cũng
nên chú ý là những bản dịch chính
thức của nhà xuất bản ngoại văn Liên Xô đều
dùng từ chứng cớ. Xem bản tiếng Anh: Acceptance or rejection of
the concept matter is a question of the confidence man places in the
evidence of this sense organs, a question of the source of our
knowledge (Materialism and Empirio-criticism, tr. 114), bản tiếng
Tây ban nha : El admitir o rechazar el concepto de materia es un
problema de confianza del hombre en el testimonio de sus órganos
de los sentidos, es la cuestión del origin de nuestro
conscimiento (Obras escogidas. Tomo IV, tr 119)
[4]ROLC,
tr 76
[5]Engels,
Dialectique de la nature, Editions Sociales 1971, tr 180
[6]ROLC,
tr. 96 bắt nguồn từ khái niệm "xác thực khả xúc"
của Hegel trong Hiện tượng luận về tinh thần, hình thái
nguyên uỷ của ý thức, hay mục tiêu định hướng của
"cái này".
[7]X.ROLC,
tr. 123.
[8]X.ROLC,
tr. 123
[9]Marx,
Manuscrits de 1884, ES tr. 63
[10]ROLC,
tr. 257
[11]Moustafa
Safouan, De la structure en psychanalyse in Qu'est ce que le
strucuralisme?, Editions du Seuil 1968, tr. 241
[12]Deleuze
và Guattari, L'Anti-Oedipe, Editions de Minuit 1972; X.
phê phán tác phẩm này trong Ðặng
Phùng Quân, Triết học và văn chương, NxB Lửa
Thiêng 1974 tr. 181 - 197.
[13]ROLC,
tr. 263 - 265
[14]Sđd,
tr. 268 - 269
[15]Freud,
La vie sexuelle, P.U.F., tr. 118
[16]ROLC,
tr. 297. Trần Ðức Thảo dẫn chứng Forrer đã phát hiện
trong di tích thời Acheuleen ở Burbach, những nửa mảnh răng tiền
hàm loài trâu nước có hình dạng dương
vật, và theo ông nếu giả thuyết của ông đúng
thì những răng hình dương vật này có thể do
những bà nội trợ mang vào thời kỳ này như
tín hiệu của sự cấm đoán tình dục yên ổn cho
họ trong công tác phục vụ cộng đồng.
[17]ROLC,
tr. 301
[18]Sđd,
tr. 331
[19]Sđd,
tr. 335
[20]Sđd,
tr. 340
[21]PMD,
tr. 94 - 95
[22]Sđd,
tr. 318
[23]Sđd,
tr. 319
[24]ROLC,
tr. 295
[25]Piaget,
Le structuralisme, P.U.F. 1968
[26]Habermas,
Zur Rekonstruktion des Historischen Materialismus, Suhrkamp Verlag
1976, Enzo Paci, Funzione delle Scienze e Significato dell'Uomo, bản
dịch tiếng Anh 1972
[27]Xem
thêm Triết lý đã đi đến đâu của Trần Ðức
Thảo; luận điểm này là thái độ chung của người
cộng sản dưới thời Stalin, chẳng hạn Lukacs, Die Zerstorung der
Vernunft, Gesamtausgabe Bd 9. Trong Vorwort 1967, lời mở đầu tác
phẩm Geschichte und Klassenbewusstsein (1923), Lukács có
thái độ cởi mở như khi ông coi giữa Heidegger và
ông, vấn đề đi trước và ảnh hưởng không đáng
quan tâm mà cái quan trọng là sự tha
hóa của con người là vấn đề then chốt của thời đại đối
với mọi nhà tư tưởng tư sản cũng như vô sản (Prioritaten,
Einflusse etc. sind dabei nicht allzu interessant. Wichtig bleibt
bloss, dass die Entfremdung des Menschen als ein Zentralproblem der
Zeit, in der wir leben, von burgerlichen wie proletarischen, von
politisch-sozial rechts oder links stehenden Denkern gleicherweise
erkannt und anerkannt wurde ), Sđd. Hermann Luchterhand Verlag 1968, tr
23.
[28]X.
Phê phán hệ tư tưởng macxit
[29]Herder,
Abhandlung uber den Ursprung der Sprache (1772)
[30]Lévi
- Strauss, Mythologiques : Le Cru et le Cuit
[31]ROLC,
tr, 150 - 151. Trần Ðức Thảo chú thích ico maka sang
tiếng Pháp là Enco lait và câu nói
đúng cú pháp là: "encore du lait".
[32]PMD,
tr. 365 và ROLC, tr. 339
|